Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)
Trung tướng Nguyễn Bình và 'phiên tòa' đặc biệt

Lam Hà
19:00, 29/11/2024

Giai đoạn quân và dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống quân Pháp tái xâm lược nước ta, tình hình ở khu vực Long Thành - Nhơn Trạch rất phức tạp bởi tình trạng “thù trong giặc ngoài”. Trong bối cảnh rối ren ấy, Khu bộ trưởng 7 Nguyễn Bình đã tổ chức một phiên tòa rất đặc biệt vào đầu tháng 12-1945 xử lý “thù trong” để quân và dân Long Thành yên tâm chống “giặc ngoài”.

Chùa cổ Phước Hưng, còn gọi là chùa Phước Lai.
Chùa cổ Phước Hưng, còn gọi là chùa Phước Lai.

Phiên tòa ấy diễn ra tại chùa Phước Hưng, còn gọi là chùa Phước Lai (nằm trên lộ 19, nay là đường Hùng Vương, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch). Đối tượng bị xử là Ba Nhỏ, một tay giang hồ khoác áo kháng chiến để hoành hành, nhũng nhiễu người dân.

Giang hồ đội lốt cách mạng

Ba Nhỏ tên thật là Lê Văn Khôi, trước đây cầm đầu một băng nhóm giang hồ chuyên đâm thuê chém mướn ở khu vực cầu Xóm Củi (nay thuộc quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra ở Sài Gòn, Ba Nhỏ tham gia nhưng chủ yếu là để “khoe mẽ”, thường cưỡi ngựa đeo kiếm Nhật đi nghênh ngang trên phố nhằm thị uy, đưa bọn đàn em trong băng nhóm nhập với các nhóm vũ trang khác, cùng tiến chiếm một số nơi trong nội đô Sài Gòn.

Khi giặc Pháp tái chiếm Sài Gòn, Ba Nhỏ gia nhập lực lượng Bình Xuyên, tham gia đánh Pháp ở mặt trận Thị Nghè - Bà Chiểu - Cầu Bông. Dưới danh xưng “bộ đội cách mạng” nhưng thực chất là đám thổ phỉ vô kỷ luật.

Cuối tháng 10-1945, mặt trận chống Pháp ở Sài Gòn tan vỡ, các lực lượng vũ trang trong nội thành lần lượt rút về vùng nông thôn để bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài. Trong đó, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc 20 trung đội của bộ đội Bình Xuyên dưới sự chỉ huy của Dương Văn Dương (Ba Dương) kéo về đóng quân ở khu vực Long Thành - Nhơn Trạch. Nhóm Ba Nhỏ gồm 3 tiểu đội với 15 khẩu súng cùng với nhóm Tư Cò Đá - lưu manh ở vùng Bưng Sáu Xã (nay thuộc Thành phố Thủ Đức) hợp thành Chi đội 6 do Ba Nhỏ chỉ huy, cũng theo lực lượng Bình Xuyên rút về đây.

Nhắc đến tên Ba Nhỏ, nhiều người lớn tuổi ở Nhơn Trạch hãy còn nhớ vì sự hung hăng, tàn bạo của hắn. Trong khi các chi đội thuộc bộ đội Bình Xuyên như Ba Dương, Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh) dù về địa bàn mới vẫn tiếp tục phối hợp địa phương đánh Pháp, mà nổi bật là trận đánh cầu Lò Rèn (nay thuộc xã Long Thọ) lừng lẫy, thì nhóm Ba Nhỏ với bản chất lưu manh chỉ lo nhũng nhiễu nhân dân, cướp bóc tống tiền. Ai chống lại là bị bọn chúng chụp mũ là Việt gian rồi sát hại, thậm chí cả người vô tội nhưng không vừa mắt là bọn chúng bắn chết. Chúng còn đe dọa chính quyền địa phương, có một vị chủ tịch xã lên tiếng phản ứng đã bị Ba Nhỏ rút súng, lên đạn kê vào đầu dọa bắn.

Sự hoành hành ngang ngược của nhóm Ba Nhỏ không chỉ làm cho quần chúng nhân dân bất bình mà còn khiến nhiều người hiểu sai về quân đội cách mạng. Người dân “mắng vốn”, đơn thư tố cáo nhóm Ba Nhỏ gửi về Khu 7 như bươm bướm. Mặc dù đã được nhắc nhở, giáo dục nhiều lần nhưng Ba Nhỏ vẫn chứng nào tật ấy, không thay đổi.

Trung tướng Nguyễn Bình.

Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh tại làng Yên Phú, xã Tịnh Tiến, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, tình hình Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tháng 10-1945, Nguyễn Bình đang là Khu trưởng Khu Duyên Hải, Bắc Bộ, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phái viên của Trung ương ở Nam Bộ, sau đó giữ chức Khu trưởng Khu 7. Năm 1948, Nguyễn Bình là người được phong hàm Trung tướng đầu tiên của quân đội.

Đeo chuông vào cổ mèo

Để giữ vững kỷ luật quân đội, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình quyết định bắt Ba Nhỏ và mở phiên tòa xét xử để làm gương. Lúc ấy nhiều người không tin là sẽ trừng trị được Ba Nhỏ vì hắn có quân, có súng, lại được giới giang hồ kiêng nể. Nhưng Nguyễn Bình quyết tâm phải thực hiện. Bộ đội Liên chi 2, 3 Bình Xuyên của Ba Dương được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa. Đây là nhóm nòng cốt trong bộ đội Bình Xuyên, có kỷ luật nghiêm minh và tổ chức tốt.

Theo phương án do Bộ chỉ huy Liên chi 2 và 3 triển khai, lực lượng bảo vệ phiên tòa gồm 2 vòng trong và ngoài. Vòng ngoài có 3 trung đội, trong đó 1 trung đội của bộ đội Phú Xuân có tăng cường trọng liên 13.2 ly chốt chặn ở ngã ba Phước Long (nay thuộc xã Long Thọ), cách nơi xử án 1,5 km về hướng Đông Nam; 1 trung đội thuộc bộ đội Tư Huỳnh cũng được tăng cường trọng liên 13.2 ly bố trí đội hình dọc hai bên lộ 19, đoạn chạy qua làng Phước Mỹ (nay là khu phố Phước Mỹ); 1 trung đội thuộc bộ đội Chín Hiệp triển khai lực lượng tại Bàu Chai, cách khu vực xử án 1km về phía tây; ngoài ra còn bố trí 1 tiểu đội thuộc Ban trinh sát tiến hành kiểm soát chặt con kênh Bà Ký, đoạn từ Phước Thiền (phía Tây Bắc) đến đồn điền Butier (phía Đông Nam, dài 4km). Ở vòng trong bố trí 1 trung đội vệ binh, có nhiệm vụ tổ chức kiểm soát, tuần tra chặt khu vực xung quanh chùa Phước Lai. Bên cạnh đó, một số cán bộ chỉ huy Ban trinh sát và Ban tình báo được phân công theo dõi và kịp thời có biện pháp ứng phó với những tình huống bất trắc.

Việc bố trí và bảo vệ phiên tòa được sắp xếp một cách hết sức chặt chẽ và chu đáo, nhưng khó khăn là làm sao đưa được đối tượng đến xét xử, bởi Ba Nhỏ luôn thủ súng trong người, theo sát còn có mấy tên vệ sĩ. Ai sẽ “đeo chuông vào cổ mèo” đây? Công việc khó khăn này được giao cho “hùm xám” Mai Văn Vĩnh, Chỉ huy Chi đội 7, người được bộ đội Bình Xuyên rất nể trọng. Hai Vĩnh nhận định nếu “cứng đối cứng” dùng vũ lực bắt Ba Nhỏ khó thành công, chưa kể có thể dẫn đến thương vong cho cả hai bên. Với kẻ luôn tự xưng “giang hồ hảo hán” như Ba Nhỏ, Hai Vĩnh cũng ứng xử theo lối giang hồ. Biết Ba Nhỏ cùng vệ sĩ ở trong ngôi chùa Cao Đài tại Bà Rịa, Hai Vĩnh tay không một mình tới gặp, dùng cách “khích tướng” thuyết phục Ba Nhỏ đi gặp Nguyễn Bình. Với lực lượng được bố trí từ trước, Ba Nhỏ nhanh chóng bị bắt mà không có vụ “đấu súng” hay tổn thất nào xảy ra.

Phiên tòa đặc biệt

Đầu tháng 12-1945, phiên tòa xử Ba Nhỏ được tổ chức. Ngồi ghế chánh án là Nguyễn Bình, Ba Dương là Phó chánh án còn Nguyễn Văn Mạnh, Chỉ huy bộ đội Chánh Hưng ngồi ghế hội thẩm. Tham dự phiên tòa còn có đại diện Khu bộ Khu 7, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Biên Hòa, tỉnh Bà Rịa, quận Thủ Đức, quận Long Thành và Ty Công an tỉnh Bà Rịa cùng các vị cao tuổi ở địa phương, các chi đội trưởng và chỉ huy trưởng các đơn vị bộ đội đóng trên các địa bàn phụ cận.

Bà Phan Thị Chi (ở xã Long Thọ) là người trực tiếp dự phiên tòa, kể lại: Nguyễn Bình lúc ấy mặc áo xá xẩu màu xám ngồi giữa, hai bên là Ba Dương và Tám Mạnh. Phiên tòa còn có luật sư bào chữa. Các bước tuyên đọc cáo trạng, luật sư biện hộ đọc lời bào chữa được tiến hành đúng thể thức. Sau khi nghe tòa luận tội và phân tích tác hại, Ba Nhỏ nhận tội.

Nguyễn Bình thay mặt tòa đọc bản tuyên án, nêu rõ những tội danh của Ba Nhỏ:

- Khủng bố đồng bào, làm giảm lòng tin của đồng bào đối với lực lượng vũ trang kháng chiến, làm mất thanh danh của Vệ quốc đoàn.

- Coi thường chủ trương, đường lối, chính sách và các nghị quyết của Chính phủ Trung ương, của thượng cấp. Dùng bạo lực uy hiếp, khủng bố chính quyền và các đoàn thể cách mạng ở địa phương.

- Thoái thác nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Khi địch tiến công, không tổ chức chiến đấu mà bỏ chạy.

Xét trong lúc nước nhà lâm nguy, kháng chiến đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp, để giữ vững niềm tin của nhân dân vào cách mạng, đặng tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh kháng chiến, tòa tuyên án: Tử hình.

Ba Nhỏ xin được nói lời cuối cùng: “Tội tôi làm tôi xin chịu, cám ơn anh Ba (tức Nguyễn Bình) đã chỉ dạy cho tôi. Xin anh Ba cho tôi một đặc ân, được tự xử lấy mình”. Nguyễn Bình đồng ý, ra lệnh cho một cán bộ đưa khẩu súng ngắn cho Ba Nhỏ. Ba Nhỏ nhận khẩu súng rồi nhìn đám đông, nói: “Các bạn hãy lấy tôi làm gương. Xin đừng đi con đường của tôi”. Nói xong, Ba Nhỏ tay phải cầm báng súng, tay trái vuốt ve nòng súng. Mọi người nín thở, lo lắng cho ba vị quan tòa nếu Ba Nhỏ “trở quẻ” nhưng Nguyễn Bình vẫn bình tĩnh. Ba Nhỏ từ từ nâng súng lên đầu, ngang vành tai, bóp cò. Súng nổ, Ba Nhỏ gục xuống tắt thở...

Phiên tòa xử Ba Nhỏ nghiêm minh, được dân chúng đồng tình, quân dân càng thêm tin yêu chính quyền cách mạng...

 

 

Lam Hà

Tin xem nhiều