Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời Nguyễn Văn Khỏe:
Năng lượng mặt trời là động lực để sáng tạo ra những giải pháp hữu ích

Vương Thế
13:55, 09/11/2024

 

Sản phẩm bẫy muỗi Mosla do ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời sáng chế đã được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, sản phẩm này cũng đoạt giải Ba trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Khỏe trong chương trình Shark Tank Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khỏe trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

 

Ông Khỏe vốn được biết đến sau khi gọi vốn thành công 1 triệu USD trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) của Đài Truyền hình Việt Nam với hệ thống máy sấy bằng năng lượng nhiệt mặt trời. Ở tuổi gần 60, ông Khỏe cho biết khát khao của mình là sản phẩm Mosla được đưa vào sản xuất quy mô lớn để góp phần giải quyết dịch sốt xuất huyết và nhiệt mặt trời sẽ tiếp tục là động lực để ông tìm tòi, sáng chế ra các sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống.

Loại trừ sốt xuất huyết từ việc bắt muỗi bằng bẫy

* Thiết bị bắt muỗi là sản phẩm mới nhất của ông, điều gì đã khiến ông bỏ công sức để làm ra sản phẩm này?

- Điều mà tôi trăn trở và bị ám ảnh là dịch sốt xuất huyết vẫn luôn xảy ra hàng năm. Dù chúng ta đã tuyên truyền, vận động người dân, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nhưng chưa phải tối ưu. Không dùng điện, hóa chất, sẽ làm gì để diệt được muỗi? Điều này khiến tôi trăn trở mãi để làm sao tìm ra cách diệt muỗi một cách hiệu quả, an toàn mà lại không ảnh hưởng đến môi trường.

Vấn đề là làm sao thiết bị này thật sự tiện lợi, đơn giản mà ai cũng có thể sử dụng được với giá cả phải chăng nhất, từ đó, góp phần tiêu diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả hơn. Tôi tìm tòi, thử nghiệm và cuối cùng chế tạo thành công thiết bị bắt muỗi Mosla. Đến nay, giải pháp này đã đăng ký thành công và được cấp bằng sở hữu trí tuệ.

Ngày trước do khó khăn nên chỉ học được đến lớp 8 và đây là điều mà ông Nguyễn Văn Khỏe hối tiếc. Ông mong muốn những người trẻ trước khi tính chuyện khởi nghiệp thì hãy trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho mình và đó là hành trang bền vững về sau.

 

* Nói thì dễ nhưng để sản phẩm đạt hiệu quả chắc cũng không ít việc phải làm?

- Thực ra, ý tưởng và việc nghiên cứu sản phẩm này của tôi cũng đã 8, 9 năm trước chứ không phải gần đây. Người thân tôi bị sốt xuất huyết, người địa phương cũng bị, vì thế tôi tự mày mò làm ra sản phẩm để đặt ở xung quanh nhà mình nhằm phòng ngừa là chủ yếu.

Tôi đọc sách báo để tìm hiểu tập tính, cách sinh sản của muỗi, từ đó nắm được đặc tính và vòng đời của muỗi rồi lên ý tưởng cho thiết bị. Nhưng làm không phải đơn giản, do việc hiểu biết về vật liệu nhựa chưa nhiều nên thời gian đầu cũng trầy trật mãi. Làm đi làm lại cỡ chục lần thì cuối năm 2017, sau 2 năm trời cũng ra được sản phẩm ưng ý. Thực nghiệm thời gian dài cho thấy tỷ lệ muỗi vào làm tổ, đẻ trứng rất cao. Khi các chi tiết được tinh chỉnh, tỷ lệ lăng quăng phát triển thành muỗi lọt trở lại môi trường bên ngoài ước chừng chỉ 1%.

* Nguyên lý bắt muỗi từ sản phẩm là như thế nào, thưa ông?

- Bẫy muỗi được thiết kế hình khối tròn, rỗng ruột tạo thành một chum nước có nắp đậy. Trên nắp có những khe hở nhỏ, đó là “miếng mồi” dẫn dụ muỗi mẹ tìm đến đẻ trứng. Tôi nghĩ rằng thời tiết nóng ẩm như nước ta thì muỗi luôn có cơ hội để sinh sôi, sẽ không thể nào diệt được hết, thế nên tôi đã làm sản phẩm như một hũ nước để trong góc tối “dụ” muỗi mẹ vào đẻ trứng. Lăng quăng nở ra từ trứng cũng không thể nào thoát ra ngoài được nên sẽ bị chết, từ đó ngăn muỗi sinh sôi một cách hiệu quả.

Nếu không có lăng quăng thì sẽ không có muỗi, đơn giản là như vậy. Và sản phẩm của tôi với tên gọi Mosla chuyên bắt lăng quăng vậy thì có Mosla sẽ không có sốt xuất huyết. Nếu được sản xuất đại trà thì giá thành chỉ 100 ngàn đồng, tôi nghĩ hiệu quả mang lại cho từng gia đình và xã hội sẽ rất lớn, lại được sử dụng lâu dài.

Gian nan con đường khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp

* Không phải tới bây giờ, khi thiết bị bắt muỗi của ông được nhận bằng sở  hữu trí tuệ thì ông mới được chú ý. Vài năm trước, ông từng được biết đến khi tham gia chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ và gọi vốn được 1 triệu USD, sản phẩm ấy hiện nay ra sao, thưa ông?

Sản phẩm bẫy muỗi Mosla được ông Nguyễn Văn Khỏe giới thiệu với khách tham quan tại chương trình kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức. Ảnh: V.Thế
Sản phẩm bẫy muỗi Mosla được ông Nguyễn Văn Khỏe giới thiệu với khách tham quan tại chương trình kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức. Ảnh: V.Thế

 

- Trước đây, từ rất lâu, tôi đã có doanh nghiệp chuyên về chế tạo những sản phẩm để khai thác nhiệt lượng từ mặt trời để sấy khô nông sản và các sản phẩm chế biến khác như miến, bún, bánh tráng... Các hệ thống máy móc của chúng tôi đã cung ứng cho nhiều khách hàng tại Đồng Nai và các địa phương khác, nhất là khu vực Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh vì ở đây có các làng nghề về bánh tráng phơi sương với hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất và đó là thị trường của doanh nghiệp chúng tôi.

Khi tham gia chương trình Shark Tank, chúng tôi có thêm hiệu ứng truyền thông và nhận được sự cam kết, hợp tác góp vốn của chủ đầu tư trong chương trình. Chúng tôi cũng đã học tập được kinh nghiệm khi nhận ra những điểm yếu của doanh nghiệp mình và cố gắng khắc phục dần. Tuy nhiên do những lý do khác nhau, việc hợp tác giữa 2 bên sau đó dừng lại, mỗi bên có hướng đi riêng. Dù sao thì năng lượng nhiệt từ mặt trời là nguồn vô tận để chúng tôi có thể tiếp tục tìm tòi, sáng chế ra các sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống.

* Quay trở lại với ứng dụng bắt muỗi Mosla, vì sao đến nay ông mới muốn nó được triển khai rộng rãi dù sản phẩm đã nghiên cứu xong từ khá lâu?

- Từ kết quả thực nghiệm tốt nên tôi mạnh dạn nộp sản phẩm, bản thuyết trình xin đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích bẫy muỗi Mosla. Tuy nhiên, thời gian xét duyệt đơn đăng ký này cũng rất lâu, mà nhiều lúc cơm áo dồn đuổi nên có thời điểm tôi đã quên luôn mình từng sáng chế bẫy muỗi Mosla.

Sau 5 năm từ khi gửi hồ sơ, sản phẩm của tôi mới được công nhận bằng độc quyền giải pháp hữu ích, thế là ý tưởng ấy sống lại. Khát khao đưa bẫy muỗi Mosla ra thị trường, tiếp nối sứ mệnh “có Mosla, không có sốt xuất huyết” ngỡ như bỏ quên.

* Là doanh nghiệp quy mô nhỏ, lại trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất, những khó khăn gặp phải và điều gì mà ông mong mỏi nhất hiện nay?

- Như bao cơ sở, doanh nghiệp sản xuất khác, vấn đề về nguồn vốn, đất đai, thị trường luôn gặp khó khăn. Điều này đã nói nhiều rồi, chỉ mong sao các chính sách điều hành cần xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp. Nhất là các thủ tục liên quan đến sản xuất, chi phí, tuân thủ pháp luật... cũng như những kỹ năng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu, nhà nước cần hỗ trợ thêm.

Tuổi 50 tôi khởi nghiệp với giải pháp làm khô bằng nhiệt mặt trời và cũng được chứng nhận bằng Giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu trí tuệ cấp. 10 năm sau, tôi lại tiếp tục có thêm sản phẩm được cấp bằng và điều mong muốn là làm sao để các sản phẩm hữu ích ấy được tài trợ, hỗ trợ để có thể đưa vào sản xuất quy mô lớn, giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu và cũng là giúp cộng đồng. Nhưng đây là câu chuyện dài hơi, không dễ gì mà trong một sớm, một chiều, với tiềm lực của chúng tôi mà đạt được nếu không thực sự nỗ lực.

* Xin cảm ơn ông!.

Vương Thế (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều