Dậy thì sớm là khi bé gái trước 8 tuổi và bé trai trước 9 tuổi xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi có dấu hiệu dậy thì sớm. |
Thực tế cho thấy, tình trạng trẻ dậy thì sớm đang gia tăng và rất đáng lo ngại. Bởi ở tuổi còn quá nhỏ, dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe thể chất của trẻ. Dậy thì sớm cũng là dấu hiệu cảnh báo lão hóa sớm.
6 tuổi đã dậy thì
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Trang, Khoa Huyết học thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh viện đang quản lý, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi dậy thì sớm. Ngoài ra, mỗi tuần có khoảng 10 bệnh nhi khám mới, chủ yếu là các bé gái dưới 8 tuổi, cá biệt có những bé gái mới 5, 6 tuổi đã có dấu hiệu của dậy thì khiến người nhà rất lo lắng.
Những bệnh nhi đi khám dậy thì sớm có các biểu hiện như: ngực to ở trẻ em gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra, các bé có chiều cao tăng vọt, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, có mùi cơ thể.
Theo bác sĩ Trang, để xác định trẻ có dậy thì sớm hay không, các bác sĩ sẽ kiểm tra chiều cao, cân nặng, thực hiện các xét nghiệm, chụp X-quang xương cổ tay của trẻ để tìm hiểu xem xương có đang phát triển với tốc độ bình thường so với tuổi của trẻ hay không.
Mới đây, bé gái B.N., 6 tuổi, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám vì có bé có dấu hiệu ngực to hơn bình thường. Qua chụp X-quang cổ tay cho thấy xương của bé đã phát triển như bé 8 tuổi, tức là nhanh hơn 2 năm so với tuổi thật của bé.
Hay trường hợp bé trai M.Q., ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, từ khi 7 tuổi đã có các dấu hiệu như nổi mụn trên mặt, có lông mu, có cương dương vật. Bé Q. đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được 1 năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước, tình trạng này đang có xu hướng ngày càng tăng và phần lớn gặp ở trẻ em gái. Khoảng năm 1980, tuổi trung bình có kinh nguyệt là 15-16 tuổi, nhưng nay giảm xuống còn 11-12 tuổi, thậm chí 8-9 tuổi.
Chị M.H., ngụ phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, chia sẻ con gái chị dậy thì khi mới 7 tuổi, tức là khi bé mới học lớp 2. Trong lớp, con chị cao to hơn các bạn cùng trang lứa vì bé phát triển sớm. Tuy nhiên, theo chị H., dậy thì sớm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của con, đáng ngại nhất là khi bé có kinh nguyệt sớm nhưng chưa biết cách xử lý và vệ sinh đúng cách.
“Mỗi lần đến chu kỳ kinh nguyệt, con tỏ ra rất khó chịu. Những hôm đó, con không muốn đi học vì sợ không thể xử lý khi ở trên lớp, sợ các bạn trêu ghẹo” - chị M. nói.
Còn anh P.T., ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tâm sự anh đi làm ăn xa, chỉ có vợ ở nhà chăm sóc 2 con trai, lớn 9 tuổi, nhỏ 6 tuổi. Vừa qua, anh đi công tác về bất ngờ thấy con trai lớn đang xem phim “người lớn” trên điện thoại, anh T. điếng người. Hỏi ra anh T. mới biết con đã dậy thì từ năm 8 tuổi, đã có lông nách, lông ở bộ phận sinh dục kèm mùi cơ thể.
Anh T. bộc bạch: “Tôi không ngờ con lại dậy thì sớm như vậy. Hôm đưa con đi khám bác sĩ tâm lý, cháu nói do không có cha ở bên cạnh thường xuyên, mẹ cũng đi làm ít quan tâm nên cháu thường lên mạng để tìm hiểu những điều thấy tò mò chứ không dám hỏi ai. Sau một hồi tìm kiếm trên mạng hiện ra những clip phim người lớn, cháu tò mò nhấn vào xem. Vợ chồng tôi đang phải tính toán lại việc tôi không đi làm xa nữa, về làm gần nhà để chăm lo cho các con, sợ các con thiếu vắng cha mẹ dễ hư hỏng”.
Phòng ngừa trẻ dậy thì sớm
Các chuyên gia lưu ý, những trẻ dậy thì sớm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về cả tâm lý lẫn sức khỏe thể chất. Trẻ dậy thì sớm tăng vọt chiều cao sớm và cũng ngừng phát triển sớm hơn. Do đó, có những trẻ trước kia cao nhất lớp nhưng sau này lại thấp hơn các bạn dậy thì muộn hơn do đầu xương đóng khép sớm.
Đặc biệt, ở trẻ gái, ngoài thay đổi về ngoại hình còn có thay đổi về yếu tố nội tiết khiến tâm lý của trẻ cũng có những thay đổi. Trẻ thường lo lắng, bối rối, ngại ngùng, tự ti với các bạn về sự khác biệt của mình. Tình trạng này về lâu dài có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của trẻ đến cả khi trưởng thành.
Một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại, đó là khi dậy thì sớm, bé đồng thời sẽ có thể xuất hiện ham muốn tình dục khi độ tuổi còn quá nhỏ. Nếu như cha mẹ không quan tâm, lắng nghe, giúp con giải tỏa mọi khúc mắc, giáo dục giới tính cho con thì rất có thể xảy ra tình trạng quan hệ tình dục khi tuổi còn quá nhỏ. Điều này gây ra những nguy cơ như: mang thai sớm, lây nhiễm bệnh tình dục hoặc nhiều vấn đề khác có thể để lại những hậu quả rất lớn.
Theo bác sĩ Quỳnh Trang, dậy thì sớm ở trẻ gái đa phần không có nguyên nhân, một số ít là do nang buồng trứng, u buồng trứng, u tuyến yên hoặc những bệnh lý khác. Ở bé trai, khoảng 50% có nguyên nhân cụ thể như: tăng sản thượng thận bẩm sinh, u tinh hoàn, u tuyến thượng thận.
Để điều trị dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc vào mông trẻ. Thuốc này có tác dụng tạo ra tín hiệu sinh học trên tuyến yên dẫn đến ngắt tín hiệu từ não đến buồng trứng hoặc tinh hoàn, làm dừng quá trình sản xuất hoocmon sinh dục, làm chậm hoặc dừng bệnh dậy thì sớm. Cứ 28 ngày, trẻ sẽ được tiêm thuốc một lần, tổng thời gian điều trị trung bình là 3 năm hoặc đến khi tuổi xương của trẻ là 12 tuổi hoặc tuổi thật là 10, 11 tuổi.
Với những trẻ có dấu hiệu dậy thì nhưng chiều cao không ảnh hưởng thì sẽ được theo dõi, tái khám 3 tháng, 6 tháng/lần.
Các bác sĩ cho biết, hiện chưa có nghiên cứu và bằng chứng chính xác chỉ ra rằng chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ, phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Cụ thể, nên giảm các sản phẩm từ sữa trong chế độ ăn của trẻ, không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt, thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn không rõ nguồn gốc, có nhiều chất bảo quản; tăng cường thực phẩm tự nhiên như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, những thức ăn có nhiều chất xơ… ; tránh sử dụng nhựa polycarbonate cứng, không sử dụng chai nước bằng nhựa, không cho vào lò vi sóng thức ăn đựng trong hộp nhựa…
“Cha mẹ nên tránh cho con ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt hun khói, khoai tây chiên, gà rán, bơ, phô mai, bánh kẹo, nước ngọt, kem... Hạn chế ăn nội tạng động vật, những thực phẩm có chứa quá nhiều chất bổ dưỡng” - bác sĩ Trang khuyến cáo.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục nhiều hơn để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng và hạn chế tốc độ dậy thì. Việc giáo dục giới tính cho con rất quan trọng. Cha mẹ nên gần gũi, chia sẻ cùng con để hiểu được tâm lý của con và biết được những thay đổi đang diễn ra trên cơ thể trẻ, từ đó hướng dẫn trẻ làm quen với những thay đổi này cũng như bảo vệ cơ thể mình một cách tốt nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin