Để khắc phục những khó khăn của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Đồng Nai đưa ra các giải pháp phù hợp dể công tác tuyên truyền, PBGDPL ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.
Nhiều sở, ngành, cơ quan trong tỉnh lập các fanpage để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh chụp màn hình |
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên:
Tổ chức nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền
Tỉnh đoàn sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành nhằm tổ chức nhiều hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả. Theo đó, xây dựng, thiết kế các ấn phẩm truyền thông, đa dạng hóa hình thức như: bộ truyện tranh tuyên truyền, biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới, ngắn gọn, ấn tượng để đoàn viên, thanh niên dễ hiểu, quan tâm, nghiên cứu. Tiếp tục triển khai hình thức “sân khấu hóa” bằng phiên tòa giả định trong tuyên truyền, PBGDPL. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), CNTT hỗ trợ đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật trong thực hiện công tác PBGDPL. Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL trên các nền tảng mạng xã hội (MXH), bắt kịp xu hướng, thị hiếu của giới trẻ...
Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương:
Bảo đảm thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”
Sở Tư pháp sẽ thường xuyên xây dựng các sản phẩm PBGDPL bằng công nghệ số (video clip ngắn, bài giảng điện tử, infographic, pano, áp phích điện tử…) nhằm thu hút đông đảo người dân tiếp cận, theo dõi kịp thời truyền tải các thông tin pháp luật mới, các thông tin pháp luật liên quan đến đời sống xã hội đến với người dân. Xây dựng hệ thống các phần mềm ứng dụng, nền tảng số, kể cả việc sử dụng các MXH có sẵn để tương tác, kết nối, chia sẻ thông tin pháp luật theo nhu cầu của người dân, bảo đảm thông tin “đúng, đủ, sạch, sống” và thân thiện, dễ khai thác, dễ tìm hiểu, vận dụng.
Sở Tư pháp sẽ bố trí nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL chất lượng, hiệu quả bên cạnh việc hỗ trợ, tạo thói quen cho người dân khai thác, tìm hiểu thông tin pháp luật trên cơ sở sử dụng công nghệ số. Tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo khung pháp lý trong hoạt động triển khai chính quyền số trong công tác PBGDPL đạt hiệu quả.
Trưởng Công an huyện Xuân Lộc, thượng tá Trịnh Anh Dũng:
Phát triển các nhóm Zalo Kết nối bình yên từ cấp huyện đến xã
Trên địa bàn huyện Xuân Lộc hiện đã lập 92 nhóm Zalo Kết nối bình yên tương ứng với 92 khu phố, ấp. Các trang, nhóm này đều được các cảnh sát khu vực quản lý với số lượng hơn 9,9 ngàn người tham gia. Thời gian vừa qua, các nhóm zalo này đã đăng tải 2.574 tin tuyên truyền, qua đó đã tiếp nhận 17 tin tố giác, tin báo về tội phạm, trong đó 8 tin có giá trị về an ninh trật tự.
Thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả. Trong đó, chú trọng đến nền tảng MXH bằng việc duy trì và phát triển các nhóm Zalo từ cấp huyện đến cấp xã. Các thông tin liên quan đều được đồng bộ chia sẻ qua lại với nhau trên các nhóm nhằm tuyên truyền, PBGDPL đến gần với người dân.
Trưởng phòng Tư pháp thành phố Biên Hòa Lê Văn Trung:
Nâng cao chất lượng của trang thông tin điện tử thành phố
Phòng Tư pháp sẽ tham mưu cho lãnh đạo thành phố Biên Hòa chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án tuyên truyền, PBGDPL để chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng phát huy các hình thức, phương pháp tuyên truyền mới; chú trọng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số bằng các hoạt động cụ thể (nâng cao chất lượng của trang thông tin điện tử thành phố; tận dụng nền tảng MXH...) để xây dựng các nhóm cộng đồng với mục tiêu chia sẻ nhanh, chính xác thông tin tuyên truyền, PBGDPL; tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL.
Theo các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL để nâng cao chất lượng tuyên truyền trực tuyến, đáp ứng yêu cầu từ thực tế.
An Nhơn - Danh Trường (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin