Chị Hoàng Oanh đến thăm khám bởi tình trạng gia tăng căng thẳng, buồn chán, mất hứng thú, né tránh các hoạt động xã hội, cảm thấy cô độc và bị bỏ rơi, ăn không ngon, khó ngủ. Chị chia sẻ đã đến khám ở một phòng khám tư và được bác sĩ tâm thần chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và đã kê toa thuốc nhưng chị không dám uống vì các biểu hiện mới chỉ có gần 1 tuần nay.
Theo chị Oanh, cách đây 1 tuần, chị vô tình lướt mạng xã hội và thấy hình đám cưới của người yêu cũ nên bị shock và bắt đầu gia tăng các trạng thái ở trên. Chị cho biết, khi còn nhỏ chị phải sống với bà nội ở quê, cha mẹ đi làm ăn xa, mỗi khi về nhà thì lại hay đánh, cãi nhau. Ngay từ nhỏ, chị đã có cảm giác cô độc, khép kín, khó bộc lộ cảm xúc của bản thân.
Sau thảo luận với nhà tâm lý, chị Oanh cho rằng có lẽ chị “chưa trưởng thành về cảm xúc” nên vẫn bám víu vào những giai đoạn ấu thơ. Hơn thế, chị không thể “cá biệt hóa bản thân” tốt, hay đúng hơn là chưa thể sống độc lập về cảm xúc.
Các trạng thái “chưa trưởng thành về cảm xúc” hay không có sự “cá biệt hóa bản thân tốt” thường có ở những người có trải nghiệm ấu thơ sang chấn hoặc bị bỏ rơi. Chính vì thế, họ thường không thể “trưởng thành” và thường sống phụ thuộc vào cảm xúc của người khác. Điều này thường làm họ có những khó khăn trong xây dựng mối quan hệ lành mạnh, đặc biệt với người yêu, vợ hoặc chồng, con. Chính điều này có thể tạo ra những suy nghĩ tiêu cực cho cuộc sống cá nhân của họ, cần được can thiệp và điều trị tâm lý kịp thời.
Tiến sĩ Lê Minh Công
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin