Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh xảy ra lạm thu từ Ban đại diện cha mẹ học sinh

Kim Liễu
09:11, 26/10/2024

 

Bài viết Chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) được trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai mới đây đã thu hút nhiều lượt tương tác từ bạn đọc.

 

Học sinh Trường trung học cơ sở Tam Phước 3 (thành phố Biên Hòa) trong giờ vui chơi. Ảnh minh họa: CÔNG Nghĩa
Học sinh Trường trung học cơ sở Tam Phước 3 (thành phố Biên Hòa) trong giờ vui chơi. Ảnh minh họa: Công Nghĩa

 

Nhiều bạn đọc nhất trí với nội dung bài báo phản ánh và đề nghị chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện CMHS. Cụ thể cần có biện pháp để không xảy ra tình trạng lạm thu từ Ban đại diện CMHS.

Các khoản thu có thực sự “tự nguyện”?

Từ đầu tháng 10-2024, nhiều trường học bắt đầu tổ chức họp phụ huynh đầu năm, đây cũng là thời điểm các lớp bầu ra Ban đại diện CMHS và tiến hành công việc thường lệ là thu các khoản phí đầu năm. Ngoài những khoản thu theo quy định, như: học phí, bảo hiểm y tế…, còn có một số khoản thu do Ban đại diện CMHS đề xuất.

Chị M., một phụ huynh có con đang học tại huyện Nhơn Trạch chia sẻ, họp phụ huynh không thấy Ban đại diện CMHS bàn gì đến việc học tập của các con mà chỉ vận động, kêu gọi đóng quỹ trường, quỹ lớp, tiền lắp wifi, mua tivi… Liệu Ban đại diện CMHS đã làm hết trách nhiệm của mình?

Bà D. (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) bộc bạch, hầu hết các phụ huynh đều đồng thuận khi đóng những khoản tiền theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế, phí dọn nhà vệ sinh, nước uống... Riêng những khoản thu có tên gọi là “tự nguyện” hay dưới danh nghĩa “xã hội hóa” do Ban đại diện CMHS đứng ra thu khiến bà không khỏi băn khoăn vì mức đóng không nhỏ, không phải ai cũng có điều kiện để đóng góp.

Để không xảy ra tình trạng lạm thu trong nhà trường, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần quán triệt với hiệu trưởng các trường trực thuộc phải thực hiện đúng các khoản thu; đặc biệt cần lưu ý định hướng và giám sát hoạt động của Ban đại diện CMHS khi triển khai và sử dụng các khoản thu tự nguyện từ phụ huynh như: quỹ trường, quỹ lớp tránh việc lạm thu, hoặc áp đặt phụ huynh phải đóng góp.

“Bài viết Chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện CMHS đã phản ánh đúng thực tế các khoản thu đầu năm ở một số trường trong tỉnh. Cho thấy tình trạng lạm thu sẽ còn tiếp diễn khi Ban giám hiệu và Ban đại diện CMHS cố tình “ngó lơ” trách nhiệm. Nhà trường trả lời chỉ thông báo với Ban đại diện CMHS về những hoạt động giáo dục liên quan đến học sinh trong năm học, còn chuyện thu như thế nào thì phụ huynh tự quyết với nhau” - bà D. nói

Không chỉ ngán ngẩm với các khoản thu mà nhiều phụ huynh còn không hài lòng với cách thu, ông H. (ngụ huyện Thống Nhất) chia sẻ, dù Ban đại diện CMHS nói các khoản quỹ do họ đề xuất là tự nguyện nhưng các phụ huynh khác rất khó từ chối bởi sau cuộc họp phụ huynh sẽ có rất nhiều tin nhắn trong nhóm ban đại diện hối thúc đóng tiền. Danh sách tên học sinh đã đóng tiền được cập nhật, tên các em chưa đóng cũng được thể hiện rõ trong danh sách… “Cách làm không mấy tế nhị này đôi khi gây phản cảm. Vì đối với những gia đình khó khăn về kinh tế, có nhiều con đi học thì những khoản đóng góp trên thực sự là gánh nặng” - ông H. nói.

Chấn chỉnh để hoạt động đúng mục đích

Bình luận dưới bài viết Chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện CMHS trên Facebook Báo Đồng Nai, ngoài ý kiến đề xuất nên bỏ Ban đại diện CMHS, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì hoạt động của Ban đại diện CMHS tại các lớp học là cần thiết. Vì ngoài chương trình học chính khóa, học sinh rất cần tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí trong và ngoài nhà trường. Các hoạt động này cần sự hỗ trợ từ Ban đại diện CMHS. “Để hoạt động thì cần có kinh phí, nên các phụ huynh phải góp vào để phục vụ cho chính con em của mình” - bà M. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

Theo bà M., để tạo sự đồng thuận cao từ các phụ huynh, Ban đại diện CMHS cần công khai, minh bạch trong các khoản thu, chi từ nguồn đóng góp. Việc sử dụng quỹ lớp phải đúng mục đích, trước khi kêu gọi đóng góp hoặc chi các khoản đóng góp cần thông qua ý kiến của các phụ huynh nếu tất cả đều nhất trí thì mới tiến hành.

Nguyên là giáo viên Trường trung học cơ sở Hùng Vương (huyện Thống Nhất), bà L.K.L. cho biết, với kinh nghiệm hơn 10 năm làm chủ nhiệm lớp, bà thấy vai trò của Ban đại diện CMHS rất quan trọng. Đây chính là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh...

 “Vấn đề ở đây là làm sao để Ban đại diện CMHS phát huy tốt vai trò, làm đúng chức năng của mình để những khoản thu đầu năm học không còn là nỗi lo lắng cho phụ huynh, học sinh và gây bức xúc trong dư luận xã hội” - bà L. bộc bạch.

Thực tế, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, cơ sở vật chất của nhiều trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh, rất cần sự chung tay góp sức của phụ huynh trong việc chăm lo giáo dục học sinh. Sự đồng hành của phụ huynh, trong đó có Ban đại diện CMHS là rất cần thiết, thế nhưng việc đóng góp này được thực hiện như thế nào cho phù hợp với các quy định hiện hành, tạo được sự đồng thuận là việc nhà trường và Ban đại diện CMHS cần nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đúng.

Nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với phát biểu của Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành Nguyễn Văn Toàn khi lưu ý các trường học trên địa bàn huyện về các khoản thu tự nguyện (được nêu trong bài báo Chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện CMHS): “Đây là những khoản thu dễ phát sinh bức xúc, thậm chí đơn thư tố cáo hay phản ảnh lên mạng xã hội. Vì thế, nếu trường nào để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:

Sẽ kiểm tra công tác thu, chi trong trường học

Trong văn bản Hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong nhà trường và các chính sách hỗ trợ đối với người học năm học 2024-2025 do Sở Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 27-8-2024 nêu rõ, việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện CMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể CMHS lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện CMHS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các CMHS …

Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện CMHS để thu các khoản ngoài quy định.

Ban đại diện CMHS không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện CMHS chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại điện CMHS...

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, sở đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn, trong đó có một văn bản hướng dẫn thực hiện Điều lệ Ban đại diện CMHS trong trường học. Với những trường để xảy ra dư luận phản ảnh, sở sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra ngay để chấn chỉnh, thậm chí xử lý trách nhiệm hiệu trưởng nếu có.

Gia An (ghi)

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều