Những ngày này, ở quê tôi, mưa tầm tã, những cơn mưa ràn rạt trên mái nhà. Gió thổi vi vu, quật ngã những cây nho nhỏ trong vườn, nhà nào có mía thì những hàng mía sẽ đổ rạp xuống nếu không được buộc chặt, dựa vào tường hoặc bờ rào trước đó. Lũ gà con lạc mẹ chạy rối rít trên sân nền xi măng. Bà con sợ lúa đổ cũng chạy ra trước cổng nhà, nhìn cánh đồng mênh mông trước mặt, cầu mong ông trời không giận dữ, để bà con có lúa thu hoạch.
Tôi nhớ như in khoảng thời gian bão lũ hàng năm, chính là lúc lũ trẻ loi nhoi chúng tôi bắt đầu vào năm học mới được vài tuần. Ở khúc ruột miền Trung, quanh năm bão lũ là “đặc sản” nên lũ nhóc trong làng cũng quen với điều đó, thầy cô quen với việc đón lũ hàng năm nên chủ trương của nhà trường lúc nào cũng cho học sinh đi học trước 2-3 tuần để khi lũ tới, trường ngập trong biển nước thì học sinh có thể được ở nhà, chờ cơn bão tan rồi lại tiếp tục đến trường.
Hồi đó, đường quê bao giờ cũng ướt, mùa mưa sình lầy bắn lên đến cổ. Mấy đứa đi học cứ bấu víu vào nhau, để tránh những cơn gió lùa phần phật vào tấm áo mưa mỏng. Mẹ tất tả lo cho buổi mai của mấy anh em, dặn mấy đứa đi đường phải bấm chân xuống, để không bị trơn trượt, ướt hết quần áo, ngày hôm sau không có đồ mặc đi học…
Những bài học ê a từ buổi ban đầu đến trường, cho đến sau này khi nhà có điều kiện hơn, chúng tôi được đi xe đạp, nhưng những đoạn đường lầy mùa bão thì vẫn còn. Mãi đến khi chủ trương điện, đường, trường, trạm được đưa về tận thôn, những con đường đến trường bắt đầu được sửa sang và chúng tôi không còn phải bấm chân mỗi khi bước ra khỏi nhà để đến trường. Thay vào đó là những chiếc xe đạp bon bon, hít hà mùi lúa thoang thoảng trong những ngày đầu vào học. Những buổi trên ghế nhà trường cô trò không còn có cảnh nép vào gọn một bàn, để né những hạt mưa dột xuống lớp. Những mảng tròn, đen đen trên ghế do nước mưa ngày bão rớt lên bây giờ được thay bằng những chiếc ghế phẳng lì, thơm mùi vẹc ni.
Bao đứa trẻ lớn lên từ làng, mỗi mùa mưa bão như thế này lại nhớ quê da diết...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin