Cùng với nghệ thuật cải lương, vài năm trở lại đây Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đẩy mạnh xây dựng kịch bản văn học, phát triển và đưa sân khấu kịch đến gần hơn với khán giả Đồng Nai.
Cảnh trong kịch ngắn Ăn cắp vặt do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng, biểu diễn trong năm 2024. Ảnh: L.Na |
Không chỉ tổ chức nhiều buổi công diễn, Hội VHNT Đồng Nai còn phối hợp với các đơn vị liên quan ghi hình, phát sóng các kịch ngắn - những sáng tác mới của hội viên, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Bám sát hơi thở cuộc sống
Một trong những kịch bản vừa được Hội VHNT Đồng Nai dàn dựng, phát sóng trên Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai là kịch ngắn Ăn cắp vặt - tác giả Hoàng Thị Quỳnh Trang. Ăn cắp vặt kể câu chuyện xoay quanh nhân vật Phởn (bán vé số) - Phơ (bán cà rem) - Hải (bán bánh giò). Sau bao năm kiếm sống trên thành phố, Phởn, Phơ vẫn rất nghèo, lại có tính ăn cắp vặt.
Tình cờ, Phởn, Phơ gặp lại Hải - người bạn năm xưa bán bánh giò giờ đây đã là ông chủ, có nhà lầu, xe hơi. Đến chơi nhà bạn, Phởn, Phơ nghe được cuộc điện thoại của Hải, hiểu nhầm Hải đang buôn ma túy, Phởn, Phơ đã chuyển hướng hành động, trộm “bịch ma túy”, đem báo công an. Trên đường chạy, họ gặp dân phòng, mọi chuyện mới vỡ lẽ. Phởn, Phơ nhận bài học thích đáng cho thói thọc mạch, ăn cắp vặt.
Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân kỳ vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm phát triển sân khấu của tỉnh nhà, các bộ môn: kịch nói, cải lương, đờn ca tài tử sẽ được giảng dạy, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật. |
Trước đó, Hội VHNT Đồng Nai đã dàn dựng, ghi hình và phát sóng kịch ngắn Trên núi (tác giả Hoàng Tiến Điểm). Đây là tác phẩm dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch thường trực VHNT Đồng Nai.
Kịch ngắn Trên núi kể về cuộc sống của những người lao động nghèo, trước những nghịch cảnh của cuộc sống vẫn chịu thương, chịu khó vươn lên. Bên cạnh ca ngợi tình yêu lao động, vẻ đẹp thiên nhiên, kịch Trên núi còn nhấn mạnh đến vai trò của người phụ nữ trong xã hội hôm nay. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” từ thời phong kiến cho đến bây giờ vẫn còn còn tồn tại, gây ra những hệ lụy…
Trong năm 2024, Hội VHNT Đồng Nai còn dàn dựng và công diễn, phục vụ các tầng lớp nhân dân vở kịch Đêm trắng và trích đoạn Miền Nam trong trái tim tôi (Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà đạo diễn). Bằng những câu chuyện có thật, những sự kiện lịch sử gắn liền cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua lăng kính nghệ thuật, các nghệ sĩ đã thổi hồn thời đại, làm bật lên câu chuyện phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng.
Tham gia diễn xuất nhiều vai trong các kịch ngắn do Hội VHNT Đồng Nai thực hiện, nghệ sĩ Hồng Gấm cho biết, các câu chuyện trong kịch nói xoay quanh cuộc sống của con người trong xã hội đương đại. Với những câu chuyện rất gần gũi và không hề giáo điều, nhiều vở kịch diễn biến có lúc căng thẳng, cao trào, có lúc lại khiến khán giả bật cười.
“Các kịch ngắn Hồng Gấm tham gia có lời thoại ngắn gọn, dễ hiểu. Thông qua nhân vật và câu chuyện liên quan nhằm truyền tải đến mọi người những thông điệp về lối sống đẹp, để từ đó lan tỏa trong cộng đồng” - nghệ sĩ Hồng Gấm chia sẻ.
Động lực phát triển nghề
Là một trong những nghệ sĩ có nhiều kịch bản được dàn dựng, phát sóng phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh, tác giả Hoàng Thị Quỳnh Trang (Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai) cho hay, chị rất vui khi những “đứa con tinh thần” trên giấy đi vào thực tế, sống động qua từng vai diễn.
Tác giả Quỳnh Trang bộc bạch: “Sau khi phát sóng, công diễn, các kịch ngắn của tôi được khán giả rất quan tâm. Điều này cho thấy sân khấu kịch nói vẫn rất hấp dẫn. Nhờ vậy đã truyền lửa và tiếp sức mạnh để tôi và những người làm nghề tiếp tục sáng tạo, cống hiến hết mình với sân khấu”.
Cảnh trong kịch ngắn Ăn cắp vặt do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng, biểu diễn trong năm 2024. Ảnh: L.Na |
Theo Phó trưởng ban Sân khấu - điện ảnh, Hội VHNT Đồng Nai Hoàng Tiến Điểm, những năm gần đây Hội đã dàn dựng rất nhiều chương trình nghệ thuật, trong đó có sân khấu. Với tiêu chí từng bước gầy dựng sân khấu kịch, phát triển kịch nói Đồng Nai, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả trong và ngoài tỉnh.
“Từ đầu năm đến nay, Hội đã phát động sáng tác kịch bản sân khấu theo chủ đề của năm để tham gia các liên hoan, hội thi; đồng thời tổ chức đợt công diễn 4 chương trình sân khấu kịch nói chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng với kịch ngắn, Hội đã dàn dựng những kịch bản của hội viên, phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin, góp phần quảng bá và lan tỏa tác phẩm nghệ thuật của tỉnh nhà” - ông Điểm nói.
Tuy nhiên, để có được những kịch bản hay, vở diễn chất lượng, đòi hỏi ngày càng cao của người xem, Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, Hội đã và đang tạo điều kiện để hội viên Ban Sân khấu - điện ảnh tham gia các lớp bồi dưỡng, đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh… Qua đó, phát huy sáng tạo, xây dựng những tác phẩm ý nghĩa, giá trị, phản ánh yếu tố mới trong hiện thực cuộc sống hôm nay, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin