Phường Hố Nai là cửa ngõ của thành phố Biên Hòa, có quốc lộ 1 và đường Nguyễn Ái Quốc đi qua, gần các khu công nghiệp của tỉnh nên rất phát triển về thương mại - dịch vụ. Nhiều thập niên trước, vùng đất này tiếp nhận rất đông người miền Bắc di cư vào mang theo những nghề truyền thống.
Một cơ sở sản xuất bánh chưng lâu năm ở phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Người dân Hố Nai hiếu khách, cần cù nhưng cũng rất sáng tạo trong làm ăn kinh tế, ngoài các nghề chăn nuôi, trồng trọt, Hố Nai nổi tiếng với làng Kim Bích về nghề gò thùng thiếc, nghề mộc. Địa phương này còn nổi tiếng với những làng nghề chuyên sản xuất các món ăn truyền thống mang đậm chất Bắc như: làm bánh chưng, làm miến, bánh gai, chả lụa, chả giò, bánh ướt…
Những làng nghề ẩm thực ở Hố Nai được tiếp nối qua nhiều thế hệ trong gia đình, góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo cho thành phố công nghiệp Biên Hòa.
Chủ những cơ sở làm bánh chưng ở Hố Nai chủ yếu là người quê ở tỉnh Hải Dương. Họ vào Nam mang theo tay nghề làm bánh chưng truyền thống của đất Bắc. Sự khác biệt khá lớn của làng nghề làm bánh chưng phong vị miền Bắc này là không chỉ đỏ lửa rộn ràng vào mùa Tết mà đỏ lửa quanh năm. Họ tập trung sản xuất những loại bánh kích cỡ lớn, mẫu mã đẹp thường được trân trọng chọn dâng lên mâm cỗ Tết cúng gia tiên. Ngày thường, các cơ sở này chủ yếu làm dòng bánh chưng nhỏ, tiện lợi, phù hợp với túi tiền công nhân và người lao động.
Qua sự sàng lọc của thời gian, những làng nghề truyền thống ở Hố Nai có không ít cơ sở phát triển từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình lên quy mô doanh nghiệp. |
Hố Nai còn nổi tiếng với nghề làm miến, bún, mì khô... Trong đó, sản phẩm chủ đạo vẫn là miến Bắc làm từ củ dong. Nghề này đã tồn tại ở Hố Nai hơn nửa thế kỷ, được ông bà truyền cho con cái rồi đến thế hệ cháu, chắt. Tuy trải qua nhiều thế hệ, một số cơ sở đầu tư máy móc vào sản xuất nhưng nhiều khâu chế biến vẫn phải làm thủ công tỉ mỉ. Tay nghề của người làm chủ yếu thể hiện ở khâu pha bột vì mang tính quyết định chất lượng của sản phẩm. Sự lành nghề trong từng khâu tráng bánh, ủ bánh, cắt bánh thành sợi đến phơi dưới trời nắng… đều góp phần tạo nên chất lượng của sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề
Các làng nghề ẩm thực truyền thống của Hố Nai đã có hơn nửa thế kỷ, nhiều khâu vẫn giữ cách làm thủ công nhưng cũng rất năng động, mang đậm hơi thở của thành phố công nghiệp. Họ không chỉ chăm chút để giỏi tay nghề mà rất năng động trong đầu tư bao bì, mẫu mã, chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Chính vì vậy, sản phẩm của các làng nghề truyền thống đáp ứng yêu cầu cao của những kênh tiêu thụ hiện đại như: cửa hàng thực phẩm tiện lợi, hệ thống siêu thị, trên các trang thương mại điện tử. Nhiều cơ sở còn xuất khẩu các sản phẩm làng nghề đi nhiều nước trên thế giới.
Nhiều sản phẩm ẩm thực của làng nghề truyền thống ở phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa tham gia kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. |
Ông Nguyễn Đình Lân, chủ cơ sở gói bánh chưng lâu năm ở Hố Nai chia sẻ, bánh chưng ở làng nghề nổi tiếng gần xa vì dù làm bánh cỡ nhỏ để ăn thường ngày hay mua làm quà biếu, sử dụng trong mâm cỗ ngày Tết thì món bánh này vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống. Người làm vẫn tỉ mỉ chọn nếp Bắc ngon, gói bằng lá dong, buộc bằng sợi lạt chẻ từ tre, nứa. Khách hàng đặt mua bánh chưng cũng rất đa dạng, loại bánh nhỏ thường bán ở chợ phục vụ người tiêu dùng, công nhân lao động. Vào dịp cuối năm, làng nghề hoạt động sôi nổi nhất vì ngoài khách mua lẻ, cơ sở có thêm nguồn khách hàng là các cơ sở nấu tiệc hoặc các doanh nghiệp đặt bánh làm quà cho người lao động…
Lê Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin