Từ ngày 16-10-2024, công nghệ di động 2G đã chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam. Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn như: Viettel, VNPT, Mobifone đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp truyền thông, hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thuê bao 2G sang 3G/4G…
Lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông và huyện Trảng Bom tham quan khu vực trải nghiệm dịch vụ viễn thông của Viettel trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Phan Trí |
Đối với các thuê bao 2G chưa chuyển đổi, các đơn vị viễn thông đang thực hiện đồng bộ các phương án để thông báo, kịp thời hỗ trợ chuyển đổi, đảm bảo giữ liên lạc thông suốt.
Tích cực chuyển đổi thuê bao 2G
Theo Viễn thông Đồng Nai (VNPT Đồng Nai), số lượng thuê bao 2G thực hiện chuyển đổi thiết bị tại địa bàn Đồng Nai đạt hơn 26,1 ngàn thuê bao. Tính đến giữa tháng 10, đơn vị đã chuyển đổi được hơn 23,6 ngàn thuê bao, với số lượng thuê bao chưa chuyển đổi, đơn vị sẽ thực hiện đồng bộ các phương án như: gọi điện, nhắn tin chủ động từ hệ thống tổng đài đến khách hàng chưa chuyển đổi trên địa bàn. Đồng thời, kết hợp nhân viên kinh doanh và nhân viên kỹ thuật toàn địa bàn tổng lực thực hiện gọi điện, mời khách hàng chuyển đổi thiết bị, đến tận nhà khách hàng tư vấn…
Phó giám đốc VNPT Đồng Nai kiêm Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Đồng Nai Văn Thị Yến Nhi cho biết, VNPT Đồng Nai đã chuẩn bị, bố trí lực lượng cả ở các bộ phận kinh doanh, thu cước và kỹ thuật cùng phối hợp hỗ trợ khách hàng khi tắt sóng 2G trên địa bàn các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường truyền thông, có các điểm hỗ trợ chuyển đổi để đảm bảo dịch vụ đến khách hàng một cách nhanh nhất…
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể triển khai phủ sóng băng rộng di động 4G/5G đến từng ấp, khu phố; bổ sung kịp thời các trạm thu phát sóng công nghệ 4G/5G khi tắt các trạm thu phát sóng công nghệ 2G để đảm bảo vùng phủ sóng…
Theo Viettel Đồng Nai, đơn vị đã triển khai hỗ trợ tặng máy điện thoại 4G cho toàn bộ 29 ngàn thuê bao 2G Only còn lại tại Đồng Nai, tương đương trị giá gần 15 tỷ đồng. Đây là hành động quyết liệt nhất của Viettel từ trước đến nay nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi 2G lên 4G về đích. Người được tặng máy là khách hàng của Viettel đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G (2G Only) nhưng chưa có điều kiện chuyển đổi lên 4G, phần lớn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Các dòng máy hỗ trợ là điện thoại 4G đáp ứng nhu cầu nghe gọi cơ bản hoặc có thêm tính năng Cloud Phone để truy cập ứng dụng OTT. Thiết bị có bàn phím, loa ngoài lớn, tính năng hỗ trợ giọng đọc khi bấm số dành cho khách hàng lớn tuổi.
Kỳ vọng mở rộng mạng lưới 5G
Sau khi chính thức bước sang giai đoạn “hậu” sóng 2G, ngành thông tin và truyền thông đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển công nghệ thuê bao di động, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và mở rộng sóng 4G, sóng 5G.
Người dân trải nghiệm các dịch vụ mạng viễn thông tại gian trưng bày các sản phẩm, ứng dụng số của VNPT. Ảnh: H.Quân |
Vào giữa tháng 10 vừa qua, Viettel đã chính thức khai trương dịch vụ mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam. Mạng 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dịch vụ internet cũng như ứng dụng internet di động tại Việt Nam, đồng thời triển khai những dịch vụ mới trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, dịch vụ mạng 5G Viettel đang mở ra tiềm năng cho những ứng dụng hiện đại, đồng thời mang đến trải nghiệm mượt mà hơn so với 4G, đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực kết nối di động.
Theo Viettel Đồng Nai, để đảm bảo chất lượng dịch vụ, trong thời gian tới, Viettel Đồng Nai tiếp tục bổ sung các trạm phát sóng 4G/5G trên toàn tỉnh. Đặc biệt hơn, chỉ trong thời gian 3 tháng kể từ khi được Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép sử dụng tần số để nhà mạng thương mại hóa 5G, Viettel đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng 5G độc lập - 5G Standalone (SA).
Giám đốc Viettel Đồng Nai Ngô Mạnh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng mỗi bước tiến trong công nghệ không chỉ là một bước tiến trong kinh doanh mà còn là một bước tiến trong việc xây dựng một xã hội thông tin toàn diện và bao trùm hơn. Mạng lưới 4G/5G mạnh mẽ là nền tảng cho sự phát triển không chỉ của cá nhân mà còn của cộng đồng, và chúng tôi cam kết tiếp tục đầu tư vào công nghệ này để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cùng với Viettel, nhà mạng VinaPhone cũng đã cho người dùng trải nghiệm miễn phí dịch vụ 5G tại những khu vực có phủ sóng. Theo đó, VinaPhone 5G không chỉ mang lại tốc độ truy cập nhanh mà còn giảm độ trễ tối đa, cho phép người dùng tận hưởng trải nghiệm xem video, chơi game trực tuyến mượt mà và sử dụng các ứng dụng thông minh với hiệu suất cao nhất. VinaPhone 5G cũng mở ra cơ hội mang đến nhiều ứng dụng tự động hóa, giám sát/điều khiển tự động và quản trị thông minh cho các doanh nghiệp, nhà máy, cảng biển, các ứng dụng y tế, giáo dục từ xa... tại Việt Nam.
Anh Minh Thiện (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho rằng, với việc dịch vụ mạng 5G chính thức được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm thiết bị hỗ trợ 5G. Điều đó cũng sẽ tăng cường sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ, các đơn vị viễn thông.
“Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên sử dụng các dịch vụ viễn thông, việc ra mắt mạng 5G sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị về mạng dữ liệu tốc độ cao. Tuy nhiên, vấn đề mà những người dùng như tôi quan tâm đó là khi sử dụng mạng 5G các nhà mạng cần đảm bảo tốc độ ổn định, mạng lưới phủ sóng mở rộng, giá cước cạnh tranh và giảm thiểu chênh lệch đáng kể khi sử dụng mạng ở các địa điểm khác nhau” - anh Thiện bày tỏ.
Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Võ Hoàng Khai chia sẻ, hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc truyền thông tin, dữ liệu và dịch vụ số, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Do đó, trong thời gian tới, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông bổ sung kịp thời các trạm phát sóng mới thay thế công nghệ 2G, mở rộng vùng phủ sóng 4G/5G; triển khai Chiến lược Hạ tầng số khi Chính phủ ban hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại, phục vụ chuyển đổi số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin