Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối thị trường cho thực phẩm hữu cơ

Bình Nguyên
18:47, 18/10/2024

Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không phải là câu chuyện một sớm, một chiều mà cần thời gian dài, kiên trì, bền bỉ gắn bó mới thấy được hiệu quả. Do đó cần cả cộng đồng từ nhà sản xuất đến kinh doanh cùng chung tay, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm NNHC.

Các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ giao lưu tại một hội nghị do Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai có thị trường tiêu thụ lớn và cũng có điều kiện thiên nhiên thuận lợi đế phát triển NNHC. Phát triển NNHC cũng là một trong những nhiệm vụ đột phá tỉnh đặt ra trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp.

Cần làm truyền thông đúng

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, trong đó có thực phẩm hữu cơ (HC). Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng rất cân nhắc khi bỏ ra số tiền cao hơn chọn mua sản phẩm sạch, thực phẩm HC. Thị trường thực phẩm HC hiện nay còn cảnh vàng thau lẫn lộn nên việc truyền thông đến người tiêu dùng là rất cần thiết.

Bà Tường Thy, chủ cửa hàng thực phẩm HC tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cửa hàng của bà đã có 6 năm chuyên kinh doanh thực phẩm HC. Bà có hợp tác, kết nối với nhiều nông dân, trang trại sản xuất HC và cũng tham gia là thành viên của Hiệp hội HC Việt Nam.

Bà Tường Thy chia sẻ: “Sau thời gian dài tham gia hiệp hội, tôi học được rất nhiều kiến thức, nhất là về nông sản HC cũng như cách truyền thông sản phẩm đến người tiêu dùng một cách đúng đắn. Người bán phải bỏ nhiều thời gian học, tìm hiểu đủ kiến thức thì mới truyền thông đúng đến người tiêu dùng của mình một cách chân thành, sâu sắc để họ tin tưởng vào sản phẩm”.

Theo bà Tường Thy, việc truyền thông không đúng gây rất nhiều tổn thương cho người tiêu dùng, nhất là khi họ tin tưởng, ủng hộ sản phẩm rồi phát hiện sản phẩm họ trả giá cao để mua và bị lừa nên mất niềm tin. Bà Tường Thy mong muốn hợp tác với nhiều thành viên của Hiệp hội HC Việt Nam tổ chức thêm các chương trình quảng bá, tuyên truyền về thực phẩm HC cho các bà nội trợ, cho trẻ em... để truyền thông trực tiếp đến người tiêu dùng chứ không chỉ đầu tư cho bao bì, nhãn hiệu hàng hóa. Thời gian tới, bà mong Hiệp hội HC Việt Nam có thêm nhiều chương trình kết nối, giới thiệu về sản phẩm HC. 

Cùng quan điểm, ông Phó Thanh Lộc, đại diện chuỗi siêu thị Farmers Market tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Farmers Market là chuỗi siêu thị thực phẩm hiện đại, kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu và trong nước. Trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản HC sản xuất trong nước. Năm 2017, doanh nghiệp (DN) này mở cửa hàng đầu tiên kinh doanh thực phẩm HC, trước đó DN đã kinh doanh online. Đến nay, DN đã phát triển được chuỗi 7 siêu thị mini kinh doanh nông sản HC và đang có kế hoạch mở rộng hệ thống này. Ngoài ra, DN cũng đẩy mạnh kinh doanh online, tập trung phát triển các gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki và ứng dụng công nghệ hàng đầu hiện nay như Grab, ShopeeFood và Baemin.

Ông Phó Thanh Lộc chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi tự đầu tư nông trại để sản xuất sản phẩm HC nhưng gặp nhiều khó khăn nên tập trung vào kinh doanh. Để người tiêu dùng hiểu và ủng hộ sản phẩm HC lâu dài cần thời gian với nhiều nguồn lực. Chúng tôi rất hiểu là người bán sản phẩm HC đã khó thì việc đầu tư sản xuất còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Chúng tôi tham gia Hiệp hội HC Việt Nam với mong muốn có cơ hội kết nối với những thành viên trong hiệp hội. Hi vọng hiệp hội tổ chức nhiều diễn đàn, kết nối giữa nhà sản xuất và đơn vị kinh doanh. Vì sản phẩm HC có đến được rộng rãi với người tiêu dùng thì mới góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, đến nay, toàn tỉnh có gần 28 hécta cây trồng đã được chứng nhận HC. Diện tích này chưa cao nên tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã phát triển thêm diện tích, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm HC.

Để người tiêu dùng cùng tham gia

Để các mô hình sản xuất HC thật sự phát triển bền vững, từ nông dân đến hợp tác xã, DN làm NNHC không chỉ chú trọng đầu tư vào khâu sản xuất mà còn quan tâm kết nối với người tiêu dùng để sản phẩm được nhận diện đúng.

Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Trịnh Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thuần Trịnh Cafe (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đánh giá, đây là giai đoạn tốt để phát triển nền NNHC. Hơn 10 năm trước, ông Vinh đã chuyển hướng sang trồng cà phê HC. DN của ông còn đầu tư chế biến các sản phẩm từ cà phê. Nổi bật có sản phẩm cà phê mật ong với phương pháp lên men tự nhiên không phải trực tiếp tẩm mật ong vào hạt cà phê, nhưng cà phê mang vị ngọt thanh tự nhiên và thơm ngon, bán với giá cao.

Ông Vinh cho hay: “Để sản phẩm cà phê HC của DN được thị trường biết đến, tôi đã đầu tư rất nhiều cho khâu quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội, đưa sản phẩm tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn. Nông trại của tôi luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người đến tham quan, tìm hiểu cách trồng, thu hoạch và quy trình rang xay cà phê tự nhiên, không pha trộn tại vườn trồng”.

Từ năm 2015, Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm) đã đầu tư 14 hécta làm nông nghiệp bền vững theo hướng xen canh đa loại, không dùng hóa chất trong sản xuất và sinh hoạt nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, có giá trị bền vững cho cả môi trường và con người. Hoạt động kinh doanh của hợp tác xã có 4 trụ cột là sự bền vững, dịch vụ nghỉ dưỡng, chế biến sâu và giáo dục thực nông. Hợp tác xã đã nhận được bằng khen của Hiệp hội Nông nghiệp HC Việt Nam về thành tích giáo dục nông nghiệp sinh thái. Năm 2024, hợp tác xã đạt giấy chứng nhận NNHC cho nhiều loại rau ăn lá, rau ăn trái.

Cà phê hữu cơ.
Cà phê hữu cơ.

Ông Hoàng Công Phước, Giám đốc Dốc Mơ Farm cho biết: “Chúng tôi có 8 năm thực chiến làm nông nghiệp bền vững, đến năm thứ 5 Dốc Mơ Farm mới đạt cột mốc hòa vốn. Việc kinh doanh nông nghiệp sạch không phải là điều dễ dàng mà đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực thực hiện một cách thống nhất, liên tục”.

Theo ông Phước, Dốc Mơ Farm hiện đang cung cấp ra thị trường dưới dạng gói thực phẩm hàng tuần cho các hộ gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh với đa dạng các sản phẩm thịt dê, gia cầm, heo, bò, cá và các loại rau, củ, quả. Ngoài ra, Dốc Mơ Farm tự chế biến được khoảng 20 sản phẩm HC theo mùa nhưng nông trại vẫn liên tục gặp khó khăn trong kinh doanh nông sản sạch. Dốc Mơ Farm phải thuyết phục khách hàng bằng cách cho họ tận mắt xem cách làm, cách nuôi, cách trồng, cách chế biến và thưởng thức tại trang trại để cảm nhận sự khác biệt.

Thời gian tới, Dốc Mơ Farm thay đổi phương pháp làm nông là nông nghiệp xã hội kết hợp NNHC, nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người già. Đối tượng phục vụ là nhóm người cao tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như từ các nước phát triển. Đây là mô hình bền vững, tạo việc làm và thu hút dòng tiền về địa phương, tăng giá trị nông sản đồng thời có tính nhân văn và tạo ra nhiều giá trị trong cuộc sống.

 

Bình Nguyên

Tin xem nhiều