Tính đến cuối tháng 9-2024, Đồng Nai có gần 56 ngàn doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký khoảng 522 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, số đang hoạt động khả năng chỉ hơn 30 ngàn DN, còn lại đã tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Thế nhưng, năm 2023, các DN Đồng Nai vẫn đóng góp hơn 40 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 60% trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Vì thế, DN trong nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cả nước. Bởi Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành có thu ngân sách nhà nước lớn nhất cả nước.
Trong sân chơi toàn cầu, DN Việt có sức cạnh tranh yếu hơn so với DN nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Do đó, tiến trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bị hạn chế, đầu ra cho sản phẩm còn gặp trở ngại nên DN khó lớn mạnh. Nhiều DN cho biết, quá trình phát triển đang gặp 4 điểm “nghẽn” lớn cần Chính phủ, địa phương sớm tháo gỡ là đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục đầu tư dự án, xuất nhập khẩu hàng hóa; hỗ trợ DN dễ tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư vào công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghệ cao; kết nối DN Việt với DN nước ngoài cung ứng sản phẩm cho nhau, xúc tiến thương mại ở nước ngoài để mở rộng xuất khẩu. Các vấn đề trên được giải quyết tốt sẽ giúp cho nhiều DN đang tạm dừng hoạt động sẽ quay lại thị trường. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy nhiều DN thành lập mới.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố. Đồng Nai với nhiều tiềm năng chưa được khai thác, thời gian tới sẽ là cơ hội cho các DN đang hoạt động trên các lĩnh vực, DN thành lập mới liên kết để có đủ nguồn lực đầu tư vào các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản. Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ là nơi đón được nhiều DN nước ngoài đến đầu tư, việc này mở ra cơ hội cho DN Việt tham gia trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào. Các DN nước ngoài khi đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư đều cho biết, họ rất muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất và đáp ứng được quy định về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Như vậy, khi hàng hóa xuất khẩu vào các nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan. Đây là lợi thế cho DN Việt trong quá trình liên kết, phát triển, xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường để dần lớn mạnh.
Uyên Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin