Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau là mục tiêu xuyên suốt trong công tác trợ giúp người nghèo cùng các trường hợp khó khăn được cả nước thực hiện.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức trao đổi cùng lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh về công tác vận động ủng hộ các tỉnh miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh:V.Truyên |
Tại Đồng Nai, hoạt động này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.
Giảm nghèo từ nguồn lực cộng đồng
Trong công tác giảm nghèo bền vững, ngân sách nhà nước đóng vai trò trụ cột trong triển khai đồng bộ, thường xuyên và liên tục các chính sách giảm nghèo. Tại Đồng Nai, gần 14,4 ngàn hộ nghèo đa chiều và nhiều trường hợp gia đình khó khăn khác được đảm bảo thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo này.
Bên cạnh đó, việc vận dụng sức dân để chăm lo cho người nghèo, người khó khăn được chú trọng thực hiện và được nhân dân hưởng ứng tích cực. Từ năm 2019 đến tháng 8-2024, đã có 3,9 ngàn tỷ đồng được nhân dân chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội. Riêng 9 tháng của năm 2024, các tầng lớp nhân dân đã đóng góp trên 600 tỷ đồng để triển khai hoạt động an sinh xã hội thông qua Quỹ Vì người nghèo hoặc trực tiếp tại cộng đồng.
HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội từ 400 lên 500 ngàn đồng
HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, nội dung chính của nghị quyết là điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội từ 400 ngàn đồng lên 500 ngàn đồng. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng thì chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ của một đối tượng…
Hiện toàn tỉnh có trên 86,7 ngàn người đang hưởng trợ cấp xã hội, chính sách trợ giúp xã hội. Mỗi năm, ngân sách chi cho hoạt động này là trên 700 tỷ đồng.
Từ nguồn lực này đã có 269 gia đình được sống trong căn nhà kiên cố với nguồn kinh phí thực hiện từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh, huyện, thành phố do các cá nhân, tổ chức chung tay đóng góp. Điều này góp phần vào thực hiện mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đột nát.
Đồng thời, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đã có 1,7 ngàn tập thể, cá nhân giúp đỡ cho trên 2 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn với mỗi năm trị giá 7,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tích cực triển khai chương trình khuyến học. Cụ thể, Học bổng Nguyễn Văn Ký dành cho học sinh, sinh viên nghèo, gia đình khó khăn đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì thực hiện duy trì 13 lần. Riêng Học bổng Chắp cánh ước mơ hỗ trợ học sinh, sinh viên là con, cháu, chắt trực hệ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh duy trì 7 lần. Báo Đồng Nai đã duy trì học bổng Vượt khó vì tương lai đến năm thứ 22. Đài Phát thanh và truyền hình Đồng Nai, Hội Khuyến học tỉnh đã duy trì tổ chức Học bổng Tiếp sức học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường 13 lần…
Song song đó, nhiều mô hình giúp vốn không hoàn lại, cho vay vốn lãi suất ưu đãi từ các nguồn lực cộng đồng được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, chính quyền địa phương, đoàn thể cơ sở thực hiện nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn có việc làm để chủ động trong cuộc sống.
Ông Mai Văn Nhỏ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho hay ngoài quỹ hội thì thời gian qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn kết nối các tổ chức trợ giúp vốn cho nạn nhân. Trong đó, ngày 22-7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng Công ty CP đầu tư IZI Group, Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững đã tổ chức Lễ Trao vốn sinh kế cho 33 gia đình nạn nhân chất độc da cam tại các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Định Quán, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh với tổng số vốn 580 triệu đồng.
Nâng chất các hoạt động giảm nghèo bền vững
Trong những tháng còn lại của năm 2024 cũng như năm 2025, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, chính quyền địa phương, đoàn thể tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động nguồn lực, phân phối nguồn lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cùng đại diện Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam và Hiệp hội Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai cùng chính quyền địa phương bàn giao nhà cho người dân huyện Định Quán. Ảnh:V.Truyên |
Một trong những nội dung quan trọng trong thời gian này là thực hiện Phong trào Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà đột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với mục tiêu được đặt ra là đến tháng 4-2025, không còn hộ nghèo, cận nghèo sống trong căn nhà tạm, nhà dột nát.
Theo đó, qua rà soát, Sở Lao động, thương binh và xã hội ghi nhận có 227 trường hợp thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được đề nghị hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong tổng số 227 căn, có 35 căn (8 căn xây mới, 27 căn sửa chữa) là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia; còn lại 192 căn là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh Đồng Nai.
Nhằm giúp các gia đình này sớm có nhà kiên cố, Sở Lao động, thương binh và xã hội đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ có đất ở hợp pháp ổn định nơi ở. Để có nguồn lực thực hiện hoạt động này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục vận động nhân dân ủng hộ vào Quỹ Vì người nghèo tỉnh theo tài khoản: UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai - Ban vận động Quỹ VNN, số tài khoản: 3761.0.9044739.91046 tại kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai hoặc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai - Quỹ Vì người nghèo, số tài khoản: 120.179.7979 tại Ngân hàng VCB Chi nhánh Đồng Nai.
Ngoài gần 14,4 ngàn hộ nghèo đa chiều, Đồng Nai còn 32,6 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng và hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng đang sống nhờ vào trợ cấp thường xuyên của nhà nước, quan tâm của cộng đồng.
Ngoài ra, Đồng Nai có gần 200 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện các huyện, thành phố đang tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chính sách công tác dân tộc, trong đó có thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2030, giai đoạn I: từ năm 2023 đến năm 2025.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, gắn liền với nhiệm vụ này là cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tiếp tục rà soát hộ nghèo, gia đình khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ về nhà ở để kịp thời giúp bà con an cư thông qua nguồn xã hội hóa. Tăng cường tuyên truyền về chính sách giáo dục của nhà nước dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đi đôi với vận động đóng góp giúp đỡ các em đến trường…
Bên cạnh đó, việc tiếp tục nâng cao vai trò nguồn vốn tại chỗ trong giúp dân tự tạo việc làm cũng sẽ được đẩy mạnh. Cụ thể, tùy theo khả năng vận động mà mỗi ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường thành phố cũng xây dựng mô hình Cho vay vốn giúp dân tự tạo việc làm. Ngoài ra, thông qua kết nối của ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường của thành phố, nhiều cơ sở tôn giáo cũng trực tiếp tham gia giúp vốn cho người khó khăn. Hay mỗi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, phường của thành phố cũng gây quỹ và hỗ trợ cho vay vốn từ 2-5 trường hợp với số tiền từ 2-20 triệu đồng, qua đó giúp hội viên cải tạo vườn rau, bán tạp hóa, làm nghề cơ khí…
Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó trưởng ban Ðại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thuộc hội người cao tuổi các xã, phường, thị trấn. Đã có trên 5 tỷ đồng được các câu lạc bộ huy động để thực hiện chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên thông qua cho vay số vốn nhỏ… Qua khảo sát, hội viên sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhờ vậy nên dù tuổi cao vẫn có thể tự tạo nguồn thu nhập tại nhà.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin