Bóng rỗi - địa nàng là loại hình nghệ thuật tổng hợp dân gian được sử dụng trong thực hành tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay những nghệ nhân giữ được nghề không còn nhiều.
Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Thanh Loan (phải) đang làm mâm vàng, bạc chuẩn bị đi thực hành bóng rỗi - địa nàng tại các đình. Ảnh: L.Na |
Tại Đồng Nai, mới đây Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian (NNDG) cho nghệ nhân Đinh Thị Thanh Loan - người có hơn nửa thế kỷ thực hành và truyền dạy bóng rỗi - địa nàng.
5 đời theo nghề bóng rỗi - địa nàng
Nghệ nhân Thanh Loan sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nhiều đời theo nghiệp bóng rỗi - địa nàng. Từ khi còn rất nhỏ, bà thường xuyên đi theo bà ngoại và mẹ trong các dịp cúng lễ kỳ yên ở các miếu Bà hay các đám cầu an, cúng tổ… tại tư gia để xem cho bằng được.
Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào nghề, nghệ nhân Thanh Loan chia sẻ: “Hồi nhỏ, mỗi lần đi theo bà ngoại, bà thấy tôi thích hát nên đã dạy tôi học bóng rỗi - địa nàng. Đến năm 14 tuổi, tôi chính thức ra nghề và theo đuổi nghề cho đến hôm nay. Hiện tại, 3 con gái của tôi và cả cháu ngoại cũng đang theo nghề bóng rỗi - địa nàng của gia đình”.
Theo NNDG Thanh Loan, bóng rỗi - địa nàng chính là môn nghệ thuật diễn xướng dân gian, gắn với nghi thức thờ cúng thần linh nhưng không hề “nhuốm màu” mê tín dị đoan hoặc liên quan đến sức mạnh thần thánh. Mỗi khi đến các miếu Bà để thực hành, các nghệ nhân sẽ làm lễ thỉnh Bà về rất long trọng. Bởi đây là nghi lễ gắn liền với tục thờ Mẫu nên đã thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của cộng đồng, không những thế còn thể hiện được mơ ước của người dân về một cuộc sống an bình, khỏe mạnh, sung túc, mưa thuận gió hòa.
“Bóng rỗi - địa nàng gắn với các lễ hội vía Bà. Do đó, vào tháng 2, 3, 4 là thời điểm mà tôi đi thực hành nhiều nhất. Không chỉ ở Đồng Nai mà tôi đi hát bóng rỗi - địa nàng nhiều nơi, đến nhiều tỉnh, thành khác nhau như: Long An, Tây Ninh, Cần Thơ… Ngoài khoảng thời gian đó, vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng hay các dịp lễ kỳ yên trong năm tôi vẫn tham gia” - bà Loan nói.
Để thực hành thành công một buổi diễn bóng rỗi - địa nàng, NNDG Thanh Loan phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn, quan trọng nhất vẫn là luyện chất giọng khỏe. Sau đó, nghệ nhân phải chuẩn bị đầy đủ các “đồ nghề” như mâm vàng, mâm bạc, trang phục, áo mũ, quạt lông công, trống, phách… để thực hiện các nghi lễ. Đối với các mâm vàng, mâm bạc, nghệ nhân Thanh Loan thường tự tay làm, mang theo mỗi khi đi hát bóng rỗi - địa nàng.
Nghệ nhân ĐINH THỊ THANH LOAN sinh năm 1960, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa. Hơn 50 năm tích cực gìn giữ và truyền nghề múa bóng rỗi - địa nàng, năm 2024 bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Nỗ lực truyền nghề
Tháng 8-2024, nghệ nhân Thanh Loan vinh dự được nhận kỷ niệm chương và danh hiệu NNDG của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vì có thành tích cống hiến xuất sắc trong thực hành, truyền dạy diễn xướng nghệ thuật bóng rỗi - địa nàng - loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Đây vừa là niềm vui, hạnh phúc vừa là vinh dự với người nghệ nhân tâm huyết, dành hơn 50 năm cuộc đời với nghệ thuật.
NNDG Thanh Loan bộc bạch: “Với danh hiệu này, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật dân gian bóng rỗi - địa nàng”.
Trong hành trình hơn 50 năm thực hành bóng rỗi - địa nàng, đã có những thời điểm, những thăng trầm của nghề khiến NNDG Thanh Loan cảm thấy chán nản. Vài thập kỷ trước, bóng rỗi - địa nàng ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành Nam Bộ bị “đánh đồng” với các hủ tục mê tín dị đoan như: đồng bóng, bóng cốt, bóng xá... nên nhiều người có cái nhìn chưa đúng với nghề. Điều đó khiến bà rất buồn, có thời điểm đi diễn ít hơn. Tuy nhiên, hiện nay bóng rỗi - địa nàng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng theo NNDG Thanh Loan, không gian thực hành bóng rỗi - địa nàng là tâm linh ở đình, miếu. Để có thể thành công trong nghề, người thực hành loại hình nghệ thuật này cần có duyên cùng sự tiếp lửa từ gia đình mới có thể bám trụ lâu dài. Bóng rỗi - địa nàng với nghệ nhân Thanh Loan là cái “nghiệp” mà cả cuộc đời bà theo đuổi, trân quý và đam mê.
Ở tuổi 65, bản thân NNDG Thanh Loan đã và đang truyền dạy kinh nghiệm của mình về bộ môn nghệ thuật bóng rỗi - địa nàng cho các con và cháu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bà nói rằng, bà may mắn khi có cả con gái và cháu gái dù còn rất nhỏ nhưng cũng rất thích học bóng rỗi - địa nàng. Bà luôn nhắc nhở con, cháu theo đuổi nghệ thuật truyền thống phải dày công luyện tập và trau dồi các kỹ năng, đồng thời cập nhật các kiến thức để phù hợp với thời điểm hiện tai, không bị tụt hậu, lỗi thời.
Nhắc đến NNDG Thanh Loan, nghệ nhân Phạm Lơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Thanh Loan là NNDG đầu tiên của Đồng Nai được công nhân trên lĩnh vực bóng rỗi - địa nàng. Bà không chỉ đam mê mà còn rất kiên trì và quyết tâm theo nghề, truyền nghề cho nhiều người trẻ trong và ngoài tỉnh”.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin