Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ Mai Văn Nhơn - người khởi xướng dòng tranh gốm ghép, quảng bá văn hóa Đồng Nai

Trần Chiêm Thành
18:30, 20/09/2024

Ngay khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, trong không khí kính trọng và tiếc thương của cả nước, Báo Đồng Nai số ra ngày 27-7 đăng bức tranh ghép gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn. Một bức tranh gốm ghép kịp thời và ý nghĩa.

Họa sĩ Mai Văn Nhơn bên các tác phẩm tranh gốm. Ảnh: N.Hạ
Họa sĩ Mai Văn Nhơn bên các tác phẩm tranh gốm. Ảnh: N.Hạ

Nhưng làm thế nào mà một tranh gốm ghép ra đời nhanh như vậy? Gặp tác giả mới được biết, ông thực hiện bức tranh gốm ghép này từ năm 2017 khi diễn ra Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, tại Đà Nẵng.

Họa sĩ Mai Văn Nhơn cho biết, khi APEC 2017 sắp diễn ra trên đất nước mình, với ý tưởng sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật mang đặc sắc văn hóa Đồng Nai và Việt Nam, ông đã thực hiện một số bức tranh gốm ghép mẫu, trong đó có hình chân dung các nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các bức tranh gốm này được gửi trình hội đồng tuyển chọn làm quà tặng cho các nhà lãnh đạo APEC. Để được chọn, tác phẩm của ông phải vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe. Ông cho biết, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lúc đó đang tại nhiệm, là thành viên Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao tác phẩm gốm ghép và có nhiều ý kiến thuyết minh, bảo vệ, tranh gốm ghép được chọn.

Vậy là trong khuôn khổ hội nghị, thay mặt lãnh đạo nước chủ nhà lúc ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng tranh gốm ghép cho 21 nhà lãnh đạo APEC. Qua truyền hình, người bày tỏ cảm xúc vui vẻ rõ ràng khi nhận quà tặng là nữ Thủ tướng Jasinda Kate Laurell Ardern của New Zealand. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhận bức chân dung gốm ghép đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tác giả ấy đâu?”.

Là cử nhân Toán tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Mai Văn Nhơn từng là Phó giám đốc Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu của Donimex, sau đó trải qua nhiều vị trí như Phụ trách Sở Ngoại vụ, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA). Ông yêu nghệ thuật và khát khao quảng bá văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai...

Mỗi nghề có một bí mật nghề nghiệp, theo họa sĩ Mai Văn Nhơn, tranh ghép bằng các chất liệu như: giấy, gỗ, lá, kim loại… là dòng tranh ra đời từ rất lâu, nhưng tranh gốm ghép và là gốm địa phương như Biên Hòa thì khá mới. Vấn đề ở đây là không phải đi tập hợp (thu gom, lượm, nhặt) các mảnh gốm đã có mà là pha chế men màu để làm ra mảnh gốm mới. Men màu là bí quyết để có những bức tranh chân dung sinh động, có giá trị nghệ thuật. “Truyền nhân” của bí quyết này, họa sĩ Mai Văn Nhơn nói thật lòng là chưa có. Có khi ông làm mẫu tại lò nung ở nhà, sau đó đưa cho các cơ sở sản xuất hàng loạt.

Riêng về tranh gốm ghép, ông tự nhận chưa có tác phẩm nghệ thuật lớn và ông đang ấp ủ điều này. Tranh gốm ghép là một phần trong hoạt động sáng tạo của họa sĩ Mai Văn Nhơn và phòng tranh của ông. Với ý tưởng quảng bá văn hóa địa phương ra cả nước và thế giới, ông đã thực hiện những bức tranh đậm chất địa phương như Văn miếu Trấn Biên. Bằng kỹ thuật hiện đại, ông cho ra đời những bức tranh giá “rất cạnh tranh” (so với tranh thêu X.Q chẳng hạn) để các đoàn xúc tiến thương mại, các cuộc giao lưu quốc tế... làm quà tặng. Có những bức tranh được đặt hàng như bức Hoa sen do UBND tỉnh Đồng Tháp đặt, là hàng ngàn ảnh bông sen ghép lại bằng kỹ thuật vi tính.

Các hoạt động phòng tranh MN ArtHouse của ông ở đường Lê A (phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa) “lấy ngắn nuôi dài” với các loại tranh làm quà tặng, đồng thời có những loại tranh in phục vụ cộng đồng như tranh về Quan Công để tặng cho các đoàn khách quốc tế.

Thành phố Biên Hòa đang có kế hoạch hình thành “con đường di sản” mong rằng tranh gốm ghép nói riêng, sản phẩm gốm nói chung có chỗ đứng xứng đáng.

 

Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều