Báo Đồng Nai điện tử
En

Để việc dạy thêm, học thêm đi đúng hướng

Kim Liễu
13:27, 07/09/2024

 

Giáo viên được dạy thêm học sinh ở ngoài trường, chỉ cần báo hiệu trưởng thay vì phải xin phép như hiện nay là nội dung được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) nêu trong dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm (được đưa ra lấy ý kiến) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.



Cho phép dạy thêm không đồng nghĩa với việc thả nổi, buông xuôi những vấn đề tiêu cực nảy sinh do tình trạng biến tướng của hoạt động này - đó là mong mỏi của nhiều phụ huynh.


Một lớp dạy thêm ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa: K.Liễu
Cho phép dạy thêm không đồng nghĩa với việc thả nổi, buông xuôi những vấn đề tiêu cực nảy sinh do tình trạng biến tướng của hoạt động này - đó là mong mỏi của nhiều phụ huynh. Một lớp dạy thêm ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa: K.Liễu

 

Học thêm trước hết là nhu cầu thực tế của học sinh. Dạy thêm cũng là mong muốn chính đáng của giáo viên, nhằm cải thiện thu nhập bằng kiến thức và kỹ năng sư phạm của mình. Báo Đồng Nai cuối tuần ghi nhận ý kiến của bạn đọc (BĐ) xung quanh hoạt động này.

Hướng mở cho dạy thêm học thêm

Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm được quản lý bằng Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.

Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT thì giáo viên chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm: họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Dự thảo đã bỏ quy định yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Cho phép dạy thêm không đồng nghĩa với việc thả nổi, buông xuôi những vấn đề tiêu cực nảy sinh do tình trạng biến tướng của hoạt động này - đó là mong mỏi của nhiều phụ huynh.

 

Ngoài ra, dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm còn có một số điểm mới như: tổng thời lượng dạy chính khóa và dạy thêm trong trường không quá 35 tiết/tuần với cấp tiểu học, 42 tiết với trung học cơ sở và 48 tiết với trung học phổ thông. Quy định hiện hành không đề cập việc này. Trường học sẽ thu tiền học thêm theo mức mà HĐND cấp tỉnh quy định, thay vì được chủ động mức thu dựa trên thỏa thuận với phụ huynh như hiện nay.

Đáng chú ý là tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, công khai các môn sẽ dạy cùng thời lượng, học phí, thời gian, địa điểm và danh sách giáo viên (hiện nay, việc dạy thêm không cần đăng ký kinh doanh). Quy trình cấp giấy phép dạy thêm, học thêm được quy định rõ ràng… Các nguyên tắc về tổ chức dạy thêm được nêu cụ thể như: không ép buộc học sinh,  thời lượng và địa điểm dạy phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh; không cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm, không dạy trước chương trình...

Cần cụ thể và chặt chẽ hơn

Bày tỏ ý kiến về quy định tại dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, cô Trịnh Thị Tươi, giáo viên Trường TH-THCS Hùng Vương (huyện Thống Nhất), cho rằng những điểm mới trong dự thảo mang tính cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những giáo viên muốn dạy thêm khi học sinh và phụ huynh có yêu cầu. Quy định lập danh sách học sinh và cam kết không ép buộc học sinh học thêm là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Việc này giúp giáo viên có thể duy trì mối quan hệ lành mạnh với học sinh và phụ huynh, tránh những hiểu lầm hoặc nghi ngờ không đáng có.

“Lâu nay việc dạy thêm, học thêm đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Để chấm dứt được các tiêu cực từng xảy ra, cần xây dựng quy trình giám sát việc dạy thêm, học thêm một rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch và hiệu quả. Qua đó, giúp các thầy cô có thể yên tâm giảng dạy, được tạo điều kiện để làm nghề. Khi tham gia các lớp học thêm, học sinh đó không phải chịu áp lực nào từ các giáo viên mở lớp dạy thêm…” - cô Tươi chia sẻ.

Dành nhiều thời gian tìm hiểu về những điểm mới của dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, cô Nguyễn Phương Huyền (giáo viên ở thành phố Biên Hòa) nhận xét, thay vì phải xin phép chờ đợi sự chấp thuận mới có thể tổ chức dạy thêm, thì nay giáo viên chỉ cần báo cáo với hiệu trưởng. Điều này cho thấy sự linh hoạt hơn trong quy định tổ chức dạy thêm, thầy cô được dạy học sinh của mình ngoài nhà trường mà không cần phải thực hiện nhiều thủ tục nhiêu khê như trước.

Theo cô Huyền, học thêm là nhu cầu thực tế của học sinh và cũng là mong muốn chính đáng của giáo viên nhằm cải thiện thu nhập bằng kiến thức và kỹ năng của mình. Việc cấm dạy thêm, học thêm là phủ nhận nhu cầu hiện có và có thể nói là nhu cầu khá cao của xã hội. Vậy nên, dù cấm, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra và phát sinh nhiều hình thức dạy học “chui”, bộc lộ nhiều tiêu cực.

“Để hoạt động này không biến tướng, quy định về dạy thêm cần cụ thể và chặt chẽ hơn. Ngoài các quy định về cơ chế giám sát, cần phân định rõ vai trò của người tham gia. Trong đó, dạy học là việc của thầy cô, còn tổ chức, quản lý hoạt động dạy học là nhiệm vụ, chức trách của ngành giáo dục” -  cô Huyền bộc bạch.

Bà Phan Thị Quỳnh Hoa (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay, bên cạnh các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, yêu học trò, cũng có không ít giáo viên lợi dụng vị thế của mình để buộc học trò tới lớp học thêm. Còn tình trạng giáo viên ra đề kiểm tra, bài tập trong lớp chính khóa có một số nội dung đã học trước, làm trước trong lớp dạy thêm, khiến những em không học thêm gặp rất nhiều khó khăn… Để không xảy ra tình trạng trên, theo bà Hoa quy định cơ chế an toàn để phụ huynh và học sinh phản ánh các dấu hiệu bất thường trong dạy - học thêm; đồng thời xử lý nghiêm các giáo viên vi phạm.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tiến (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho rằng, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT ban hành có quy định rõ: không ép buộc học sinh; thời lượng và địa điểm dạy phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh; không cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm; không dạy trước chương trình..., thế nhưng thực tế tình trạng trên vẫn xảy ra. Trong dự thảo thông tư mới lần này các quy tắc trên vẫn giữ nguyên, tuy nhiên để các quy tắc này không chỉ “ghi cho có” thì Bộ GD-ĐT cần quy định thêm các biện pháp giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm góp phần đảm bảo việc dạy thêm, học thêm đi đúng hướng.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều