Bác sĩ Vũ Hải Sơn là nhiếp ảnh gia có mặt tại chỗ và chụp lại những hình ảnh khó quên về ca ghép tim xuyên Việt thành công tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (University Medical Center - UMC) ngày 25-8. Như một điều kỳ diệu diễn ra ở đời thường, bệnh nhân được ghép tim là anh L.A.H đã nở nụ cười và chờ ngày xuất viện.
Bức ảnh do bác sĩ Vũ Hải Sơn chụp đêm 4-9 cảnh hai vợ chồng anh H. và chị T. dùng cơm tối tại phòng chăm sóc hậu phẫu bệnh viện. “Nhìn vợ chồng họ cùng ăn cơm và yêu thương nhau, tôi xúc động vô cùng” - BS. Vũ Hải Sơn nói. |
Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần những bức ảnh chụp mới nhất vào đêm 4-9, khi anh L.A.H. nay đã đi lại, trò chuyện và ăn uống được tại phòng chăm sóc hậu phẫu của UMC, bác sĩ Vũ Hải Sơn - một nhiếp ảnh gia và cũng là giảng viên nhiếp ảnh nói: “Tôi rưng rưng xúc động khi bấm bức ảnh mới nhất tại phòng chăm sóc hậu phẫu này. Bởi cũng chính tại đây 10 ngày trước tôi cũng bấm máy khoảnh khắc anh H. sau phẫu thuật tỉnh lại và được đưa về đây để chăm sóc. Quả là điều kỳ diệu của tính nhân văn, sức sống mãnh liệt của con người, của nỗ lực ngành y và của cuộc đời này!”.
Bộ ảnh lúc rạng sáng
Trước đó, hành trình của trái tim được hiến từ người bệnh có nguy cơ chết não bắt đầu từ phòng mổ Bệnh viện đa khoa Saint Paul (Hà Nội) lúc 20 giờ ngày 24-8 được dư luận cả nước quan tâm. Trái tim được bảo vệ và hỗ trợ bởi hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế, sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành trong hành trình xuyên Việt vào Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm.
Ảnh cận cảnh đặc tả những ngón tay uyển chuyển của các phẫu thuật viên ghép tim cho anh H. rạng sáng 25-8. “Bức ảnh nguyên màu tương phản thể hiện đúng bản chất phẫu trường căng thẳng. Màu đỏ của máu, của trái tim bên dưới là biểu tượng cho sự sống. Còn màu xanh những chiếc găng tay của các bác sĩ phẫu thuật thể hiện niềm hi vọng” - bác sĩ Hải Sơn cảm nhận. |
Bác sĩ Vũ Hải Sơn là người được tiếp cận để chụp ảnh ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ, từ khi rạch da để trái tim được cấy ghép vào cơ thể người bệnh vào nửa đêm 24-8 và kết thúc vào 3 giờ sáng ngày 25-8. Trái tim sau khi ghép vào cơ thể của anh L.A.H đã bắt đầu nhịp đập đầu tiên bên trong lồng ngực bệnh nhân.
“Tôi chụp những khung hình cận cảnh lúc 2g sáng vào một ngày đáng nhớ. Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt theo dõi và nín thở bấm máy toàn bộ một ca ghép tim xuyên đêm tại phòng mổ UMC. Có những trải nghiệm trong đời mang đến cho tôi cảm xúc rất lạ. Có những hành trình kỳ diệu cho tôi thấu hiểu sự sống đáng quý biết bao” - bác sĩ Vũ Hải Sơn kể lại.
Những yếu tố thuận lợi và thử thách của người chụp ảnh bên trong phòng phẫu thuật bệnh viện là gì, thưa anh?
- BS.VŨ HẢI SƠN: Nếu người chụp ảnh cũng là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thì thuận lợi cho việc chụp, còn không có thể sẽ bị cóng, bị ngộp, bị choáng về tâm lý... khi lần đầu tiên bước vào phòng phẫu thuật và vây quanh bởi mùi thuốc khử trùng, mùi máu, mùi khét...
Còn thử thách là phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vô trùng nghiêm ngặt (nên không thể mang nhiều thiết bị chụp ảnh), không được tự do di chuyển trong phòng phẫu thuật nên khó có nhiều góc chụp ưng ý.
Tôi đã chụp ảnh y khoa trong 35 năm qua và với tư duy của một bác sĩ thường xuyên chụp ảnh ở phòng phẫu thuật, tôi cực kỳ quan tâm đến những khung hình cận cảnh. Tuy ảnh cận khó chụp trong điều kiện cường độ ánh sáng phòng phẫu thuật không mạnh, nhưng nếu bắt trúng được khoảnh khắc đắt thì ảnh sẽ giàu cảm xúc và tạo sức hút thị giác rất mạnh.
Cuộc sống kỳ diệu
Sau ca phẫu thuật ghép tim, anh H. được các bác sĩ, điều dưỡng Khoa hồi sức tích cực theo dõi, chăm sóc trong điều kiện vô trùng nghiêm ngặt. Đến ngày 31-8, bác sĩ Vũ Hải Sơn chia sẻ: “Cuộc sống có những điều thật kỳ diệu! Năm ngày sau ca phẫu thuật ghép tim, anh L.A.H. đã ngồi dậy, nở nụ cười thật tươi với các bác sĩ, điều dưỡng, được bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy (Trưởng Đơn vị Gây mê hồi sức phẫu thuật tim mạch) chu đáo kiểm tra tim, phổi... Tôi lại nín thở, bấm máy ghi lại các bức ảnh mà lòng tràn ngập niềm vui không thể diễn tả bằng lời. Cuộc đời này có những điều kỳ diệu vô cùng!”.
“Tôi chụp cảnh vợ chồng anh H. và chị T. trò chuyện ngày 4-9. Trước đó tôi từng chụp góc ảnh này lúc 4 giờ sáng 25-8 khi anh H. vừa được chuyển vào đây sau ca phẫu thuật. Một cuộc sống mới đã tái sinh...” - bác sĩ Vũ Hải Sơn nói. Ngày 5-9, bệnh nhân L.A.H đã được rời khoa hồi sức tích cực để chuyển sang khoa nội tim mạch. |
Ngày 2-9, bác sĩ Vũ Hải Sơn chứng kiến và chụp ảnh anh L.A.H. tự đứng trên đôi chân của mình dưới sự dìu dắt của một nữ điều dưỡng và một nam kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu cho anh. “Bàn tay nắm chặt bàn tay, bàn tay còn lại choàng phía sau lưng nâng đỡ nhẹ nhàng. Anh H. mím môi tập tễnh bước từng bước chân đầu tiên. Khoảnh khắc tuyệt đẹp này tiếp tục khởi lên trong tôi niềm hi vọng về sự tái sinh kỳ diệu. Và tôi chụp hai khung hình toàn cảnh và cận cảnh với tất cả yêu thương và hy vọng”.
Nữ điều dưỡng Lan Phương chăm sóc cho anh H. sau 10 ngày anh được ghép tim thành công. Ảnh bác sĩ Vũ Hải Sơn chụp đêm 4-9. |
Anh L.A.H hiện đã có thể đứng thẳng, tự ăn uống bên cạnh vợ anh. Anh nói lời biết ơn các y bác sĩ, điều dưỡng ân nhân và mong chờ đến ngày khỏe mạnh xuất viện trở về nhà.
Trung Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin