Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẽ kỹ thuật số trong thời đại công nghệ 4.0

Hằng Xuân
18:36, 02/08/2024

Vẽ kỹ thuật số (Digital painting) đã trở thành xu hướng trong hơn một thập kỷ qua. Đây được xem là cơ hội sáng tạo mới cho các nghệ sĩ và trở thành ngành học thu hút giới trẻ hiện nay.

Minh họa truyện tranh thiếu nhi (tác giả: Hằng Xuân).
Minh họa truyện tranh thiếu nhi (tác giả: Hằng Xuân).

Nhiều ưu điểm vượt trội

Vẽ kỹ thuật số bắt đầu xuất hiện từ khoảng thập niên 60-80, khi các nghệ sĩ sử dụng các phần mềm đồ họa cơ bản và máy tính cá nhân để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình.

“Những công cụ và phần mềm vẽ hiện đại là phương tiện hỗ trợ người họa sĩ trong công việc sáng tác. Thông qua các công cụ đó kết hợp với tài năng và tư duy của người nghệ sĩ thì một tác phẩm hội họa ra đời. Người làm nghệ thuật nên cởi mở, học hỏi và ứng dụng công nghệ mới để công việc sáng tác trở nên dễ dàng hơn” - họa sĩ MAI VĂN NHƠN chia sẻ.

Khi công nghệ số phát triển cùng với sự ra đời của các máy tính mạnh mẽ hơn, nhiều phần mềm chuyên nghiệp như Adobe Photoshop, Corel Painter, Clip Studio Paint... ra đời, nghệ sĩ bắt đầu kết hợp sử dụng bảng vẽ kỹ thuật số gồm: bảng vẽ có màn hình hoặc không màn hình kết hợp với bút cảm ứng để tạo ra các tác phẩm với độ chi tiết và phức tạp tương đương với tranh truyền thống. Nhiều họa sĩ đã sử dụng “Paper like” dán lên bề mặt bảng vẽ để tạo cảm giác giống hệt như vẽ truyền thống. Hiện nay, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Apple hay Samsung đã cho ra mắt các ứng dụng vẽ kỹ thuật số độc quyền như Procreate, Penup... cho phép người dùng vẽ trên điện thoại và máy tính bảng mà không cần lắp ráp hay kết nối nhiều phụ kiện. Đây cũng là công cụ tối ưu dành cho các nhà thiết kế từ chuyên nghiệp đến bán chuyên nghiệp vẽ phác thảo và trình bày ý tưởng nhanh chóng.

Có thể nói, nhu cầu sáng tác nghệ thuật bằng phần mềm vẽ kỹ thuật số ngày một lớn. Không chỉ các nghệ sĩ mà những nhóm người dùng khác cũng tìm đến kỹ thuật vẽ này như một công cụ giải trí hàng ngày.

Vẽ kỹ thuật có nhiều ưu điểm vượt trội: tác giả có thể chia sẻ tranh vẽ đến người xem một cách chân thật nhất thông qua dải màu sống động. Trong lúc vẽ, tác giả có thể hoàn tác, dễ dàng chỉnh sửa đối tượng trên những lớp (layer) riêng biệt, hoặc nhân bản tranh vẽ không giới hạn. Điều này cho phép họa sĩ được thử nghiệm màu sắc, thay đổi bố cục mà không cần tốn nhiều thời gian cũng như tài nguyên. Trước đây, để sản xuất ra một đoạn quảng cáo ngắn thì các họa sĩ diễn hoạt phải vẽ đi vẽ lại nhiều cảnh trùng lặp, sau đó mất rất nhiều thời gian và công sức để chỉnh sửa. Tuy nhiên, công việc vẽ diễn họa bằng phần mềm lại trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi nó đã giải quyết được hầu hết những khó khăn của phương pháp vẽ truyền thống.

Khác biệt không chỉ từ chất liệu

Các sản phẩm Digital painting vẫn còn một số hạn chế khi rất dễ bị sao chép và đánh cắp ý tưởng. Tranh kỹ thuật số cũng không thể có chất liệu bề mặt đặc biệt như tranh truyền thống như: sơn dầu, sơn mài, đắp nổi... Nhìn từ khía cạnh của người thưởng thức, tranh truyền thống vẫn có một sức hút đặc biệt hơn.

Nhưng đứng trên cương vị của nhà sản xuất và doanh nghiệp, tranh kỹ thuật số vẫn là sự lựa chọn toàn diện bởi những ưu điểm vượt trội của nó, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp sản xuất phim hoạt hình và diễn hoạt 3D. Mặt khác, tác phẩm hội họa theo phong cách Digital painting thường có giá thành hợp lý và tiếp cận với nhiều tệp khách hàng hơn.

Một số tác phẩm Digital painting tại phòng tranh MN Arthouse (tác giả: Họa sĩ Mai Văn Nhơn).
Một số tác phẩm Digital painting tại phòng tranh MN Arthouse (tác giả: Họa sĩ Mai Văn Nhơn).

Ngày nay, việc sử dụng sản phẩm vẽ kỹ thuật số để in ấn và kết hợp với vẽ truyền thống đã trở nên phổ biến, thậm chí có những triển lãm với chủ đề tranh vẽ ứng dụng từ công nghệ hiện đại đã xuất hiện và nhận được hiệu ứng tích cực từ người thưởng lãm. Tiêu biểu gần đây là Triển lãm Van Gogh Expo Vietnam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các bức tranh của cố họa sĩ đều được vẽ lại theo phương pháp Digital Painting kết hợp với chuyển động 3D, tạo ra không gian nghệ thuật đặc sắc. Đây được xem là triển lãm ứng dụng kỹ thuật số tiêu biểu nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Tại Đồng Nai, không ít các phòng tranh đã cập nhật xu hướng mới và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ vẽ kỹ thuật số. Đến thăm phòng tranh MN Arthouse của kỹ sư - họa sĩ Mai Văn Nhơn (số 16, đường Lê A, thành phố Biên Hòa), người xem sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa đa chất liệu như axit ăn mòn, tranh gốm, sơn dầu..., đặc biệt là các tác phẩm Digital painting. Là họa sĩ đã rất thành công với nghệ thuật vẽ truyền thống từ thế kỷ trước, ông đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ và sáng tác nhiều tác phẩm hội họa từ các ứng dụng và phần mềm thiết kế.

Digital painting không chỉ là phương tiện nghệ thuật mới mẻ mà còn là một phần không thể thiếu của nền văn hóa kỹ thuật số hiện đại. Nó kết hợp nghệ thuật truyền thống với công nghệ tiên tiến, mở ra những khả năng vô hạn cho sự sáng tạo và biểu đạt cá nhân. Trong tương lai, khi công nghệ tiếp tục phát triển, Digital painting sẽ còn tiến xa hơn, định hình lại cách chúng ta nhìn nhận và tạo ra nghệ thuật trong thế kỷ 21.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Vẽ kỹ thuật số có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp. Đây cũng chính là lý do mà các ngành đào tạo liên quan đến mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam lại thu hút nhiều bạn trẻ đến như vậy. Hiện nay, điểm thi đầu vào của các ngành này đang đứng đầu cả nước với tỷ lệ chọi cao.

Sau khi tốt nghiệp các ngành: mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế đa phương tiện..., sinh viên ra trường có thể làm những công việc sáng tạo với các vị trí khác nhau: họa sĩ vẽ minh họa, họa sĩ diễn hoạt 2D và 3D, họa sĩ thiết kế nhân vật và background game, họa sĩ vẽ storyboard...

Poster phim - Đồ án tốt nghiệp của sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (Sinh viên thực hiện: Vũ Hải Thiên Anh, Vũ Thị Bích Ngọc, Lê Diệu Quyên).

Tại Đồng Nai, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu niềm đam mê và tìm hiểu về bộ môn này từ nhiều năm trước. Để đáp ứng nhu cầu đó của học sinh, sinh viên, nhiều trường đại học và cao đẳng tại Đồng Nai đã mở các ngành đào tạo này và thu hút hàng ngàn nguyện vọng cũng như hồ sơ đăng ký học.

Một số trường như Trường đại học Lạc Hồng, Trường cao đẳng FPT và Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có uy tín trong việc đào tạo các ngành thiết kế đồ họa và lĩnh vực thiết kế đa phương tiện... Hoặc mới đây nhất là Trường đại học Công nghệ Đồng Nai vừa công bố tuyển sinh ngành truyền thông đa phương tiện. Ngoài ra, các trung tâm dạy vẽ kỹ thuật số cũng đang phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều học viên.

Hằng Xuân

Từ khóa:

nghệ sĩ

Giới trẻ

Tin xem nhiều