Dù đậu đại học chuyên ngành kinh doanh quốc tế Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng chị Thái Thị Bảo Trân lại quyết định học cao đẳng chuyên ngành điện tử công nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý trao chứng nhận hạng nhất Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cho chị Thái Thị Bảo Trân. Ảnh:H.Yến |
Là “bóng hồng” duy nhất của lớp nhưng Bảo Trân không hề kém cạnh các bạn học nam. Ngược lại, Bảo Trân đã thể hiện được năng lực vượt trội. Sau khi tốt nghiệp, chị từ chối cơ hội làm việc tại doanh nghiệp để ở lại trường và trở thành giảng viên.
Từ nữ sinh mê kỹ thuật
Bảo Trân quê ở tỉnh Bạc Liêu. Những năm học trung học phổ thông, Bảo Trân là học sinh giỏi. Với lực học này, Bảo Trân đã đậu nguyện vọng 1 vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, chị tự nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành nghề kinh doanh mà lại có đam mê kỹ thuật. Vì vậy, chị đã từ bỏ cơ hội vào giảng đường đại học và chọn theo ngành điện tử công nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Chị THÁI THỊ BẢO TRÂN bộc bạch: “Nếu bạn nữ nào thích khối ngành kỹ thuật thì cứ mạnh dạn học, vì thực tế không có quá nhiều rào cản đối với nữ giới học ngành kỹ thuật như chúng ta vẫn nghĩ”.
“Khi đó, bản thân tôi phải đắn đo rất nhiều. Gia đình cũng không ủng hộ tôi học khối ngành kỹ thuật vì sợ con gái học ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, cuối cùng tôi vẫn quyết định rẽ hướng” - chị Bảo Trân kể lại.
Thời gian đầu khi mới vào học, chị quả thực có gặp một số khó khăn, chủ yếu là về mặt tâm lý. Lớp có hơn 20 thành viên nhưng chỉ có mình chị là nữ. Ban đầu, đây là khó khăn nhưng dần dà lại trở thành lợi thế. Vì là nữ sinh duy nhất của lớp nên Trân được các thầy cô quan tâm hơn. Khi có khó khăn, hoặc có chỗ chưa hiểu, cần hướng dẫn, bao giờ chị cũng được các thầy cô hướng dẫn tận tình.
Vượt qua được trở ngại ban đầu, Trân hòa nhập và học tập tốt, có thể làm được mọi việc mà các bạn học nam làm được, thậm chí làm tốt hơn. Vì vậy, khi học năm cuối cao đẳng (năm 2021), Bảo Trân đã được nhà trường, thầy cô tin tưởng chọn tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia.
Theo Bảo Trân, khi lựa chọn học ngành điện tử công nghiệp, chị được nhận học bổng nữ sinh ngành kỹ thuật với mức 8 triệu đồng/học kỳ và được miễn toàn bộ học phí trong suốt quá trình học. Ngoài thời gian học, chị còn tranh thủ đi làm thêm. Do đó, trong suốt 3 năm học cao đẳng, gia đình rất ít khi phải chu cấp tiền học và sinh hoạt phí cho chị.
Đến giảng viên dạy giỏi
Sau khi tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, Bảo Trân được Công ty TNHH Festo (doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện thi kỹ năng nghề) mời về làm việc. Tuy nhiên, vì nhận thấy bản thân phù hợp với công việc giảng dạy nên Trân đã chọn ở lại trường làm giảng viên. Khi mới tốt nghiệp, chị dạy các lớp hệ trung cấp và học liên thông lên đại học (ngành cơ điện tử Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Sau 2 năm, Bảo Trân tốt nghiệp đại học và được đứng lớp giảng dạy hệ cao đẳng.
Chị Thái Thị Bảo Trân tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: H.Yến |
Sau 3 năm công tác tại trường, Bảo Trân đã chứng minh được năng lực giảng dạy nên được chọn tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Đồng Nai lần thứ IX-2024. Mặc dù lần đầu tiên tham gia và là giảng viên trẻ nhất tham gia hội giảng nhưng Bảo Trân đã thể hiện rất tốt bài giảng, được đánh giá cao và là 1 trong 15 nhà giáo được xếp hạng nhất của hội giảng năm nay.
Những người tham dự tiết giảng của Bảo Trân đều có chung nhận xét, đó là cô giáo trẻ có rất nhiều năng lượng, nhiệt tình, tích cực tương tác liên tục với sinh viên. Bảo Trân cho biết: “Tôi cố gắng tương tác nhiều với học sinh, sinh viên để truyền đạt hết kiến thức, kinh nghiệm đến các em. Việc di chuyển nhiều, liên tục trong lớp học và tương tác với học sinh khiến mình mệt nhưng như vậy thì học sinh, sinh viên học có hiệu quả hơn”.
Phó trưởng khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Trọng Tín cho hay, khi còn là sinh viên Bảo Trân rất chăm chỉ trong học tập, luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian sớm nhất. Trân rất thông minh và linh hoạt, khi học những công nghệ mới thì tiếp thu rất nhanh; có tinh thần chịu khó học hỏi, không ngại khó khăn.
Khi trở thành giảng viên, Trân vẫn giữ tinh thần làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm, luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng Bảo Trân đã được giao những nhiệm vụ lớn và quan trọng như: đào tạo nâng cao năng lực giảng viên các trường cao đẳng khác, tham gia xây dựng mô hình để dự thi hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc và mới đây nhất là tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh.
“Cô Trân đã và đang tham gia vào đào tạo các module I4.0 trong chương trình đào tạo nghề điện tử công nghiệp định hướng tiêu chuẩn Đức tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Cô cũng là một trong những giảng viên có trình độ ngoại ngữ tốt khi có thể giao tiếp tốt cả tiếng Anh và tiếng Trung” - Phó trưởng khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường cao đẳng Lilama 2 Nguyễn Trọng Tín cho hay.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin