Những món đặc sản hiếm có, khó tìm tưởng chỉ có ngoài núi rừng thiên nhiên như: vịt trời, gà rừng, chim trĩ, chồn hương, heo lai rừng…, ngày nay lại xuất hiện phổ biến trên thực đơn tại nhiều nhà hàng, quán ăn trong những thành phố lớn. Những đặc sản này được một số chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đầu tư nuôi vì mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi heo lai rừng tại Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm) tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Thực khách ưa chuộng những món đặc sản của núi rừng không chỉ vì món ngon hiếm có mà còn ở sự tin tưởng đây là nguồn thực phẩm sạch. Đáp ứng nhu cầu này của thực khách, người nuôi vẫn cố gắng tạo môi trường tự nhiên phù hợp cho vật nuôi sinh trưởng trong vườn, rẫy; ăn thức ăn rau cỏ, cá, ốc ngoài thiên nhiên nên cho chất lượng thịt thơm ngon, an toàn.
Đáp ứng nhu cầu ẩm thực “không đụng hàng”
Trước đây, các món như gà rừng, chim trĩ, chồn hương... là đặc sản hiếm vì không có người nuôi. Khi xu hướng du lịch sinh thái, du lịch vườn phát triển mạnh, nhu cầu thưởng thức các món đặc sản bổ dưỡng của núi rừng tăng cao. Nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bỏ công sưu tầm, nghiên cứu nuôi các loài đặc sản của núi rừng đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Dũng, nông dân tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, đã cải tạo khu đất vườn của gia đình thành khu chăn nuôi các loại gia cầm đặc sản như: gà Mã Đà, gà đen, heo lai rừng…
Đặc biệt, trang trại của ông Dũng đang nuôi được khoảng 500 con giống gà Mã Đà - giống gà bản địa có nguồn gốc từ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Ngày nay, hầu như không còn ai nuôi nên giống gà quý này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA đã sưu tầm, nuôi và nhân giống để bảo tồn nguồn gen quý của loài gia cầm này.
Nhận thấy giá trị kinh tế cao của giống gà Mã Đà, ông Dũng đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA để phát triển quy mô đàn của giống gà đặc sản này. Theo ông Dũng, ưu điểm của giống gà này là chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có một số chất dinh dưỡng quý. Trứng gà cũng bổ dưỡng hơn so với các loại trứng gia cầm khác. Do đây là giống gà bản địa, quen sống ở vùng núi rừng nên thể chất khỏe, dễ nuôi, ít bị dịch bệnh. Một ưu thế khác khiến ông Dũng mạnh dạn đầu tư nhân rộng quy mô nuôi gà Mã Đà vì hiện đây là đặc sản chưa có trên thị trường. Nguồn cung hiếm trong khi đây là món đặc sản ngon, bổ dưỡng nên thực khách sẵn sàng trả giá cao để thưởng thức.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thử nghiệm và nuôi thành công giống gà đen - giống gà quý hiếm, vốn là đặc sản riêng của vùng núi rừng Tây Bắc. Đặc điểm riêng của giống gà này là cả da, thịt và xương gà đều tuyền một màu xám đen. Thịt gà đen dai ngọt do có hàm lượng mỡ rất ít và chứa nhiều giá trị dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ cho sức khỏe con người. Đây cũng là đặc sản có giá bán cao.
Ông Dũng chia sẻ: “Khoảng chục năm trước, trang trại chủ yếu nuôi các loại gia cầm thông thường như gà, vịt. Khi Đồng Nai phát triển mạnh đàn gia cầm, nguồn cung dồi dào nên nhiều thời điểm mặt hàng này rớt giá, người nuôi thua lỗ. Tôi quyết định chuyển sang đầu tư nuôi các loại đặc sản bán được với giá cao vì dòng sản phẩm này ít người nuôi trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng”.
Cùng quan điểm trên, gần 20 năm trước, ông Nguyễn Quốc Nghị, nông dân tại xã La Ngà, huyện Định Quán đã quyết định chuyển từ mô hình nuôi heo, nuôi gà sang nuôi các loài đặc sản như rắn, chồn hương, nhím, dúi... Ông Dũng so sánh: “Trước đây, tôi chỉ nuôi thử nghiệm với quy mô nhỏ vì nuôi nhiều cũng không có người mua. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thưởng thức các món đặc sản ít “đụng hàng” này của thực khách ngày càng cao nên tôi dần nhân rộng quy mô cũng như nuôi thêm các loại đặc sản quý hiếm khác. Nhờ kênh bán hàng trên mạng xã hội, hiện tôi đang cung cấp các loại đặc sản này đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là các khu đô thị lớn”.
Theo các trang trại, hộ chăn nuôi đặc sản rừng trên địa bàn Đồng Nai, nhu cầu thưởng thức các loài đặc sản của thực khách đang dần tăng lên. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ đặc sản giá cao vẫn chiếm phân khúc nhỏ. Người nuôi phải tính toán, kết nối được kênh tiêu thụ mới nên đầu tư mở rộng, tránh thua lỗ do đầu tư ồ ạt rồi rơi vào cảnh thua lỗ vì sản phẩm kén khách mua.
Giữ chất thiên nhiên cho đặc sản
Thực khách ưa chuộng những món đặc sản của núi rừng vì tin tưởng đây là nguồn thực phẩm sạch, bổ dưỡng cho sức khỏe. Chính vì vậy, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi đặc sản vẫn đầu tư nuôi theo hướng thủ công, giữ môi trường thiên nhiên cho vật nuôi sinh trưởng.
Theo một số người nuôi vịt trời tại thành phố Biên Hòa, vịt trời nuôi vẫn có chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng không thua gì vịt sống ngoài thiên nhiên. Vì giống vịt trời nuôi hiện nay hoàn toàn là vịt trời được thuần dưỡng từ thiên nhiên. Người nuôi cũng không nuôi nhốt loài vật này sau khi thuần dưỡng mà vẫn thả loài vật này tự do bơi lội trên ao hồ, đồng ruộng. Vịt vẫn tự mò cá, ốc, hến... làm thức ăn. Những thức ăn khác được người nuôi bổ sung thêm cho vịt trời là lúa ngâm, lục bình. Nhờ đó, chi phí nuôi vịt trời không quá cao mà lại giữ nguyên được chất lượng thịt nuôi như vịt trời thiên nhiên.
Giống gà Mã Đà đang được nhân rộng tại trang trại của ông Trần Văn Dũng xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. |
Với mô hình nuôi heo lai rừng, các hộ nuôi vẫn giữ nguyên cách làm thủ công thả heo tự do ủi đất trong vườn, rẫy. Nguồn thức ăn chính của loài vật nuôi này là thân cây chuối, trái chuối, rau cỏ trong vườn trộn thêm cám, bắp. Nhờ đó, tuy là vật nuôi nhưng chất lượng thịt thơm, ngon, khác hẳn so với vật nuôi công nghiệp.
Ông Hoàng Công Phước, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm, tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) chia sẻ, nhiều năm qua, nông trại đầu tư nuôi heo lai rừng theo hướng hữu cơ. Heo được thả rông trong rẫy. Nguồn thức ăn chính của loài vật nuôi này là trái chuối, thân cây chuối và các loại rau cỏ, khoai bắp thu hái ngoài vườn, ngoài rẫy. Trang trại sử dụng các chất kháng sinh tự nhiên như các loài cây thuốc nam, tỏi... trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Chính vì vậy, giá thịt heo trang trại bán ra cao gấp nhiều lần so với heo nhà nuôi công nghiệp, nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ cơ sở chuyên nuôi các loài đặc sản như gà rừng, chim trĩ, heo lai rừng tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú cho hay, để nuôi thành công các loài đặc sản thiên nhiên, người nuôi phải nắm được tập tính của các loài này để tạo môi trường nuôi cũng như sử dụng nguồn thức ăn phù hợp nhất cho vật nuôi phát triển. Người nuôi có thể tận dụng nguồn lúa, bắp tại địa phương; các loại rau cỏ mọc sẵn ngoài thiên nhiên, vừa tiết kiệm chi phí, vừa là nguồn thức ăn sạch cho vật nuôi sinh trưởng tốt.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin