Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ân tình thấm sâu...

Bùi Quang Huy
22:52, 09/08/2024

 

Anh Nguyễn Sơn Hùng có gửi tôi tập bản thảo mang tên Khách trọ với nhã ý tôi viết đôi dòng khi xuất bản.

Tập bản thảo không dày, được kết cấu thành hai phần: Quê hương và Gia đình; Ghi chép. Phần Ghi chép có các mục: Suy nghĩ; Trên đường và Những bài viết.

 

 

Phần đầu chỉ có bản dịch truyện ngắn Khách trọ (L’hôte) của nhà văn lừng danh Albert Camus (1913-1960), một trong những ông tổ của triết học và văn học hiện sinh và một ký ức mang tên Núi Cửa.

Tôi biết anh Sơn Hùng ngày xưa vốn học Đại học Tổng hợp, ngành Ngôn ngữ, từng dịch Nga văn. Thế nhưng, bản dịch L’hôte ở đây là của thầy giáo Nguyễn Văn Danh, nhạc phụ của anh. Còn bài viết Núi Cửa là của tiến sĩ Huỳnh Văn Ngữ, người bạn cùng quê, nay đang ở Sài Gòn.

Không tiện hỏi tác giả cuốn sách vì sao phần đầu có vẻ kỳ lạ như thế. Tôi chỉ đoán đôi phần tâm ý của chủ nhơn!

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên làm nên tên tuổi Albert Camus là L’Étranger (Người xa lạ) bởi cùng với tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe), ông đã trình bày những thao thức của mình về cuộc đời mà có lẽ từ đó và mãi về sau nhân loại vẫn không ngừng nghĩ suy, dằn vặt. L’hôte chỉ là một truyện ngắn, có người dịch là Người khách lạ, như một mảng màu, một khoảnh khắc mà L’Étranger đã vẽ ra. Cuộc đời, trong cảm nhận của những bậc tinh hoa hiện sinh, nào khác gì quán trọ, là chốn lưu đày mà ta không thể chọn nơi nào khả dĩ. Nói khác, dù phải đau đớn quằn quại, tôi vẫn thiết tha yêu trần gian điên dại này!

Chẳng hiểu có phải vì thế mà khi đọc lại L’hôte, qua bản dịch rất thanh thoát của Nguyễn Văn Danh, tôi lại nghe những lời ca ai oán của thiên sứ Trịnh Công Sơn:

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Í a í a

Í a í a...

Bài viết Núi Cửa của tiến sĩ Huỳnh Văn Ngữ được chọn đăng ở phần Quê hương và Gia đình như một tạp bút, khá ngắn, kể lại ký ức về hòn Núi Cửa ở quê nhà ngày thơ ấu. Nó không xa mấy nhưng huyền hoặc, bởi dưới ánh mắt của cậu bé ngày xưa, đó là điểm kết thúc của thế giới này và vì thế cậu... chưa bao giờ đi đến đó! Rồi tác giả kể lại, dường như lan man về những chuyện... lan man thời thơ dại ở quê nhà. Chuyện nào cũng có bóng dáng người mẹ tảo tần.

Những chuyện lan man, không đâu vào đâu như thế, mà cùng tiến sĩ này, chắc cũng trạc tuổi anh Nguyễn Sơn Hùng, năm, sáu mươi năm rồi, sao vẫn nhớ? À, chắc đó là quê hương!

Tôi phỏng đoán tâm ý của tác giả Khách trọ là thế. Tạo hóa vốn ban cho người viết một quyền năng rất lớn: nói ra hay không nói ra và nói như thế nào cũng là quyền của họ.

Phần sau của cuốn sách tập hợp những bài viết của Nguyễn Sơn Hùng về các vấn đề văn hóa , giáo dục, y tế,... các lĩnh vực mà ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đang phụ trách. Các bài viết đó đều gắn với thực tiễn Đồng Nai, gợi mở cái nhìn ở tương lai. Chẳng hạn, Suy nghĩ về “kiến trúc quy hoạch để chữa lành” không phải bàn về kiến trúc đô thị nói chung mà là chuyện của đô thị y tế, đô thị sức khỏe trong tương lai. Hoặc nhân bàn về văn hóa, anh Nguyễn Sơn Hùng đặt vấn đề cần nhận thức nguồn nhân lực văn hóa không chỉ là đội ngũ gồm những người đang hoạt động trong ngành văn hóa mà bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý (cả quản lý nhà nước và quản lý của cộng đồng), giám định, thẩm định và nghệ nhân,...

Những bài viết về Nhật Bản, thành phố Boston (Mỹ) hay Giang Tô (Trung Quốc),... cũng với góc nhìn khám phá về lịch sử, văn hóa , giáo dục và... chính trị. Tác giả nói tới vẻ đẹp của hoa anh đào, chỉ rực rỡ, thu hút người xem nhờ cả một tảng hoa, chứ không đơn lẻ như hoa hồng hay lay-ơn. Đấy là lý do vì sao người Nhật chọn anh đào làm biểu trưng cho đất nước xứ mặt trời mọc. Người ta đã tạo hình hài mới cho đất nước của họ từ sự... dấn thân tập thể! Giang Tô dù không là trung tâm chính trị của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhưng lại được mệnh danh là thủ đô, một loại thủ đô khác thường, thủ đô rượu trắng, thứ rượu được sản xuất theo lối công nghiệp từ lối chưng cất truyền thống. Chắc rằng, Nguyễn Sơn Hùng không chỉ muốn nói về rượu Giang Tô khi có dịp về quê hương của Tôn Trung Sơn!

Cuối cuốn sách là bài viết về nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao và Tây du ký - bức tranh hiện thực đương thời (Tây du ký ở đây là tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân chứ không phải bộ phim truyền hình nhiều tập).

Có lẽ, tôi không nên nói thêm về phần thứ hai của tập sách, vì phần này anh Nguyễn Sơn Hùng đã viết bởi thứ văn bạch thoại, rõ ràng và khúc chiết, sự khám phá của bạn đọc vẫn hơn.

Một người làm quan tất bận nhiều việc.

Ông quan này còn dành thời gian để viết báo, viết sách, thật đáng quý.

Chúc mừng Ông và xin trân trọng giới thiệu Khách trọ với bạn đọc xa gần!

Lập Hạ, Giáp Thìn

  Bùi Quang Huy

Tin xem nhiều