“Ngôn từ là thứ duy nhất tôi có để cuộc đời xiêu lòng và dang tay cho tôi những đãi ngộ” - nhà văn Hiền Trang mở đầu cuộc chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, nhân dịp tác phẩm mới của cô Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành) chính thức ra mắt ngày 18-8 tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả Hiền Trang sinh năm 1993, đại diện Việt Nam tham gia chương trình Viết văn quốc tế ở Mỹ năm 2022. |
Dịp này, tác giả Hiền Trang cũng giới thiệu một tựa sách khác của cô phát hành trước đó là Những khán giả ngồi trong bóng tối do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. “Hai cuốn sách - một tập truyện ngắn kỳ ảo lấy cảm hứng từ văn học Việt Nam trong nhà trường; một tập tùy bút suy tư về nghề văn trong khoảng thời gian ở thành phố văn chương Iowa, từ một người viết vẫn bị coi là thuộc thế hệ “dở tệ nhất” của văn học Việt Nam hiện đại - dẫu sao đều là những cuốn sách mang lại cho tôi nhiều niềm vui bất ngờ hơn cả trong 10 năm sáng tác” - nhà văn Hiền Trang dí dỏm cho biết.
Nhà văn kể chuyện viết văn
Hiền Trang, nhà văn thuộc thế hệ 9X, là cây bút theo đuổi các sáng tác đa dạng từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến những tiểu luận về nghệ thuật với bút lực đáng nể và sự chăm chỉ ra mắt tác phẩm đều đặn. Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ ví như nhật ký hành trình và những suy nghĩ về văn học nghệ thuật của Hiền Trang sau chuyến sang Mỹ tham gia chương trình International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa năm 2022. Khi ấy cô vinh dự là một trong 33 nhà văn đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự IWP.
“Ai cũng có thể trở thành nhà văn theo con đường riêng biệt nhất” - HIỀN TRANG chia sẻ. |
“Tôi viết cuốn sách này khi ký ức về tình yêu, tình bạn, về những ngày mình chỉ sống với văn chương, phim ảnh, âm nhạc, thiên nhiên, ái tình vẫn còn sống động. Bây giờ đọc lại, tôi nhận ra mình đã quên nhiều thứ. May sao, tôi đã viết ngay, viết ngay chứ không đợi chờ, không lần chần, không trì hoãn” - Hiền Trang thổ lộ.
Tác giả ghi chép lại những trải nghiệm và cảm nhận của cô trên hành trình giao lưu văn chương với các nhà văn khác trên đất Mỹ. Đó là những cuộc đối thoại với văn chương, nghệ thuật, nghĩ suy về mối quan hệ giữa văn chương - nghệ thuật và cuộc sống. Hiền Trang đưa nhiều câu chuyện hậu trường nhằm minh chứng văn chương len lỏi vào mọi hơi thở đời sống.
Hiền Trang đặc biệt gửi gắm những suy tư của cô về nghề viết. Cô cho rằng cũng như tất cả những nghề khác, viết văn “đòi hỏi tinh thần của một chiến binh trong cuộc chiến dai dẳng của nỗi hoài nghi. Bởi ai cũng có những nỗi sợ về việc bị mắc kẹt giữa những ngày lặp đi lặp lại, viết dưới những cái bóng của những đại văn hào hay nỗi sợ chật vật với ngôn từ”.
Hiền Trang đã có nhiều tác phẩm được xuất bản như Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ (2015), Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi (2016), Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (2018 - tập truyện đoạt giải 3 Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6), Dưới mái hiên đêm, những khách lạ (2020), Chopin biến mất (2022 - tiểu thuyết, giải 4 Văn học tuổi 20 lần 7), Những khán giả ngồi trong bóng tối, Tại sao ta yêu (2023)…
Hãy tin yêu ngôn từ
Những trải nghiệm phong phú của Hiền Trang dẫn đến một ngả đường của người làm sáng tạo nghệ thuật: xem văn chương như hơi thở, hiện hữu ở những điều đơn giản của cuộc sống thường ngày. Một cảm xúc thoáng qua cũng đáng trân trọng, bởi văn chương là niềm khát khao.
“Viết văn cũng không phải việc nên thơ lắm đâu, cũng vò đầu bứt tai, cũng chạy đuổi deadline (hạn chót), cũng đủ thứ cả. Nhất là với những người theo đuổi văn xuôi thì càng phải kiên trì, kỷ luật, không khác gì dân công sở đến giờ phải chấm công” - Hiền Trang thừa nhận với Đồng Nai cuối tuần. Nhưng theo cô, “nhà văn có quyền năng và hạnh phúc không gì sánh được”, cho dù các tác giả hay ngộ nhận mình “đang sống trong địa đàng”.
Tập tản văn Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ. |
Vậy giữa nhịp sống đương đại bận rộn và tấp nập này, làm thế nào Hiền Trang vẫn tiến bước với cuộc hành trình “đãi chữ tìm văn” vốn không mấy dễ dàng? Cô chia sẻ: “Với những bạn viết văn trẻ muốn theo đuổi con đường này, tôi nghĩ các bạn cứ tin yêu ngôn từ. Ngôn từ sẽ có cách sắp đặt cho đời chúng ta, nếu ta một lòng tin vào nó. Tôi không học văn chương, gia đình cũng không ai theo nghiệp văn chương cả. Ban đầu, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ: thế mình viết để làm gì, rồi có in được không, có sống được không. Không để những câu hỏi đó cản trở việc viết, thì nhất định sẽ viết được thôi”.
Ban nhạc Bee Gees từng hát: “Words are all I have, to take your heart away” (Những ngôn từ là tất cả những gì tôi có, để thuyết phục trái tim em). Đó có phải là cảm hứng để bạn đặt tựa cho tập tùy bút suy tư về nghề văn của mình? - Nhà văn HIỀN TRANG: Khi bắt đầu với văn chương, tất cả mọi người trong gia đình tôi không ai lấy làm vui lắm. Tôi viết cuốn sách đầu tiên, bố mẹ tôi mừng lắm. Nhưng khi viết đến cuốn thứ hai, thì bố mẹ tôi lo nhiều hơn vui. Bố mẹ nhận ra: “Chết rồi, con mình không chỉ muốn tạt qua chữ nghĩa cho vui, nó muốn theo đuổi con đường ấy thật”. Phải gần 10 năm sau, đến tận bây giờ, bố mẹ mới gọi là tạm yên tâm về tôi. Có hai “sự kiện” khiến bố mẹ tôi thay đổi: một là bài phỏng vấn trên Báo Nhân Dân, và hai là chương trình Viết văn ở Iowa. Nhờ đó, bố mẹ tôi mới nhẹ lòng, chắc con mình không đến nỗi đâm đầu vào bụi rậm lắm (cười). Bây giờ nghĩ lại, tất cả những gì đẹp đẽ nhất, đáng quý nhất, thuần khiết nhất cuộc đời mang đến cho mình - từ tình yêu, tình bạn, những phút khai sáng, mặc khải - đều là do ngôn từ mang tới cho tôi. Đúng như câu hát của Bee Gees nêu trên mà tôi đã thuộc từ thuở thiếu thời. |
Cẩm Điệp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin