Báo Đồng Nai điện tử
En

Người truyền lửa đờn ca tài tử, cải lương

My Ny
07:04, 24/08/2024

Với 83 tuổi đời và có hơn 15 năm giữ lửa phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT), cải lương ở thành phố Long Khánh, cụ ông Nguyễn Văn Trạch (ngụ phường Suối Tre) vẫn đang miệt mài góp phần bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của vùng đất Nam Bộ.

Cụ ông Nguyễn Văn Trạch, phường Suối Tre, thành phố Long Khánh tham gia Hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ảnh: Ly Na
Cụ ông Nguyễn Văn Trạch, phường Suối Tre, thành phố Long Khánh tham gia Hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ảnh: Ly Na

Không chỉ tham gia biểu diễn, giao lưu ĐCTT, cải lương trong và ngoài tỉnh mà ông Trạch còn mở quán cà phê với tên gọi Hội quán nghệ sĩ ĐCTT - điểm đến thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật của người dân địa phương.

Từ đam mê âm nhạc dân tộc

Sinh ra và lớn lên trong thời hoàng kim của dòng nhạc ĐCTT, cải lương, nghe những người xung quanh dùng lời ca tiếng hát để giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, động viên nhau, ông Trạch yêu thích rồi say mê lúc nào không hay. Tuy nhiên, mãi cho đến khi bước vào tuổi 60, ông mới có điều kiện học đờn, học ca, tham gia biểu diễn dòng nhạc dân tộc này.

Nói về tình yêu nghệ thuật của mình, ông Trạch cho rằng, đó là cái duyên ông đã được ươm mầm từ khi còn nhỏ. Về già ông được con cháu động viên, tích cực ca hát để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Chính những giai điệu trầm bổng của ĐCTT, cải lương cùng sự đồng điệu trong tâm hồn là động lực giúp ông theo đuổi nghệ thuật dù tuổi đã cao.

Thành phố Long Khánh hiện có 5 câu lạc bộ ĐCTT ở các phường, xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Quang, Hàng Gòn và câu lạc bộ ĐCTT Long Khánh.

“Năm 17 tuổi, tôi tham gia đoàn văn công ở Chiến khu Đ, nhưng thời điểm ấy không hát nhạc tài tử, cải lương. Sau năm 1975, tôi trở về Long Khánh, làm công việc của một người thợ kim hoàn. Đam mê ĐCTT, cải lương, tôi tham gia nhiều hoạt động phong trào, có nghệ danh “Ba Thành Đô tài tử. Tôi thích nhất là những bài bản, thể điệu về quê hương và truyền thống, lịch sử của dân tộc” - ông Trạch chia sẻ.

Theo ông Trạch, hiện nay ĐCTT, cải lương phát triển và âm thầm chảy trong đời sống của cộng đồng dân cư. Điển hình là ở phường Suối Tre có rất nhiều người đam mê, yêu thích, tập hợp thành từng nhóm cùng nhau sinh hoạt, biểu diễn. Hàng ngày, ông và những người bạn ở địa phương đều tổ chức luyện giọng, luyện ngón đờn để tham gia giao lưu tại nhiều tỉnh như: Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu của Đồng Nai.

Ông Trạch tâm sự: “Nhạc tài tử, cải lương rất nhã nhặn, chậm rãi với đa dạng giọng điệu khiến ai đã nghe, đã học thì khó bỏ được. Với tôi, chỉ khi nào “nằm xuống với đất” thì khi đó mới ngưng hát, ngưng đi. Tôi theo dõi hầu hết các hội diễn, hội thi tài tử, cải lương của tỉnh và khu vực thông qua sóng truyền hình. Với tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 2022, tôi tham gia Hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai, đoạt giải người cao tuổi nhất”.

Truyền lửa cho những người trẻ

Nhằm tạo sân chơi ĐCTT, cải lương cho những người mộ điệu dòng nhạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với đầy đủ âm thanh, ánh sáng, nhiều năm qua ông Trạch đã mở quán cà phê với tên gọi Hội quán nghệ sĩ ĐCTT. Đây là địa chỉ quen thuộc để bà con trên địa bàn phường Suối Tre gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi về ĐCTT, cải lương. Những lời ca, tiếng hát hòa cùng tiếng đàn réo rắt, khiến cho không gian Hội quán trở nên vui tươi, rộn ràng.

“Việc mở Hội quán nghệ sĩ ĐCTT không ngoài mục đích tạo sân chơi để những người yêu nhạc tài tử, cải lương cùng nhau gìn giữ, phát huy. Hội quán cũng là địa điểm sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ. Tôi cũng hy vọng, từ sân chơi này sẽ ngày càng thu hút được nhiều người trẻ tham gia, có như vậy mới lan tỏa, bảo tồn bộ môn nghệ thuật tài tử, cải lương” - ông Trạch nói.

Tại Hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2024 diễn ra vào ngày 17-8 vừa qua, sự xuất hiện của cụ ông Nguyễn Văn Trạch khiến nhiều người bất ngờ. Ông là thí sinh lớn tuổi nhất, truyền cảm hứng cho người trẻ ở Đồng Nai đã và đang theo đuổi dòng nhạc tài tử, cải lương của vùng đất Nam Bộ.

Nói về cụ ông Nguyễn Văn Trạch, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ phấn khởi: “Đây là năm thứ 2 cụ Trạch tham gia Hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai. Mặc dù tuổi đã cao nhưng phong thái, giọng ca của ông còn rất khỏe, cách phát âm, luyến láy, nhấn nhá ấn tượng. Ông là tấm gương sáng trong cộng đồng đã và đang góp phần chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.

Cũng theo ông Trạch, hiện nay số lượng người trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống không nhiều, trong khi các loại hình nghệ thuật hiện đại ngày càng phổ biến rộng rãi. Bởi vậy, trách nhiệm của những người cao tuổi như ông là phải tiếp lửa để mọi người cùng hiểu, yêu thích để rồi đam mê mà theo đuổi. Ở phường Suối Tre, chỉ cần có người học, ông sẽ truyền dạy để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị môn nghệ thuật này. Qua đó, phát triển phong trào văn nghệ ngày càng sâu rộng, tạo sân chơi vui khỏe, bổ ích cho mọi người.

 

My Ny

 

 

Tin xem nhiều