Ông Hồ Văn Đại |
Tối 24-8-1945 ở thị xã Biên Hòa đã diễn ra một sự kiện lịch sử, tại rạp hát Trần Điển, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa đã huy động hàng trăm quần chúng đến dự buổi mít tinh kêu gọi đồng bào trong tỉnh tham gia Mặt trận Việt Minh, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Trong số quần chúng tham dự mít tinh, nhiều người là công chức, binh lính, cảnh sát của chế độ thuộc địa đã rất đỗi kinh ngạc khi biết diễn giả là một người rất… quen tên. Có người còn sửng sốt kêu lên: “Không ngờ Sáu Đại là… cán bộ Việt Minh, không ngờ ổng diễn thuyết hay quá!”
3 nhiệm vụ đặc biệt
Trước khi đứng ra diễn thuyết ở rạp hát Trần Điển, Sáu Đại được Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa giao thực hiện 3 nhiệm vụ vô cùng quan trọng; mà có thể chỉ với ông - một người từng giao du, quen biết với các nhân vật quan trọng trong chính trường Biên Hòa đương thời mới có thể thực hiện được.
Trước hết là đến gặp ông Kinh lý Nguyễn Văn Tàng để vận động viên trắc địa sư này thuyết phục cháu của mình là Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Quí (vốn là Quận trưởng Tân Uyên được quân Nhật đưa về Biên Hòa làm tỉnh trưởng thay Chánh tham biện Pháp Lariviere) chịu bàn giao chính quyền êm thấm, tránh đổ máu. Nhiệm vụ thứ hai là ngay trong đêm 23-8 cùng Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hoàng Minh Châu sang nhà ông Huỳnh Thiện Nghệ - thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tỉnh Biên Hòa để vận động lực lượng này hưởng ứng lệnh cướp chính quyền. Và sau đó là thân hành đến gặp viên chức thanh tra mật thám để vận động ông ta thuyết phục chỉ huy của lực lượng mã tà, lính thủ hộ đang làm nhiệm vụ bảo vệ các công sở ở Biên Hòa án binh bất động và giao nộp toàn bộ vũ khí cho Việt Minh.
Cả 3 nhiệm vụ được giao, Sáu Đại đều hoàn thành. Trong đó việc tiếp nhận 40 khẩu súng mút và 5 khẩu stein là số vũ khí đầu tiên được trang bị cho lực lượng cách mạng tỉnh Biên Hòa.
Và những nhiệm vụ mới
Ngay sau khi giành được chính quyền, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa đã thành lập lực lượng Cảnh sát và lực lượng Quốc gia tự vệ Cuộc để bảo vệ, trị an. Cả hai lực lượng tiền thân của Công an Đồng Nai ngày nay đều do đảng viên Sáu Đại được Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa cử làm giám sát. Qua đó kiểm sát viên Sáu Đại đã cho lưu dụng một viên cảnh sát cũ làm huấn luyện viên sử dụng vũ khí để trang bị cho một tiểu đội cảnh sát vũ trang gồm những thanh niên ưu tú được tuyển chọn trong lực lượng Thanh niên Tiền phong Biên Hòa. Tiểu đội cảnh sát vũ trang này trở thành cánh tay đắc lực để ngay sau đó kịp thời góp phần bóp chết từ trong trứng nước các âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của các nhóm phản động có danh xưng “lực lượng cách mạng chân chính”, “kế hoạch lò gốm”…, cũng như bóc gỡ thành công lưới gián điệp của tình báo Pháp cài cắm lại ở Biên Hòa.
Sau khi quân Pháp trở lại gây hấn, mặt trận Sài Gòn vỡ, các nhóm vũ trang của Đệ nhị sư đoàn cộng hòa vệ binh kéo nhau chạy về Long Thành tự xưng là lực lượng kháng chiến đã khuynh đảo Ủy ban kháng chiến huyện để hoạt động cướp bóc, hà hiếp nhân dân, kiểm sát viên Sáu Đại liền cùng Lê Nguyên Đạt - Chỉ huy Quốc gia tự vệ Cuộc và Phạm Văn Thuận - Chỉ huy lực lượng cảnh sát nhận lệnh Ủy ban nhân dân tỉnh Biên Hòa xuống Long Thành phối hợp chính quyền sở tại lập mưu bắt toàn bộ bọn cách mạng giả hiệu.
Ngày 25-10-1945 quân Pháp đánh chiếm thị xã Biên Hòa. Trước đó các cơ quan tỉnh đã chủ động rút vào căn cứ bí mật để bảo toàn lực lượng. Đảng viên Sáu Đại được bố trí làm Phó bí thư quận ủy Châu Thành. Ông liền bí mật liên lạc với Đội thiếu niên thể thao Junior để tập hợp được 40 thiếu niên ở thị xã Biên Hòa thành lập Đội thiếu niên xung phong cảm tử. Được huấn luyện và trang bị lựu đạn, súng ngắn, dao găm, nhiều đội viên cảm tử như: Lữ Mành, Sáu Thẹo, Sanh, Dũng, Cư, Phát Nổi… với hành động “xuất quỷ nhập thần” bất ngờ từ xe ngựa đột nhập nội ô, tiến công các điểm ăn chơi diệt tề, trừ gian, ám sát sĩ quan, binh lính Pháp, trở thành nổi kinh hoàng cho quân xâm lược và bè lũ tay sai.
Thực hiện Sắc lệnh 23/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 21-2-1946, Ty Công an Biên Hòa được thành lập cùng lúc với việc xây dựng lực lượng Quốc vệ đội. Sáu Đại được bổ nhiệm làm Phó ty Công an kiêm Trưởng phòng Quốc vệ đội Biên Hòa. Với quân số một trung đội được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, chiến khu, chống địch càn, tổ chức các trận đánh diệt ác trừ gian, Quốc vệ đội Biên Hòa đã dũng cãm, mưu trí liên tiếp giáng nhiều trận đòn sấm sét vào quân giặc. Cuối năm 1948, Phó ty Công an Sáu Đại lại kiêm thêm chức danh Trưởng công an thị xã Biên Hòa. Ông đã kịp thời chỉ đạo ngăn chặn được nhiều vụ gián điệp, tình báo địch xâm nhập vào Chiến khu Đ.
Khi “ dân chơi” là một chiến sĩ cách mạng
Sở dĩ Sáu Đại được nhiều người ở Biên Hòa, phần nhiều là dân “thầy chú” quen mặt, biết tên vì ông là chủ và là thợ một tiệm may thời trang danh tiếng trên đường Phan Đình Phùng nằm giữa trung tâm thị xã. Đặc biệt hơn, Sáu Đại còn là một cầu thủ bóng đá người Việt khá hiếm hoi thời bấy giờ, khi Biên Hòa vừa mới hình thành sân banh với 2 đội túc cầu Labifor và Cercle. Sáu Đại còn được biết tiếng là một dân chơi rất điệu đàng trong Hội ái hữu xe hơi tỉnh Biên Hòa.
Khi Biên Hòa sáp nhập Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên, Sáu Đại được chỉ định làm Phó ty Công an tỉnh Thủ Biên. Đến tháng 3-1953 ông được bổ nhiệm làm Trưởng ty Công an Thủ Biên. Thi hành Hiệp định Genève, Sáu Đại được phiên chế làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn quân sự số 3 Thủ Biên để tập kết ra miền Bắc.
Sau khi được học tập văn hóa và đào tạo nghiệp vụ, Sáu Đại được cử làm Phó tiểu ban chỉ huy quần chúng tuần hành, rồi Phó phòng bảo vệ mít tinh và hội nghị. Sau đó là Trưởng phòng bảo vệ tân khách, rồi làm Trưởng phòng bảo vệ khu vực Trung ương thuộc Cục bảo vệ. Tiếp đến là Cục phó Cục Cảnh vệ - Bộ Công an.
Sau ngày thống nhất đất nước, đại tá Sáu Đại được lãnh đạo Bộ Công an giao phụ trách công tác tăng cấp - hậu cần phía Nam và trở thành Cục trưởng Cục hậu cần rồi sau đó nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng.
Từng gần gũi, làm việc với nhà cách mạng Sáu Đại, thạc sĩ Trần Quang Toại - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai nhận định: “Vị tướng công an gốc Biên Hòa được giao phụ trách công tác hậu cần phía Nam này nổi lên 2 đức tính rất quý. Đó là bản thân ông và gia đình có cuộc sống đời thường rất giản dị. Thứ hai là ông sống rất nghĩa tình, thủy chung với đồng đội, đồng chí và đồng bào. Đặc biệt là ông rất quan tâm, tìm cách giúp đỡ những cơ sở cũ ở Biên Hoà. Trong đó có những hộp thư liên lạc, cung cấp hậu cần như: Tiệm sửa chữa cơ khí Trần Bùi, nhà thuốc tây Hồ Văn Lâm. Việc nhà tư sản Tám Mộng (Dương Văn Hảo) - người từng chèo đò chở ông từ bến đò Kho về chiến khu Bình Đa trong “thời 9 năm”, sau ngày thống nhất đất nước được ra Hà Nội dự lễ hội hoa xuân giành được huy chương vàng về bộ môn kiểng khô; hoặc ông Lưu Nàm - con trai một bang trưởng người Hoa ở Biên Hòa từng giúp ông hoạt động nội thành và có công với cách mạng được mời ra Hà Nội, được đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp và thăm hỏi… đều có sự tác động của nhà cách mạng lão thành Sáu Đại”.
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin