Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểm họa cháy, nổ luôn rình rập

Đăng Tùng
07:00, 24/08/2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được kiềm chế, số vụ cháy giảm sâu. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguy cơ cháy nổ vẫn còn cao; hiểm họa cháy, nổ luôn rình rập, nên số vụ cháy tuy có giảm vẫn không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chữa cháy tại Công ty TNHH ShingMark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) tối 7-8.
Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chữa cháy tại Công ty TNHH ShingMark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) tối 7-8. Ảnh: Công an cung cấp

Thời gian gần đây, tại Đồng Nai xảy ra một số vụ cháy tại các cơ sở trong và ngoài khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, nổi bật là nguy cơ cháy từ các cơ sở gỗ và sự cố điện. Đáng nói, khi xảy ra cháy, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp PCCC từ sớm.

Nguy cơ cháy cao từ cơ sở gỗ

Chiều 9-8, nhiều công nhân thuộc các công ty thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Đ.N.L.C. (chuyên sản xuất chế biến đồ gỗ xuất khẩu, đóng tại khu phố Bình Hóa, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) hốt hoảng khi phát hiện nhà xưởng bùng cháy. Do bên trong nhà xưởng này chứa nhiều hàng hóa, thành phẩm, nguyên vật liệu ngành gỗ nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, diện tích cháy lên đến 400m2. Dù vụ cháy không xảy ra thiệt hại về người nhưng đã khiến nhà xưởng và nhiều hàng hóa bị hư hỏng.

Trước đó, tối 7-8, Công ty TNHH ShingMark Vina (chuyên về ngành gỗ) đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) cũng xảy ra cháy lớn tại nhà kho thành phẩm với diện tích hơn 13,8 ngàn m2. Công an tỉnh đã huy động 14 xe chữa cháy từ các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp của lực lượng công an, các đội chữa cháy chuyên ngành của nhiều doanh nghiệp đến dập lửa.

Điểm chung của cả 2 vụ cháy trên là ngọn lửa nhanh chóng lan nhanh do được “tiếp sức” từ vật liệu gỗ, dung môi ngành gỗ. Vì vậy, khi nhân viên cơ sở phát hiện thì ngọn lửa đã bùng phát lớn, vượt khả năng xử lý của các phương tiện chữa cháy được trang bị tại chỗ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai ghi nhận 117 sự cố trên lưới điện 22kV. Trong đó, sự cố do sét đánh là 26 vụ, sự cố thiên tai là 9 vụ…

Tại Đồng Nai, có hơn 900 doanh nghiệp chế biến gỗ (chưa tính các cơ sở sản xuất hộ gia đình, làng nghề). Các cơ sở sản xuất gỗ tồn tại ở cả trong và ngoài khu công nghiệp với 2 dạng là nhà xưởng kiên cố (chủ yếu trong khu công nghiệp, một số nằm trong các khu dân cư) và làng nghề truyền thống (đều nằm trong khu dân cư). Điểm chung của 2 dạng cơ sở này là luôn chứa lượng lớn hàng hóa dễ cháy như: nguyên vật liệu từ gỗ, dung môi sơn, hàng thành phẩm, bụi, mùn cưa... Trong quá trình hoạt động nếu không có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC rất dễ phát sinh cháy, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, khác với các nhà xưởng kiên cố được đầu tư vững chắc từ đầu với hệ thống báo cháy, chữa cháy cơ bản thì các cơ sở trong làng nghề truyền thống lại được phát triển, mở rộng theo thời gian. Kéo theo đó, nhiều chủ cơ sở lại sinh sống ngay trong cơ sở sản xuất nên xuất hiện thêm nguy cơ cháy lan từ các bếp, thiết bị điện gia đình sang khu vực xưởng.

Qua các lần kiểm tra an toàn PCCC, lực lượng chức năng của tỉnh cũng ghi nhận tình trạng các sản phẩm phụ từ gỗ như: dăm bào, mùn cưa, vụn gỗ thường tập trung trong các xưởng, việc vệ sinh công nghiệp không tiến hành thường xuyên. Không chỉ vậy, các sản phẩm sơn tạo màu hay vecni trong chế biến gỗ lại sử dụng dung môi pha chế là xăng dầu nên dễ bay hơi, tích tụ trong xưởng; do đó, chỉ cần 1 tia lửa nhỏ là dễ hình thành ngọn lửa lớn.

Vẫn còn “thờ ơ” với an toàn điện

Ngoài nguy cơ cháy cao từ các cơ sở sản xuất gỗ trong và ngoài các khu công nghiệp, thì nguy cơ cháy từ điện cũng là một thực trạng cần quan tâm.

 

Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra hơn 2,2 ngàn vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người. Trong số gần 1,3 ngàn vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9% (948 vụ).

Tại Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 59 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 13,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 30 vụ, giữ nguyên số người chết, tăng 3 người bị thương, giảm 6,1 tỷ đồng thiệt hại tài sản do cháy. Đáng chú ý, nguyên nhân cháy do sự cố điện trong 6 tháng đầu năm 2024 là 12 vụ (chiếm 20,37%).

Chị L.T. (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) là chủ một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà. Do căn nhà vừa ở, vừa kinh doanh nên bên trong chứa nhiều loại hàng hóa, không tránh khỏi có lúc đặt hàng hóa dễ cháy ở gần bếp gas hoặc đè lên dây điện. Khi được nhân viên Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, chị đã bố trí lại hàng hóa, hệ thống điện trong nhà để đảm bảo an toàn PCCC.

Bên cạnh nguy cơ cháy do lơ là trong sử dụng điện của các nhà vừa ở, vừa kinh doanh nêu trên, còn có nguy cơ mất an toàn điện tại các khu nhà trọ xây dựng lâu năm.

 Theo Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, qua quá trình khảo sát thực tế, hệ thống điện trong các nhà ở riêng lẻ, khu nhà trọ xây dựng lâu năm thường cũ kỹ, có nguy cơ mất an toàn điện. Đặc biệt là do thói quen sử dụng điện của người dân không đảm bảo an toàn như: để các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần dây điện và thiết bị sinh nhiệt; quên rút dây điện của bàn ủi, quạt... sau khi sử dụng xong; sử dụng một ổ cắm điện cho nhiều thiết bị điện...

Phó trưởng phòng An toàn, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Huỳnh Văn Mạnh đánh giá, một số cơ sở kinh doanh, nhà trọ còn nguy cơ mất an toàn điện như: câu móc dây dẫn điện tùy tiện; dây dẫn điện đấu nối không đảm bảo kỹ thuật; sử dụng nhiều thiết bị có công suất lớn cùng vào một ổ cắm; không kiểm tra, bảo dưỡng các điểm đấu nối; không thay thế các dây dẫn điện, ổ cắm điện, cầu dao điện bị hư hỏng... Đây là những nguy cơ có thể làm phát sinh tia lửa điện, gây cháy.

 

Đăng Tùng

 

Tin xem nhiều