Những ngày đầu tháng 7 âm lịch này, trên mạng xã hội thông tin nhiều về mùa Vu lan báo hiếu, đăng ảnh đi chùa nguyện cầu cho người thân.
Con cháu chắt thường xuyên trò chuyện với cụ Trịnh Thị Khơng (xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh). Ảnh: Sông Thao |
Tại Đồng Nai, có những người lớn tuổi đã ngoài 70 hay trên 80 tuổi là những tấm gương hiếu thuận trong cộng đồng. Họ không chỉ nhận sự chăm sóc của con cháu mà còn đảm nhận việc chăm nom cho cha mẹ đã ngoài trăm tuổi.
Con cao tuổi chăm mẹ cha
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hảo (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) năm nay 104 tuổi. Chồng và 2 con của mẹ Hảo là liệt sĩ và một trong số này đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt.
Những năm qua, người luôn túc trực chăm sóc mẹ Hảo là người con thứ Ngô Văn Thuận. “Tôi vui khi được con cháu chăm sóc, yêu thương”- Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hảo nói.
Ông Thuận cho hay, ông là cựu chiến binh và năm nay đã ngoài 70 tuổi. Cha, anh trai, chị gái của ông đã hy sinh trong chiến tranh nên mấy chục năm qua, mẹ con ông dựa vào nhau để cùng sống. Theo năm tháng, sinh hoạt của mẹ ông cũng thay đổi.
Ông Thuận cho hay: “Khoảng 5 năm nay, mẹ tôi ngủ ngày còn đêm thì thức. Giờ giấc ngủ nghỉ thay đổi, kéo theo giờ ăn cũng thay đổi, khi thức thì cần có người trò chuyện. Vậy là tôi đổi giờ theo. Cũng may mọi việc buôn bán, nhà cửa đã có vợ cùng các con lo nên tôi dành toàn thời gian gần gũi mẹ. Tôi rất vui vì ở tuổi này, tôi còn có mẹ để nghe bà kể chuyện, ăn uống cùng mẹ. Các con thấy tôi chăm chút cho bà nội nên càng thương yêu cha mẹ hơn. Từ đó, niềm vui trong cuộc sống gia đình nhân lên nhiều lần”.
Lớn tuổi hơn ông Thuận và đang chăm sóc cho người mẹ còn cao tuổi hơn là bà Đỗ Thị Ninh sống tại xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh. Bà Ninh năm nay đã 82 tuổi song vẫn hàng ngày ân cần chăm sóc mẹ mình là cụ Trịnh Thị Khơng. Dù có nhiều cực nhọc hơn khi là người cao tuổi phải chăm sóc người già nhưng bà Ninh không lấy đó là vất vả.
Bà Ninh cho hay, bà là con gái thứ hai của cụ Khơng. Trước năm 2014, mẹ bà ở Thanh Hóa với anh trai. Sau đó, mẹ bà vào đây ở hẳn cùng bà bởi vì mẹ và con gái chăm nhau thuận tiện hơn.
Ngày 18-8 (nhằm 15-7 âm lịch) các tự viện trong tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức Lễ Vu lan với nhiều hoạt động, như: tổ chức Lễ Vu lan theo nghi thức Phật giáo, tặng quà cho người dân hoàn cảnh khó khăn, thả cá phóng sinh… |
Bà Đỗ Thị Ninh kể, mẹ bà tuy lớn tuổi nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt tự chủ. Tuy nhiên, để yên tâm, mỗi khi cụ Khơng muốn đi lại, bà Ninh luôn theo sát bên cạnh. Riêng thức ăn phải nấu thành cháo nhừ để mẹ bà dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa trong ngày với khẩu phần được chia nhỏ. Vì cũng là người già nên bà Ninh hiểu nếu người già chán ăn thì rất nhanh xuống sức. Do vậy, bí quyết của bà Ninh để mẹ không bỏ bữa đó là liên tục thay đổi món và khi đến bữa ăn, mẹ bà ngồi ăn ở đâu thì con cháu cùng ngồi ăn tại đó để tạo không khí vui tươi.
Dù lớn tuổi nhưng mỗi khi có khách đến thăm, mẹ bà Ninh đều nhắc con gái phải thay quần áo cho bà gọn gàng, chuẩn bị trà nước tươm tất để thể hiện thái độ hiếu khách.
“Mẹ tôi rất vui khi mọi người đến thăm. Như vừa qua, đoàn của Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy đến thăm, bà rất mừng vì có nhiều người quan tâm đến mình và dành cho bản thân những phần quà” - bà Ninh nói.
Hạnh phúc vì còn được nghe tiếng cha mẹ
Ngoài chăm chút từng bữa ăn, vệ sinh cá nhân cho cụ Trịnh Thị Khơng, gần 150 con, cháu, chắt của cụ còn luôn dành thời gian để trò chuyện và phân chia nhau không để cụ phải một mình.
Ông Phạm Thanh Xuân, cháu ngoại bà Trịnh Thị Khơng cho hay, năm nay đã ngoài 50 tuổi và ở cách nhà mẹ và bà ngoại một quãng đường khá xa. Nhưng sau giờ đi làm về, ông cùng con, cháu đến nhà mẹ mình để đơn giản là được nhìn mẹ mình đã ngoài 80 tuổi và bà ngoại đang ngồi đó ăn cơm, xem tivi. Nếu có thời gian rảnh rỗi, ông phụ mẹ chăm bà ngoại, dẫn mẹ cùng bà ngoại đi đây đó trong xóm để thư giãn.
Còn cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn An (99 tuổi, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, con cháu quan tâm đến ông từng miếng ăn, giấc ngủ, quần áo. Đây là niềm vui rất lớn đối với tuổi già.
Cũng theo ông An, người già thì hay nói đi nói lại một chuyện nhiều lần vì không nhớ là mình đã nói hay chưa và hay hồi tưởng chuyện quá khứ. Những lần như vậy con cháu đều cố gắng lắng nghe để ông khỏi tự ái. “Nghe con cháu nói bọn nó mong được nghe tiếng mình nói hàng ngày để biết rằng cha, ông vẫn khỏe để cả nhà vui mà mình thương mọi người” - ông An chia sẻ.
Riêng với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc), mỗi ngày mẹ được con cháu quan tâm, dành tình yêu thương.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê cho hay, nơi bà sống cùng gia đình con trai nằm trong một xóm yên bình, bà con thân thiết, quan tâm lẫn nhau. Việc người già nhà này qua nhà kia chơi là điều thường thấy. Nhưng bà năm nay gần 90 tuổi, sức khỏe yếu, mắt kém nên con cháu không yên tâm để cho bà tự mình ra đường.
Vậy là mỗi khi bà muốn đi chơi trong xóm là con cháu chia nhau đi theo để yên tâm. Mỗi khi đi chơi về, bà kể lại chuyện cho con cháu nghe. Câu chuyện có lúc hay có lúc dở nhưng ai cũng chịu khó ngồi nghe bà kể, có lúc còn thảo luận thêm cho rõ.
Thêm vào đó, do là 1 trong 4 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của huyện Xuân Lộc nên nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê thường xuyên đón các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, tết. “Có người đến thăm tôi rất vui. Con cháu cũng mong có người đến thăm mẹ, bà nội mình để tôi có thêm người kể cho nghe chuyện xa xưa” - Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê chia sẻ.
Văn Truyên
Thượng tọa THÍCH NGUYÊN THÔNG, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Long Thành:
Yêu thương rộng mở đến cộng đồng
Với một nhà tu hành Phật giáo, việc quan tâm, thương yêu không dừng lại ở người thân mà còn mở rộng ra đến cộng đồng. Vậy nên, thời gian qua, thiền tự nơi tôi tu tập còn là địa điểm chăm sóc 34 người già không nơi nương tựa. Với mỗi hoàn cảnh tìm đến với Thiền tự Phước Quang đều được tôi bố trí nơi sinh hoạt riêng, được cung cấp thực phẩm để tự nấu ăn. Đồng thời, để có thêm điều kiện cho những trường hợp này chăm sóc sức khỏe, tôi còn mua thẻ bảo hiểm y tế cho từng người.
Để chia sẻ nhiều hơn với những hoàn cảnh kém may mắn, nhất là người cao tuổi khó khăn, hay không may bị khuyết tật, tôi đều đặn tặng quà hàng tháng cho 50 trường hợp và trong dịp lễ Vu lan này cũng vậy.
Chị THỔ THỊ TƯỜNG VY (dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất):
Chia sẻ việc nhà cùng mẹ
Cách đây 3 năm, cha tôi không may qua đời. Mẹ tôi một mình vừa làm cha vừa làm mẹ để chăm lo cho 3 chị em. Tôi rất thương mẹ và muốn chia sẻ việc nhà để mẹ yên tâm đi làm. Tranh thủ sau thời gian học trên trường, tôi cố gắng làm việc nhà tươm tất, kèm cặp việc học cho 2 em, lo nấu nướng từng bữa ăn. Tôi mong mẹ mình bớt cực nhọc, 3 chị em học tốt và ngoan ngoãn để mẹ vui. Đó là điều mà tôi cùng 2 em nhỏ đáp đền tình thương của mẹ.
Anh PHAN KẾ SỰ (phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa):
Mong cha mẹ ở nơi xa yên tâm
Năm 6 tuổi, tôi mồ côi cha. 14 tuổi, tôi mồ côi mẹ. Từ thời điểm đó đến khi trưởng thành, tôi sống cùng ông bà nội. Vì mất cha mẹ khi còn nhỏ nên tôi luôn nhớ về những ngày tháng còn bên cha mẹ. Ông bà nội tôi đều đã ngoài 70 tuổi vẫn hàng ngày đi làm thuê. Để có thể giúp ông bà, tôi nỗ lực làm việc tại các trung tâm Anh ngữ để kiếm thu nhập cho sinh hoạt hàng ngày. Tôi mong rằng cha mẹ mình dù đã đi xa nhưng sẽ yên tâm vì mình vừa có thể tự lập, vừa có thể chăm sóc cho ông bà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin