Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) tồn tại hơn 100 năm theo hình thức “cha truyền, con nối”. Dù nghề này đã trải qua không ít thăng trầm theo thời gian nhưng nhiều người tâm huyết vẫn cố gắng giữ gìn và phát triển cho đến ngày nay.
Người dân phơi bún dọc theo bờ sông Côn. |
Duy trì và phát triển làng nghề
Kết quả trong xây dựng nông thôn mới đã giúp cho vùng đất An Thái hôm nay “thay da, đổi thịt”. Các tuyến đường đi vào làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái được tráng nhựa, rải bê tông khá khang trang, sạch sẽ. Nhờ đó, việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi.
Chúng tôi đến tham quan làng nghề truyền thống bánh - bún An Thái vào buổi sáng sớm của một ngày đầu tháng 7. Vị trí làng nghề nằm nương theo dòng sông Côn hiền hòa, nơi có bãi cát vàng rộng lớn là điều kiện rất tốt cho nghề làm bún và bánh tráng phát triển. Thời tiết miền Trung đang vào mùa nắng và được xem là “mùa thuận” nên bà con tranh thủ tăng gia sản xuất cho kịp đơn hàng, vừa dự trữ sản phẩm để bán vào mùa mưa. Không khí làm việc khá nhộn nhịp.
Tiếp chuyện chúng tôi, những người sinh sống lâu năm tại An Thái cho biết, An Thái trước đây được xem là vùng “đất lành, chim đậu”. Từ đó, một cộng đồng người Hoa đã đến đây từ rất sớm và làm đủ ngành nghề để phát triển kinh tế gia đình, trong đó có nghề làm bún, bánh tráng rất nổi tiếng. Thấy mô hình làm ăn hiệu quả, nhiều người học hỏi làm theo, lâu dần đã hình thành nên làng nghề và duy trì cho đến ngày hôm nay.
Làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) không chỉ được biết đến bởi sản vật trứ danh bún Song Thằn mà còn nổi tiếng là vùng đất võ với câu nói: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay. |
Trước đây, người dân An Thái chủ yếu làm bánh, bún bằng thủ công nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để giảm nhân công lao động, vừa tăng năng suất. Ngoài ra, một số hộ còn đầu tư làm nhà sấy nhằm giúp việc làm bún diễn ra quanh năm chứ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Dù trải qua không ít thăng, trầm theo thời gian nhưng người dân An Thái vẫn cố gắng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Làng bánh, bún An Thái hiện có khoảng 100 cơ sở, hộ gia đình sản xuất đa dạng các sản phẩm như: bún số 8, bún gạo vắt tròn, bún dong, bún gạo giả mì, bánh phở và bánh tráng các loại… Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh Bình Định mà còn được khách hàng trên cả nước ưa chuộng, đặc biệt là các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Nam. Nhờ đó, làng nghề đã giúp cho nhiều gia đình vươn lên ổn định cuộc sống, đồng thời góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Nhắc đến làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái phải kể đến bún Song Thằn, là loại đặc sản độc đáo và có giá trị kinh tế cao. Bún Song Thằn còn được gọi là “bún Tiến Vua” vì đây là loại bún thượng hạng, bổ dưỡng nên các quan lại thời phong kiến thường mang bún Song Thằn tiến lên vua. Còn hiện nay, bún Song Thằn được tiêu thụ mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhiều Việt Kiều về nước cũng mua sản phẩm này để làm quà và sử dụng.
Ổn định cuộc sống
Chúng tôi đến tham quan cơ sở sản xuất bún gạo các loại của gia đình ông Lâm Hoàng Vũ. Đây là một trong những gia đình gắn bó với nghề làm bún lâu đời tại làng An Thái.
Ông Vũ cho biết, từ thời ông cố của ông đã biết làm bún Song Thằn nhưng do chiến tranh khốc liệt khiến việc làm bún của gia đình bị gián đoạn một thời gian. Sau ngày đất nước thống nhất, cha của ông mới đầu tư cơ sở sản xuất bún để phát triển kinh tế gia đình nhưng đã chuyển đổi từ bún Song Thằn sang làm bún gạo, bún dong cho phù hợp với mức sống của người dân lúc bấy giờ.
Gia đình ông Võ Thanh Sơn phơi nguyên liệu làm nên bún Song Thằn. |
Cũng theo ông Vũ, nghề làm bún rất vất vả vì công việc nhiều và phải “dãi nắng dầm sương” suốt cả ngày. Để cho ra sản phẩm, gia đình ông phải bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến tận chiều tối và thực hiện nhiều công việc theo quy trình sản xuất, từ tạo ra sợi bún, đem phơi cho đến đóng gói sản phẩm… Hơn nữa, nghề làm bún còn trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhất là thị trường cạnh tranh khắc nghiệt khiến sản phẩm làm ra nhiều lúc không bán được.
“Nhiều lúc thấy công việc làm bún khổ quá mà hiệu quả kinh tế không cao nên gia đình có ý định bỏ nghề để chuyển sang làm việc khác. Thế rồi nghĩ đến số vốn mà gia đình đã đầu tư vào cơ sở sản xuất quá lớn mà bỏ đi thì rất lãng phí. Trong khi, việc chuyển qua nghề khác phải bắt buộc làm lại từ đầu với nhiều tốn kém mà chưa chắc hiệu quả cao hơn nghề làm bún. Do đó, vợ chồng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống của gia đình và tìm mọi cách vượt qua khó khăn”- ông Vũ tâm sự.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, ông Vũ luôn đặt uy tín lên hàng đầu, thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để làm ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt. Sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm… “Tiếng lành đồn xa”, cơ sở sản xuất bún của ông được nhiều người biết đến và tìm đến đặt hàng ngày càng đông. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần đi vào ổn định và có điều kiện lo cho các con học đại học, cao đẳng.
Tương tự, gia đình ông Võ Thanh Sơn đã có 3 đời làm bún Song Thằn và hiện là một trong những hộ có cơ sở sản xuất bún lớn tại địa phương.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương rất quan tâm đến Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái và có nhiều chương trình hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có khu sân phơi bánh, bún dọc theo bờ sông Côn; giới thiệu nguồn vốn ưu đãi để người dân đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm địa phương…
Ông Sơn chia sẻ, gia đình ông đã có hơn 100 năm gắn bó với nghề làm bún Song Thằn. Tức là ngay từ thế hệ ông bà nội đã giỏi làm bún và sống tốt với nghề, sau đó truyền đạt lại cho cha mẹ ruột rồi đến đời ông vẫn tiếp tục kế thừa, duy trì và phát triển đến ngày nay.
Trong hơn 6 năm kế thừa nghề truyền thống của gia đình, vợ chồng ông Sơn luôn nỗ lực tìm cách để đưa cơ sở sản xuất bún ngày càng phát triển. Ông đã chọn hướng đi bền vững bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để làm ra sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường. Năm 2019, bún Sóng Thằn của gia đình ông đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Bên cạnh đó, các sở, ngành đã quan tâm và giới thiệu sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Nhờ đó, khách hàng gần, xa biết đến và tìm đến mua bún Song Thằn ngày càng đông.
“Nghề làm bún Song Thằn đã trải qua không ít khó khăn, thử thách nhưng cho dù có sướng hay khổ thế nào thì gia đình tôi vẫn cố gắng bám trụ và tìm cách vượt qua chứ không thể bỏ được. Bởi nghề truyền thống này đã giúp cho gia đình tôi có cuộc sống ổn định từ nhiều năm nay” - ông Sơn bộc bạch.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin