Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch ở tỉnh Biên Hòa xưa: Hành trình thứ nhì - từ Gia Ray đến Võ Đắc

Nguyễn Văn Phúc
09:55, 03/08/2024

Từ năm 1925 thì hành trình đến Võ Đắc (112 km từ Sài Gòn) và La Ngà mới có thể được tiến hành vào bất cứ mùa nào.

Không ảnh đàn trâu rừng hoang dã ở Võ Đắc, lưu vực sông La Ngà vào năm 1930.
Không ảnh đàn trâu rừng hoang dã ở Võ Đắc, lưu vực sông La Ngà vào năm 1930.

Đường địa phương số 3 từ Gia Ray đến Tà Lài  khoảng 60km. Thợ săn Sài Gòn rất sành con đường này từ khi được xây cách đây khoảng 3 năm. Đường này xuất phát từ đường thuộc địa số 1 ở khoảng cây số 93 (từ Sài Gòn). Điểm đó cách  đồi núi bazan gọi là núi Con Soh 32km, nơi con đường đổ ra, không xa tả ngạn của sông La Ngà lắm.

Đàn voi rừng hoang dã ở Võ Đắc vào năm 1930.
Đàn voi rừng hoang dã ở Võ Đắc vào năm 1930.

Toàn bộ con đường này trải dài xuyên qua những cánh rừng gồm có vài rừng cây to nhưng chủ yếu là rừng non và rừng rậm. Sau khi bỏ lại ở bên trái của chúng ta cơ sở đẹp như tranh vẽ của phái viên hành chánh Chứa Chan, một ngôi nhà rộng rãi và đầy đủ tiện nghi bằng gỗ với công viên bao bọc chung quanh ở dưới chân núi. Vượt qua vài tòa nhà hành chánh kế bên, chúng ta băng qua đường sắt và đi vào rừng dự phòng của Gia Ray...

Không ảnh khu vực nương rẫy ở Tà Lài, thượng nguồn sông Đồng Nai.
Không ảnh khu vực nương rẫy ở Tà Lài, thượng nguồn sông Đồng Nai.

Qua những đường uốn quanh co liên tiếp, chúng ta đến núi Con-soh. Một con đường mòn dẫn đến cao nguyên hẹp nhô cao ở phía trên và ở đó có một căn nhà gỗ có gác rộng rãi, công sảnh chủ yếu của tân cơ sở phái viên hành chánh.

Người Chơro ở Gia- Ray.
Người Chơro ở Gia- Ray.

Mọi người có thể đưa mắt nhìn đến hơn 30km do không gặp chướng ngại vật từ độ cao đó. Trước mặt là lưu vực sông La Ngà trải dài ra xa thành một dải đất hình bán nguyệt rộng lớn, khô cằn và không trồng trọt gì được. Mùa đông thì bị lũ sông nhấn chìm, mùa hè thì khô hạn nóng bức. Không có gì mọc cả ngoài cỏ tranh thành từng luồng dày đặc và vài bụi cây nhũ hương, lau sậy và tre.

Bờ sông La Ngà.
Bờ sông La Ngà.

Ở phía Tây là vùng rừng và đầm lầy của Gia Canh, Cao Can. Đây đó nhô lên vài chỏm múi, hình ảnh nổi bật của núi đá khối tảng, như núi Đá, núi Dong Bat. Ở phía Bắc và phía Đông, phía bên kia sông La Ngà,
khó khăn lắm mọi người mới nhìn thấy tia nước bạc, xa hơn phía bên kia sông Đồng Nai là hoành sơn cuối cùng của cao nguyên Trung Kỳ nhô lên cao. Dãy núi nhỏ song song và khá cao, nổi lên từ đám rừng sậm màu mà mọi người thấy ở dưới chân núi, tạo thành một khung ảnh đẹp cho những trảng cỏ hoang vắng, nơi mà chủ nhân thật sự của vùng đất ấy là đàn trâu và voi hơn là vài người dân sống ven bờ sông La Ngà. Với kính viễn vọng được đặt tại Võ Đắc có thể nhìn thấy rất rõ những đàn thú lang thang qua những vùng đất hoang vắng ấy…

Đàn trâu ở Gia Ray.

Con đường địa phương số 3 chỉ mới được thi công đến đồi Võ Đắc mà thôi. Con đường đó sẽ tiếp tục tiến hành thi công đến tận Tà Lài bên tả ngạn sông Đồng Nai - nơi mà con đường này sẽ nối với đường địa phương số 13 xuất phát từ Hớn Quản và Chơn Thành xuyên qua vùng lâm viên Bình Cách và Thuận Lợi. Con đường đó phải vượt sông La Ngà, cách phía Bắc Võ Đắc khoảng 5km, bằng một cây cầu ít nhất 150 mét. Phải đổ đất rất nhiều để nâng cao đường lộ lên cao nhằm bảo vệ đường khỏi bị sông tràn ngập định kỳ trên cả vùng hạ lưu.

Có khả năng sau này, con đường đó sẽ còn được tiếp tục thêm ở phía Bắc để nối với bên kia D. Gloun (Sông Bé trung và hạ) đường thuộc địa 14…

 

   NGUYỄN VĂN PHÚC  

 


* Nguồn ảnh từ bộ sưu tập của bác sĩ Nguyễn Văn Phúc.

* Xem các bài viết về du lịch ở tỉnh Biên Hòa xưa từ số báo ra ngày 21-7.

 

Tin xem nhiều