Báo Đồng Nai điện tử
En

Du ký qua những vùng đất cùng Hoàng Đình Nguyễn

Ly Na
18:10, 02/08/2024

Bên cạnh việc viết thư pháp, sáng tác thơ, Hoàng Đình Nguyễn là một trong số rất ít những tác giả của Đồng Nai thường xuyên ra mắt các tác phẩm du ký. Các tác phẩm của ông đưa người đọc đi qua nhiều vùng đất, nhiều quốc gia trên thế giới, gặp gỡ nhiều con người… hấp dẫn và thú vị.

Tác giả Hoàng Đình Nguyễn (phải) giao lưu với nhạc sĩ Cao Hồng Sơn tại buổi ra mắt ấn phẩm du ký Những bước chân trên đất nước Trung Hoa. Ảnh: L.Na

Tác giả Hoàng Đình Nguyễn vừa ra mắt tác phẩm du ký thứ 5 với tên gọi Những bước chân trên đất nước Trung Hoa (Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2024). Cuốn sách này góp phần nâng tổng số sách trong sự nghiệp sáng tác của ông lên 17 tác phẩm.

Đích đến cuối cùng là con người

Cảm nhận của ông như thế nào khi có rất đông anh em, bạn bè, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đến chúc mừng ông ra mắt cuốn sách du ký thứ 5?

- Với tôi, viết là một sự đam mê. Nếu không đi thì tôi không có tư liệu để viết. Càng đi, tôi càng thấy thích viết hơn. Cuốn Những bước chân trên đất nước Trung Hoa là tác phẩm du ký thứ 5 của tôi sau các cuốn: Những miền đất tôi qua năm 2017, Đường đến chân trời năm 2019, Ngàn dặm châu Âu năm 2020, Cung đường vàng huyền bí năm 2021.

* Ông có thể chia sẻ cho bạn đọc biết nội dung cuốn Những bước chân trên đất nước Trung Hoa vừa được Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành?

- Cuốn Những bước chân trên đất nước Trung Hoa được mở đầu bằng chân lý giản dị của Khổng Tử: “Bất cứ nơi đâu bạn đặt chân đến, hãy đi đến đó bằng tất cả trái tim của mình”. Sách dày trên 400 trang, đưa bạn đọc đến các vùng đất trên đất nước Trung Quốc như: Hồng Kông, Thâm Quyến, Quảng Châu, Giang Nam, Bắc Kinh…

Khi viết cuốn sách này, tôi đã định bỏ cuộc. Tuy nhiên, những chuyến đi đến đất nước này, tôi được tham quan rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhiều cảnh đẹp và hiểu về nền văn hóa lâu đời. Tôi cho rằng, nếu không nói lên bằng tiếng nói, bằng trang viết thì rất là tiếc. Điều đó thôi thúc tôi hoàn thành tác phẩm, giới thiệu đến bạn đọc.

Trong 5 cuốn sách về du ký đã được xuất bản, giới thiệu đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh, ông cảm thấy hài lòng cuốn nào nhất?

- Cuốn sách nào tôi cũng thấy hài lòng. Có nhiều người nói rằng,  động lực từ đâu mà tôi “đẻ” ra sách nhanh thế? Thực ra không phải “đẻ” nhanh, mà các cuốn sách tôi đã “thai nghén” từ rất lâu, đã viết và để đó, do chưa đủ “độ dày” để đi in. Tôi lấy ví dụ, đi châu Âu đâu phải đi một lần là có thể đi hết các quốc gia. Viết sách về châu Âu không chỉ viết một vấn đề, một nội dung mà phải tìm hiểu sâu từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để giới thiệu một cách thật tổng quát, có điểm nhấn, có câu chuyện… Đích đến cuối cùng của một tác phẩm luôn là con người. Đi để cảm nhận, để biết yêu hơn quê hương của mình.

Nhà văn Lê Đăng Kháng chia sẻ: “Hoàng Đình Nguyễn rất kiên trì viết du ký, anh đi nhiều, viết khỏe. Du ký của anh càng ngày càng có cách tân, có sự khám phá những vùng đất, sự kiện… gắn vào đó là những tình cảm, những khám phá về văn hóa, con người của từng vùng đất, từng quốc gia”.

Lan tỏa những câu chuyện đẹp về văn hóa

Điều thú vị nào ở thể loại du ký cuốn hút, thôi thúc ông đi và viết?

- Tình cờ có một lần, Phó giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai Trương Văn Tuấn cho tôi mượn 3 cuốn ký của tác giả Phạm Quỳnh. Đọc hết những cuốn sách ấy đã gợi mở cho tôi rất nhiều điều, tôi đã đi, ghi chép, tìm hiểu và viết y như thế.

Một số người vẫn thường nói, viết ký “ca tụng” nhiều, song tôi cho rằng viết ký phải biết văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, cuộc sống của mỗi vùng đất, con người mình đi qua. Không chỉ kể về những trải nghiệm của chuyến đi, kỷ niệm hay những cảm nhận mà hơn thế, đó còn là giới thiệu đến người đọc những câu chuyện văn hóa, lịch sử với những cuộc gặp gỡ mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.

Tác giả Hoàng Đình Nguyễn ký tặng sách tại buổi ra mắt tác phẩm du ký Những bước chân trên đất nước Trung Hoa.
Tác giả Hoàng Đình Nguyễn ký tặng sách tại buổi ra mắt tác phẩm du ký Những bước chân trên đất nước Trung Hoa.

Để in những tác phẩm này, ông gặp những thuận lợi và khó khăn gì, nhất là phải tự “bỏ tiền túi” ra in và quảng bá để sách đến với người đọc?

- Thuận lợi và khó khăn ở đâu cũng có. Bản thân mình phải quyết tâm. Muốn thực hiện được đam mê, bản thân phải lao động. Bởi vậy, ngoài viết sách, vào những ngày Tết, tôi thường đi cho chữ thư pháp. Số tiền thu được từ những lần đi viết thư pháp ấy, tôi dành để in sách.

Xuất bản sách cũng không quá khó nếu như bản thân đủ đam mê, đủ quyết tâm và chăm chỉ. Đương nhiên, phải có bạn đọc ủng hộ, động viên cùng đọc sách với tác giả.

Thông điệp mà tác giả Hoàng Đình Nguyễn muốn gửi đến bạn đọc qua những bài viết, những tác phẩm du ký là gì?

- Một nhà hiền triết nào đó đã nói rằng, đời một con người phải sinh một đứa con, phải trồng một cái cây và phải viết một cuốn sách. Những điều này tôi đã thực hiện đủ cả. Không chỉ sinh 1 đứa con mà tôi có 3 đứa. Mỗi năm, tôi thường trồng 1 cái cây vào dịp Tết. Và tôi đã viết không chỉ 1 cuốn sách mà hiện tại đã có 17 cuốn.

Những cuốn sách mà tôi viết ra, sau này truyền cho cho con, cho cháu - đó chính là di sản, di sản về văn hóa. Khi sách trở thành di sản văn hóa, nó sẽ còn mãi với thời gian. Tôi hy vọng, những cuốn du ký của mình có thể truyền cảm hứng cho người thân, cho bạn bè, cho cộng đồng.

* Xin cảm ơn ông!

 

Ly Na

 

 

Tin xem nhiều