Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất giảm mức phạt với người lái xe có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở:
Thay đổi hợp lý

Kim Liễu
07:40, 10/08/2024

Bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về giảm mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn tối thiểu khi lái xe (0,25 miligam/lít khí thở), nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai cuối tuần cho rằng, thay đổi này là hợp lý và cần thiết bởi mức phạt hiện nay là khá cao.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng

Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Dự thảo nghị định). Theo đó, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu (0,25 miligam/lít khí thở) để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Giảm mức phạt tiền là phù hợp

Theo đề xuất của Bộ Công an, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu) trong Dự thảo nghị định sẽ hạ thấp so với mức phạt tiền của quy định hiện hành (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng).

Ngoài đề xuất giảm mức phạt tiền tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an cũng đề xuất thay đổi nhiều nội dung liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền, mức trừ điểm giấy phép lái xe, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm.

Cụ thể: đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng; đồng thời, người vi phạm sẽ bị trừ 2 điểm trong giấy phép lái xe. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mức phạt tiền với hành vi nêu trên là từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Bộ Công an đề xuất phạt 400-600 ngàn đồng, bị trừ 2 điểm trong giấy phép lái xe. Mức phạt này thấp hơn hẳn so với quy định hiện hành (phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng).

Với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt 800 ngàn đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng như quy định hiện hành.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nhiều BĐ Báo Đồng Nai cuối tuần bày tỏ sự đồng tình. “Giảm mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất là rất hợp lý và cần thiết. Mức phạt 2,5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy vi phạm lỗi nồng độ cồn dưới 0,25miligam/lít như hiện nay là quá nặng” - BĐ Nguyễn Hoàng Chinh (ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) bộc bạch.

Theo ông Chinh, thực tế nhiều người uống rượu, bia từ tối hôm trước đến ngày hôm sau dù đã tỉnh táo nhưng trong hơi thở vẫn còn nồng độ cồn ở mức thấp nên nếu bị phạt nặng thì cũng bất công.

Cũng bày tỏ sự ủng hộ, BĐ Trần Quang Đăng (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Đề xuất của Bộ Công an hợp lý, theo quy định hiện hành, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức này sẽ bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Nếu theo đề xuất mới mức tiền phạt giảm và bổ sung hình thức trừ điểm trên giấy phép lái xe cũng là biện pháp xử phạt không hề nhẹ, như vậy là phù hợp, đủ mức răn đe”.

Xử nghiêm vi phạm về nồng độ cồn

Ngoài ủng hộ việc giảm mức phạt tiền với người lái xe có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở, nhiều ý kiến BĐ đề xuất Bộ Công an tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc tuân thủ nghiêm túc quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.

Thực tế, cho thấy, việc cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia trong thời gian gần đây đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

“Khi xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện thường xuyên, liên tục thực sự có tính răn đe, giáo dục cao. Hiện nay, nhiều người không dám uống rượu, bia khi lái xe. Tình trạng ép uống rượu, bia vì thế cũng giảm bớt. Qua đó góp phần kéo giảm các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ rượu, bia” - BĐ Lê Kim Hạnh (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

Theo các chuyên gia, nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở được coi là mức độ cồn rất thấp trong máu và có thể không ảnh hưởng nhiều đến khả năng lái xe của một số người. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của cồn đến khả năng lái xe có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân. Do vậy, không có mức độ cồn nào hoàn toàn an toàn khi lái xe, vì ngay cả mức độ cồn thấp cũng có thể ảnh hưởng đến một số người và trong một số tình huống cụ thể. Thế nên có thể thấy đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu (0,25 miligam/lít khí thở) theo Bộ Công an là để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh chia sẻ, đề xuất giảm nhẹ mức phạt tiền chứ không có nghĩa là nương nhẹ cho người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi vì theo quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ngoài mức phạt tiền còn có hình thức phạt kèm khác nên người dân không được chủ quan. Quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông vẫn được thực thi một cách nghiêm túc.

“Việc giảm mức phạt đối với người lái xe có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở là đề xuất hợp lý và nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo quyết định này mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng và triển khai một cách hiệu quả, cần có sự tham khảo ý kiến từ các chuyên gia và dựa trên những nghiên cứu khoa học cụ thể” - ông Định nói.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều