Việc Đồng Nai liên tục kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan trung ương mở rộng những nút giao trên quốc lộ 51 (qua địa phận Đồng Nai) đã nhận được sự đồng tình của bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai cuối tuần. Bên cạnh đó, nhiều BĐ của báo còn nhận định cần có thêm những tuyến đường khác “chia lửa” cho quốc lộ 51 khi tuyến đường này từ lâu đã quá tải.
Ngã tư Vũng Tàu (thành phố Biên Hòa) thường xuyên có tình trạng xe đông di chuyển chậm. Ảnh: M.Thành |
Cần kíp mở rộng các nút giao lớn
Quốc lộ 51 qua địa phận Đồng Nai là tuyến đường trọng điểm qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông.
Theo Sở Giao thông vận tải, quốc lộ 51 đã được đầu tư mở rộng với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, tuy nhiên số liệu khảo sát cho thấy hiện tại lưu lượng xe trên quốc lộ 51 tại một số đoạn tuyến đang trong tình trạng quá tải. Cụ thể, vào cao điểm, quốc lộ 51 đạt hơn 82,3 ngàn lượt xe/ngày đêm; trong khi lưu lượng thiết kế ban đầu chỉ 12 ngàn lượt xe/ngày đêm.
Kéo theo đó, tình trạng ùn tắc giao thông, nguy cơ TNGT thường xuyên xuất hiện tại các nút giao trọng điểm như: ngã tư Vũng Tàu và cụm nút giao Cổng 11 (đều thuộc thành phố Biên Hòa), vòng xoay đường dẫn lên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành)…
6 tháng đầu năm 2024, đoạn quốc lộ 51 qua địa phận Đồng Nai đã xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 26 người, bị thương 17 người. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục quan tâm công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa hư hỏng mặt đường trên quốc lộ 51, góp phần đảm bảo ATGT tại địa phương.
Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và Sở Giao thông vận tải thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá tình hình tổ chức giao thông ở các giao lộ trên để tìm ra các giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc, TNGT. Tuy nhiên, do lượng phương tiện tập trung tại các tuyến đường quá lớn nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và TNGT.
Do đó, từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng Đồng Nai liên tục đề nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các cơ quan trung ương sớm mở rộng các nút giao quan trọng trên quốc lộ này.
BĐ Cao Công Hậu (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) bày tỏ: “Ngã tư Vũng Tàu là nút giao thông trọng điểm của Đồng Nai, do lưu lượng phương tiện giao thông lớn nên người đi xe máy qua khu vực này luôn thấp thỏm nỗi lo va chạm với xe ô tô lớn. Vì vậy, để hạn chế tình trạng các dòng xe dừng chờ đèn đỏ kéo dài gây ùn tắc giao thông và nguy cơ TNGT, việc đầu tư điều chỉnh lại nút giao này là rất cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh lượng xe di chuyển ngày càng tăng trên các quốc lộ”.
Cùng quan điểm trên, BĐ Trần Văn Biên (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chỉ rõ, tại cụm nút giao vòng xoay Cổng 11 cũng có tình trạng lượng xe tham gia giao thông rất đông, đặc biệt là xe tải, xe đầu kéo. Mặc dù đã tổ chức giao thông lại bằng cách làm tiểu đảo, điều chỉnh pha đèn nhưng nguy cơ TNGT vẫn còn “rình rập”. Do đó, việc xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui là rất cần thiết. Các cầu vượt, hầm chui phải “đón đầu” được lượng xe gia tăng trong những năm tới để đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển của người dân trong và ngoài tỉnh.
Đẩy mạnh tuyến giao thông liên vùng
Ngày 8-8, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Tỉnh ủy Đồng Nai về tình hình kinh tế - xã hội và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, lãnh đạo Đồng Nai kiến nghị Quốc hội cho phép đầu tư ngã tư Vũng Tàu và cụm nút giao Cổng 11 theo hình thức BOT. Đồng thời, tiếp tục khai thác trạm thu phí quốc lộ 51 để đầu tư nút giao 2 nút giao trên với dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 6 ngàn tỷ đồng.
Giữa tháng 8-2024, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về đầu tư nút giao khu vực cụm nút giao Cổng 11 và ngã tư Vũng Tàu. Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nguồn lực đầu tư phân bổ cho đơn vị còn hạn chế, trong khi nguồn lực để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030 là rất lớn, đặc biệt đường bộ cao tốc và hệ thống hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, các dự án BOT trong khu vực đã dừng thu phí, việc đầu tư bổ sung 2 nút giao trên vào hợp đồng dự án BOT là không khả thi.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình cho biết, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi làm việc tại Đồng Nai cần đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các nút giao trên quốc lộ 51. Về lâu dài, khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành đi vào khai thác, đây sẽ là điểm ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng nếu không sớm triển khai xây dựng nút giao khác mức tại các giao lộ trọng điểm nói trên.
BĐ Phan Trung Kiên (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) kiến nghị, việc mở rộng các nút giao là quan trọng, tuy nhiên cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc kết nối Đồng Nai và các địa phương lân cận. Điển hình như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đặc biệt là mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Khi đó xe ô tô sẽ có tuyến đường khác để di chuyển thay vì đổ dồn trên quốc lộ 51 làm tăng tình trạng quá tải lưu lượng như trong thời gian qua.
Đại diện Sở Giao thông vận tải phân tích, để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo ATGT trên quốc lộ 51, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đường cao tốc theo quy hoạch. Chính vì vậy, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được gấp rút đầu tư xây dựng để “chia lửa” với quốc lộ 51.
Minh Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin