Sau xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, Đồng Nai sẽ ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế nông thôn, hình thành những vùng quê thông minh, nâng cao chất lượng đời sống người dân hơn nữa. Vì thế, mỗi xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 1 mô hình “ấp thông minh” do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.
Người dân dùng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc nông sản tại lễ hội trái cây Long Khánh năm 2024. Ảnh:B.Nguyên |
Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 3 xã được chọn thí điểm chuyển đổi số (CĐS) gồm: Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), Long Phước (huyện Long Thành), Xuân Định (huyện Xuân Lộc) sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương.
Thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị
NTM thông minh là đưa công nghệ số vào cuộc sống ở nông thôn nhằm thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị. CĐS gắn với NTM tập trung vào các nội dung: phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có ứng dụng công nghệ số và xã hội số trong xây dựng NTM.
Mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã đang được triển khai thực hiện.
Việc thực hiện CĐS từ cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương mà thực sự có ý nghĩa lớn trong thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị. Theo đó, các địa phương của Đồng Nai đều quyết tâm triển khai thực hiện CĐS.
Tại các xã thực hiện thí điểm mô hình NTM thông minh, thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, kết quả xử lý hồ sơ đúng hạn.
Trên địa bàn các xã đều triển khai hệ thống camera giám sát an ninh hoặc camera AI phục vụ giám sát an ninh, trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, điểm đen giao thông, trật tự xã hội. Có hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt đến cấp huyện, cấp tỉnh và Chính phủ. Các xã trên đều đã trang bị hệ thống camera hội nghị họp trực tuyến (đã tích hợp sẵn camera, loa, micro), có thể sử dụng kết hợp với các phần mềm họp trực tuyến như Zoom, MS Team... Các địa phương cũng tập trung công tác tuyên truyền, triển khai các ứng dụng, dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt... đến người dân trên địa bàn xã.
Triển khai thực hiện mô hình trên, người dân trên địa bàn các xã nông thôn được tiếp cận các ứng dụng phục vụ CĐS của chính quyền. Cán bộ ấp có ứng dụng các nền tảng phục vụ CĐS của chính quyền: kênh Zalo (UBND xã, công an xã…), kênh Facebook (các trang tuyên truyền của các đoàn thể xã), trang thông tin điện tử xã, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh,… để thực hiện hiệu quả hơn công tác thông tin, tuyên truyền.
Theo ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), UBND xã Bình Lợi đã triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. Từ khi thực hiện CĐS, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển đổi dần theo phương thức trực tuyến. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Xã Bình Lợi cũng đã bước đầu phát triển xã hội số qua việc triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy với sự tham gia của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh… Xã cũng đang nỗ lực triển khai đưa các nông sản nổi bật, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử trong người dân…
CĐS đi vào đời sống
Không chỉ các xã thực hiện thí điểm NTM thông minh mà nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã chọn CĐS trong thực hiện NTM kiểu mẫu.
Xã vùng sâu Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc vừa đạt xã NTM kiểu mẫu về CĐS. Đến nay, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn xã đạt 87,6%. Trên địa bàn xã có 65 điểm lắp đặt camera an ninh tại trụ sở UBND xã, các tuyến đường giao thông nông thôn và tại các hộ gia đình trên địa bàn xã. Qua đó, thực hiện tốt việc giám sát an ninh, trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, điểm đen giao thông, trật tự xã hội.
Ông Tạ Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết Xuân Hòa là xã vùng sâu nên khi bắt tay triển khai CĐS vào thực tế đã gặp nhiều khó khăn. Người dân không dễ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cũng như e ngại vì tình trạng lừa đảo trên các kênh mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến ngày càng phức tạp. Xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 ấp nhằm thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số. Tổ công nghệ số cộng đồng gồm các thành viên như: bí thư, trưởng ấp, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên vừa giỏi công nghệ vừa rất năng nổ trong công tác vận động. Lực lượng này tiếp cận từng người dân, hướng dẫn họ cài đặt, sử dụng các phần mềm CĐS, phần mềm thanh toán điện tử... Lực lượng trẻ của địa phương đi tiên phong ứng dụng CĐS rồi lan tỏa dần ra cộng đồng. Trong đó, công tác vận động, tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, kiên trì. Về chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, xã cũng tổ chức đội ngũ đến từng doanh nghiệp, các điểm kinh doanh hướng dẫn; đặt điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại cổng chợ để cả người bán lẫn người tiêu dùng quen dần với phương thức thanh toán này.
Hệ thống camera an ninh tại trụ sở UBND xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc giúp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn xã.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) Nguyễn Đức Nước cho hay, qua các công cụ như máy tính, điện thoại thông minh, nhiều hoạt động kết nối giữa cán bộ hội với nhau và giữa cán bộ hội với nông dân được thực hiện theo phương thức trực tuyến hoặc qua mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội. Sự kết nối với nông dân cũng kịp thời, hiệu quả hơn. Nông dân hiện nay rất quan tâm đến các kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Cửu, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn huyện có 100% doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn đã triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trong các giao dịch. Toàn huyện có gần 500 hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, dịch vụ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức quét mã QR…, góp phần công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin