Báo Đồng Nai điện tử
En

Theo chân người đi săn hái nấm rừng

Bùi Thuận
18:31, 19/07/2024

Mới 5h sáng, khi bầu trời phố núi Bảo Lộc còn dày đặc sương mù, thì nhóm đi hái nấm rừng chúng tôi đã vội vã lên xe trực chỉ Đà Lạt.

Khu rừng thông Xuân Thọ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Bùi Thuận
Khu rừng thông Xuân Thọ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Bùi Thuận

Trưởng nhóm là ông Võ Thành Nhân - dân Biên Hòa chính gốc, nhưng đã nhiều lần được bạn bè người bản địa dẫn đi hái nấm rừng nên rất thông thuộc địa hình, cũng như am hiểu cách phân biệt loại nấm ăn được và nấm độc.

Ông Nhân cho biết, đi săn hái nấm phải vào rừng cho thật sớm, nhất là vào những ngày cuối tuần có khá nhiều nhóm gia đình, bạn bè người địa phương hoặc du khách cũng tranh thủ đi kiếm… “lộc rừng”; sau đó lại phải cố gắng ra khỏi rừng vào khoảng 10h vì từ lúc đó đến chiều tối là thời gian “hành sự” của ông Trời; mưa trên vùng cao nguyên Lâm Viên thường rất lớn và kéo dài lê thê.

Hơn 7h, chúng tôi có mặt tại khu rừng thông Xuân Thọ nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, tiếp giáp với thành phố Đà Lạt. Đây là một trong những địa điểm được dân săn hái nấm rừng cho là có nhiều “lộc trời” nhất trên vùng đất Nam Tây Nguyên này cùng với rừng thông hồ Tuyền Lâm và rừng thông Suối Vàng.

Tiếng reo vui trong rừng thông

Quả đúng như dự đoán, bên sườn đồi phía trong khu rừng thông cổ thụ này, tôi đã nghe thấy lao xao tiếng cười nói của 2-3 nhóm đi săn hái nấm đã vào trước đó.

Kinh nghiệm đi tìm hái nấm mối “mùng 5” ở  các vườn trái cây xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho tôi thấy, không phải cứ đến trước là có thể thấy được loài thực vật tự nhiên này. Nhiều khi ông đi chậm đến sau lại… “hốt ổ”; nên tôi cứ xăm xăm nhắm vào các mô đất cao cao để mong thấy một đám trăng trắng lô nhô nằm trên mặt đất; nhưng kiếm hoài không thấy vì bên dưới những hàng thông già là các đám cỏ xanh cao chừng 40-50cm.

Thấy tôi cứ lơ ngơ đi tìm, ông Nhân bèn chia sẻ kinh nghiệm là rừng thông Xuân Thọ vào đầu mùa mưa thường có các loại nấm kaki, trứng gà, gan bò… thường mọc bên dưới các khe nước. Y lời, tôi rời đỉnh cao, bước xuống phía sườn đồi lần theo một vệt nước chảy, đã tóm được một tai nấm kaki vàng to bằng miệng chén. Cùng lúc tôi nghe tiếng reo vui của mấy cô gái trong nhóm du   khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa phát hiện ra một tai nấm.

Hái nấm.
Hái nấm.

Đến khoảng 9h, nhóm “thợ săn” chúng tôi đã hái được một giỏ nấm đầy, phần nhiều là nấm kaki vàng và đen. Trưởng nhóm đề nghị chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến khu rừng thông nằm cạnh một đường hầm xe lửa sát với Dốc Đu - nơi mà theo ông, khu rừng này có nấm san hô.

Sau nửa giờ săn tìm, chỉ thu hoạch được vài tai nấm kaki vàng, tôi gặp được ông Phạm Văn Sơn, người dân cố cựu ở Dốc Đu (tổ 8, thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ). Ông Sơn cho biết: “Ở khu rừng này, đầu mùa mưa có nhiều loại nấm lắm. Hai ngày trước có rất nhiều người kéo vào đây hái nấm, chủ yếu là nấm kaki. Phải hơn tuần nữa mới có nấm san hô”. 

Vậy là trên vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng, ngoài du lịch Đà Lạt, nghỉ dưỡng Bảo Lộc, còn có một thú vui khác nữa là đi săn hái nấm rừng. Vừa được hít thở không khí trong lành trong rừng thông xanh mát, vừa có được niềm vui bất chợt của người trúng số khi phát hiện trong đám cỏ dưới gốc thông già một “lộc trời” vừa nhú ra từ mặt đất và khoái hơn nữa là được ngồi thưởng thức hương vị “độc lạ” của một sản vật núi rừng vùng cao.

Phân biệt các loại nấm rừng

Qua tìm hiểu, tôi biết được vào mùa mưa (khởi từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm) trong những khu rừng thông ở Lâm Đồng mọc rất nhiều loại nấm, phổ biến như: nấm trứng gà (chưa nở tròn và vàng như lòng đỏ trứng gà) được nhìn thấy nhiều ở rừng thông hồ Tuyền Lâm và Suối Vàng. Nấm gan bò (gốc nấm màu vàng nhạt, thân chuyển màu cam đậm dần lên quả thể; khi miết tay lên thân nấm hay quả thể nấm chuyển màu tím đậm gan bò) mọc rải rác, rừng thông nào cũng có. Nhiều nhất và phân bố rộng nhất là nấm kaki vàng, đen. Ngoài ra, còn có các loại nấm: san hô, ngo xanh, gạch, xơ mít… Đặc biệt hơn cả là nấm chẹo, được dân săn hái nấm mệnh danh là… “vàng của rừng”, không những vì sắc màu độc đáo (mặt nấm màu hồng có đốm đen) mà còn vì chất bổ dưỡng cao và hiếm gặp trong rừng thông; chủ yếu mọc trong rừng chẹo hay rừng dẻ, nên có khi dân săn nấm còn gọi là nấm dẻ đỏ.

Thú vui đi săn hái nấm rừng vào mùa mưa không những thu hút cư dân bản địa mà gần đây còn lôi kéo cả du khách gần xa, nhất là giới trẻ thành thị thích trải nghiệm, kiếm tìm cảm giác mới.

Mấy tay săn nấm lâu năm ở Đà Lạt còn cho tôi biết: phải trực tiếp đi hái nắm vài lần mới nhận diện cụ thể được từng loại nấm rừng và đặc biệt là phải biết phân biệt cho được các loại nấm ăn được và nấm độc.

Theo kinh nghiệm có được của dân săn nấm rừng, nấm ăn được thường có màu sắc rõ ràng, thân nấm mập chắc, quả thể dày. Còn nấm độc có màu đồng nhất từ gốc nấm đến quả thể, hoặc là trắng như vôi, hoặc là vàng như bột nghệ. Đặc biệt là có phấn hoặc đốm hay vẩy ở thân và trên quả thể, phía dưới mũ nấm độc thường có nhiều lá tia rõ sâu và đều.

Việc phân biệt nấm ăn được và nấm độc là rất quan trọng đối với người săn hái nấm rừng, nhưng không hiểu sao mà mùa nấm năm rồi, có đến 12 người ở Di Linh phải nhập viện cấp cứu vì ăn phải nấm độc. Do vậy, khi ngồi trước dĩa nấm rừng xào thơm phức (trong đó có mấy tai nấm do mình tự tay hái), ban đầu tôi cũng hơi e dè, nhưng sau đó thì “mần” thật mạnh miệng, nhất là khi nghe ông hàng xóm - một “ thổ địa” của xứ sương mù cho rằng: “Nấm rừng thông xào cuốn bánh tráng rau sống thì ngon không sao kể xiết!”; thì những người lần đầu đi hái nấm như tôi càng thêm hăng hái gắp. Ông còn cho biết thêm: “Nấm rừng thông còn được chế biến thành nhiều món khác nữa, rất hấp dẫn!”

 

Bùi Thuận

Từ khóa:

bầu trời

Tin xem nhiều