Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng niu từng dòng lưu niệm...

Văn Truyên
08:35, 27/07/2024

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng những lá thư, dòng lưu niệm, vật dụng hay những tấm ảnh của các liệt sĩ khi còn sống gửi về cho gia đình… vẫn được thân nhân các liệt sĩ trân trọng gìn giữ.

Cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Nhuận (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) bên cuốn lưu bút, thư từ của đồng đội viết cho ông từ năm 1972 đến năm 1979. Ảnh: V.Truyên
Cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Nhuận (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) bên cuốn lưu bút, thư từ của đồng đội viết cho ông từ năm 1972 đến năm 1979. Ảnh: V.Truyên

Không chỉ lưu giữ cho riêng gia đình, thân nhân các liệt sĩ còn tặng hoặc cho các đơn vị mượn để trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Điều này góp phần bảo quản tốt hơn các hiện vật có giá trị lịch sử cũng như tuyên truyền về tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Hẹn ngày chiến thắng trở về

Cựu chiến binh và cũng là cựu tù chính trị bị địch bắt tù đày Huỳnh Ngọc Nhuận (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) hiện đang lưu giữ những kỷ vật là bút tích của đồng đội từ năm 1972 đến năm 1979 viết để trao đổi, động viên nhau khi lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu.

Những lưu bút, thư từ của đồng đội viết cho cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Nhuận.

Trong lưu bút được người đồng đội Hồng Hoang viết cho ông Nhuận năm 1971 có đoạn hẹn ngày chiến thắng gặp lại nhau: “Giờ phút chia tay biết nói gì đây, mình thành thật viết vài dòng chữ nhỏ… Hôm nay em lại lên đường làm nhiệm vụ, anh thành thật chúc em mang những truyền thống của quê hương làm nên chiến thắng vẻ vang… Sau ngày chiến thắng, em nhớ ghé nhà anh chơi em nhé?”

Một lời hẹn gặp sau ngày đất nước thống nhất khác cũng được người đồng đội Trần Quang Tho (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) viết cho ông Nhuận ngày 3-9-1972: “Ngày mai đất nước thanh bình, nếu anh em mình còn thì gặp nhau trên đất Bình Định. Anh yêu quý của em. Trần Quang Tho”.

Trong số hàng trăm bức thư, thủ bút lưu niệm, một bức thư được ông Nhuận rất trân trọng do đồng đội viết cho ông trước lúc vượt ngục Phú Quốc về với đơn vị. Theo ông Nhuận, năm 1968 ông bị địch bắt rồi sau đó đày ra nhà tù đế quốc ở Phú Quốc. Đêm 12-5-1971, ông cùng 26 đồng đội khác tổ chức vượt ngục. Đoàn vượt ngục xác định nếu không thành công thì cầm chắc cái chết. Biết tin này, đồng đội viết cho ông lá thư trên mảnh giấy nhỏ xé từ thùng các-tông, túi mực của con mực được sử dụng làm nước viết. Trong thư, đồng đội nhắn gửi:

“Kỷ niệm thô sơ trong vòng lao lý,

Nhận được tin như dao cắt quả tim

Chiều nay nhớ mãi ngày mai đó

Khuất bóng người anh ở chốn này”.

Một thủ bút khác mà ông Nhuận còn lưu giữ mà theo ông đó là minh chứng cho việc ông tiếp tục được tổ chức công nhận sau thời gian chịu đày ải nơi nhà tù đế quốc. Đó là Quyết định do Chủ nhiệm Cục chính trị Lê Chân ký tháng 4-1973 với 3 nội dung, gồm: “Công nhận là quân nhân giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam giữ nguyên cấp bậc cũ: Trung đội phó, tuổi quân tính liên tục. Công nhận Đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam - tuổi đảng chính thức đúng thời gian quy định thành phần (trung nông). Phòng tổ chức, Phòng cán bộ và đồng chí Huỳnh Ngọc Nhuận chiếu quyết định”.

Theo thống kê của Sở Lao động, thương binh và xã hội, tỉnh đang quản lý trên 57,7 ngàn hồ sơ người có công và thân nhân người có công.
 

Theo người đảng viên với 75 năm tuổi đời, 57 năm tuổi đảng Huỳnh Ngọc Nhuận, lưu bút này được ông gìn giữ để nhớ về bạn bè, đồng đội một thời đã xa. Trong số những người viết thư, lưu bút, có người đã hy sinh trong chiến đấu, có người sau giải phóng đã mất vì tuổi cao và số người còn sống như ông không nhiều. Do vậy, đây là những kỷ vật ông luôn trân trọng.

Gần đây, khi các bảo tàng ở Đồng Nai, Kiên Giang tìm đến sưu tập kỷ vật chiến tranh, ông đã hiến tặng, đồng thời tự photo cho mình một bộ những bức thư này và giữ một số hiện vật gốc cho riêng mình. “Mình giữ gìn cũng chỉ cho mình mình và gia đình. Nhưng nếu được cơ quan có chuyên môn xử lý, bảo quản thì tuổi thọ hiện vật sẽ lâu hơn và nhiều người biết về tình cảm những người lính dành cho nhau trong những thời điểm sinh tử của cuộc chiến”- ông Nhuận chia sẻ.

Lưu giữ 2 ngàn hiện vật kháng chiến

Bảo tàng Đồng Nai hiện đang lưu giữ khoảng 2 ngàn hiện vật thời kỳ kháng chiến, gồm: hiện vật của các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ từng tham gia kháng chiến, một số loại vũ khí và quân trang của các lực lượng cách mạng trong kháng chiến… Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện 2 cuộc triển lãm nhằm đưa những hiện vật này giới thiệu đến công chúng.

Năm 2014, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đầu tiên của cả nước đã bàn giao cho Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam một số hình ảnh, tài liệu và 10 hiện vật liên quan đến các Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu tỉnh Đồng Nai, gồm: 2 chiếc áo dài, khăn len, bộ quần áo bà ba đen, quần bà ba trắng, tranh thêu, ché đựng gạo, thẻ căn cước, cối xay bột bằng đá và lá đơn xin lãnh xác chồng của con dâu Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Dành gửi cho thiếu tá Quận trưởng quận Công Thanh, tỉnh Biên Hòa vào ngày 1-1-1971.

Số hiện vật này được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng ở thành phố Tam Kỳ.

Lê Loan - Sông Thao

Những kỷ vật vô giá

Hòa thượng Thích Minh Ngạn, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh là con trai Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhiễu. Ông chia sẻ, mẹ ông có 5 người con, trong đó có 2 người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2020 khi tròn 100 tuổi, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2022, mẹ Nhiễu qua đời.

Khi còn sống, sau những giờ kinh kệ (mẹ Nhiễu là nhà tu hành Phật giáo), mẹ Nhiễu cùng ông hay đưa những di vật còn sót lại là tấm ảnh thời niên thiếu, huân huy chương, giấy báo tử… của 2 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến ra nhìn ngắm. “Ở những thời điểm cuối đời, dù bị lẫn do tuổi già nhưng mẹ tôi vẫn nhớ từng kỷ vật của người con nào” - hòa thượng Thích Minh Ngạn nói.

Cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Nhuận cùng Quyết định do Chủ nhiệm Cục Chính trị Lê Chân ký tháng 4-1973 với nội dung khẳng định ông Nhuận tiếp tục được tổ chức công nhận sau thời gian chịu đày ải nơi nhà tù đế quốc.
Cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Nhuận cùng Quyết định do Chủ nhiệm Cục Chính trị Lê Chân ký tháng 4-1973 với nội dung khẳng định ông Nhuận tiếp tục được tổ chức công nhận sau thời gian chịu đày ải nơi nhà tù đế quốc.

Theo hòa thượng Thích Minh Ngạn, hiện ông đang tìm kiếm, sưu tập lại những kỷ vật của các liệt sĩ trong gia đình và của mẹ Nhiễu để trưng bày ở một góc nhỏ trang trọng, giúp người thân trong dòng họ cùng lưu giữ ký ức của những người đã khuất có công với dân, với nước.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hảo (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) có chồng và 2 con là liệt  sĩ. Ông Ngô Văn Thuận, cựu chiến binh và là con trai Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hảo, chia sẻ cha và anh trai ông hy sinh đã tìm ra hài cốt. Riêng chị gái ông đến nay hài cốt vẫn chưa trở về với gia đình. Đây là điều cả nhà mong ngóng hàng ngày.

Ông Thuận kể: “Khi anh trai hy sinh, đơn vị có chuyển về cho gia đình một số vật dụng, trong số này có chiếc radio. Tôi nhìn chiếc radio mà nhớ về anh mình. Tôi hay đem chiếc máy ra để lau chùi, bật nghe. Riêng chị tôi thì không có kỷ vật gì ngoài giấy báo tin và chứng nhận có nội dung: “Kính gửi bà Nguyễn Thị Hảo. Chúng tôi rất thương tiếc báo tin và chứng nhận đồng chí Ngô Thị Năm, sinh năm 1946, Tiểu đội phó Tiểu
đoàn 17, Sư đoàn 2… đã hy sinh ngày 20-5-1968… được xác nhận là liệt sĩ…”.

Cũng theo ông Thuận, ở vùng quê miền Trung nắng gió, nước lũ dâng lên tới nóc nhà nên hiện vật của cha, anh, chị lần lượt bị hư hỏng. Khi vào Đồng Nai sinh sống, ngoài các phiếu lĩnh tiền chế độ, giấy công nhận gia đình có công… ông luôn lưu giữ giấy báo tin hy sinh và chứng nhận liệt sĩ của chị mình. Cả nhà luôn trân trọng và xem đây là thông tin, kỷ vật duy nhất của chị để lại với gia đình.

“Mong muốn của cả nhà là làm sao hài cốt chị được xác định để trở về với gia đình vì nay mẹ tôi đã 104 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhiều nên không còn thời gian chờ đợi nữa” - ông Nhuận bộc bạch.

 

  Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Tìm hiểu quà tặng trống đồng lưu niệm