42 câu chuyện thật, nhân vật thật đong đầy cảm xúc về lòng yêu thương và nghị lực vượt qua gian khó từ nhiều nơi trong xã hội được tập hợp trong ấn phẩm đặc biệt Lời nói làm nên cổ tích - Quyển 2 do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 7-2024.
Đó là những câu chuyện có thật về sức mạnh của tình yêu thương được tái hiện lại qua những trang viết, với hy vọng “sưởi ấm những trái tim, tin vào chuyện cổ tích đời thường”.
Lòng yêu thương lấp đầy trái tim
Kỳ thực, Lời nói làm nên cổ tích không chỉ phản ánh “cuộc sống màu hồng” theo lý thuyết suôn. Những nhân vật và chuyện kể trải qua nhiều cung bậc cuộc đời, có niềm đau, có mất mát, có bồi hồi và trầm tư. Nhưng cũng vì vậy mà người đọc bị thuyết phục và đồng cảm hơn bao giờ hết với những khoảnh khắc tình người, sự ấm áp của sẻ chia, niềm xúc động của tình cảm gia đình, bạn bè và hạnh phúc của lòng nhân ái bao la.
Thông điệp của tập sách là: “Khi lời nói đi từ trái tim đến trái tim sẽ làm nên điều kỳ diệu”. |
Đó là những câu chuyện người thật, việc thật như: Chuyện về Yên ve chai; Bích Trường, con gái của ba Huỳnh Tám; Má Huệ giữ xe… Bạn đọc sẽ thấy họ đều là những người rất đỗi bình thường trong xã hội, đều có nỗ lực mưu sinh thường ngày, song đều có những nghĩa cử đáng kính trọng và hành động thiện nguyện như một lẽ sống ở đời.
Đó còn là những lát cắt cuộc sống ngợi ca công ơn cha mẹ, sự báo hiếu, tình nghĩa anh chị em ruột rà thông qua những câu chuyện như: Con dù già... vẫn là con của ba má; Chuyện hai người mẹ; Kim Anh của mẹ nay đã lớn; Giữa lòng Ánh Dương; Hoa trong lòng người em gái, Em đánh vần, anh ghép chữ…
Những nhịp cầu nhân ái
Thật thú vị và cảm kích khi chúng ta đọc về chuyện những người con xây cầu tặng cha, tặng mẹ, tặng chồng, tặng chị… Dù những người thân còn sống hay đã khuất, thì sự hiện diện của những cây cầu được làm nên là để phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân địa phương, đóng góp cho xã hội. Những nhịp cầu trở thành biểu tượng của tình yêu thương và lòng nhân ái đâm chồi nảy lộc ở mọi miền đất xa xôi - nơi có những bờ tre già, bên rặng núi, ngọn đồi, dòng suối hay bờ kênh…
Những ngày sống trong bệnh viện
Phần cuối của Lời nói làm nên cổ tích - Quyển 2 là những trang nhật ký nhiều xúc động ghi chép từ bệnh viện. Đó là cuộc chiến vượt qua bệnh tật và lằn ranh sinh tử của bệnh nhân. Đó là nỗ lực cứu người từ các y bác sĩ, điều dưỡng. Hình ảnh Quân - người chồng vệ sinh, tắm rửa cho vợ tên Hồng Thúy bị bạo bệnh. Cuối cùng, sau 13 ngày “chiến đấu để được sống”, với gần 4 lít máu được truyền vào cơ thể, như có một phép màu giúp Thúy tỉnh hẳn và xuất viện. Nữ bệnh nhân này lại nghĩ đến công việc thiện nguyện cùng chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt…
Trong Tất Ngọc Yến - “Lọ lem” trên nước Mỹ, người đọc cảm phục cô gái quê Mỹ Tho mưu sinh trên đất Mỹ bằng bán bánh mì thịt Việt Nam, để rồi trở về quê hương với tâm nguyện “mỗi năm sẽ xây một cây cầu” nối liền những bờ sông.
Cầu Định Hiền 3 ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) khánh thành tháng 7-2024 từ nguồn kinh phí hơn 272 triệu đồng từ chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt. |
Còn trong câu chuyện Cầu Cửa Tả ký ức 35 năm!, người đọc cảm động khi biết rằng “cầu Cửa Tả gồng gánh những ký ức buồn. Nay, mãi mãi khép lại”. Những vết thương, ký ức buồn đã được chữa lành.
“Sau tất cả, điều cuối cùng mà mỗi người dành cho nhau, há chẳng phải cũng chỉ là tình thương thôi sao?” - khép lại tập sách bắt nguồn từ chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt (Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) mà trong lòng người đọc cảm thấy nhiều ấm áp. Như diễn giả Nguyễn Phi Vân từng viết: “Ta đến trần gian để làm gì. Nếu không phải để yêu thương”.
Cẩm Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin