Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch ở tỉnh Biên Hòa xưa: Hành trình thứ nhất - hướng về Trung Kỳ

Nguyễn Văn Phúc
08:41, 27/07/2024

 

Như đã giới thiệu ở số báo trước, cách đây tròn 100 năm, ông R. Robert, Phó chánh Tham biện dân sự của Đông Dương là tác giả cuốn sách Địa chí tỉnh Biên Hòa. Trong sách, những chuyến hành trình được ông mô tả chi tiết, chân thật và thú vị...

Đường tránh xe lửa gần cầu Ghềnh.
Đường tránh xe lửa gần cầu Ghềnh.

 

Chính bằng con đường thuộc địa số 1 mà người ta tiến vào lãnh thổ Biên Hòa, đi từ Sài Gòn và Gia Định. Sau khi lên đến cao nguyên Thủ Đức qua nhiều con đường lượn quanh, người ta đến đỉnh cao nhất ở một ngã tư có cây sao khổng lồ bao quanh, từ đó phóng tầm nhìn toàn bộ xuống vùng hạ lưu của sông Đồng Nai. Ở cuối chân trời, khi trời trong, người ta có thể đưa mắt nhìn đến tận núi của Vũng Tàu và Bà Rịa, và xa hơn nữa ở phía Bắc đến tận hình chiếc nón của núi Chứa Chan. Chính ở đây thì chúng ta mới vào tỉnh Biên Hòa.

 

Hàng cây sao cao đến gần 60 mét nằm bên quốc lộ 1.
Hàng cây sao cao đến gần 60 mét nằm bên quốc lộ 1.

 

Từ đó bằng một đường thẳng tắp dài 5km, con đường đến bờ sông xuyên qua cánh đồng có ruộng rải rác, được chia cắt bằng lũy tre, cụm cây dừa, cây cau và cây xoài. Sau khi vượt qua bên phải những ngọn đồi rậm rạp cây cối Châu Thới và núi Blanchy, con đường băng qua làng Bình Long. Sau đó con đường bộ nối với đường sắt và vượt qua dòng chảy hùng vĩ với làn nước xanh trong và êm ả của sông Đồng Nai bằng 2 cây cầu, bằng cách đi theo hòn đảo lớn trù phú của cù lao Phố. Cần lưu ý khi băng qua hòn đảo đó, được bao quanh bởi một bụi cây cao lớn, có ngôi chùa Nhị Hòa (chùa Đại Giác) - chùa nổi tiếng trong khắp cả Đông Nam Kỳ và là nơi tụ tập sư sãi và đông đảo tín đồ ở những buổi lễ hàng năm. Sau đó người ta đến tỉnh Biên Hòa, ẩn mình trong cây xanh, trước những gò thấp được cây xanh che phủ.     

 

Một nhà máy chế biến cao su ở Công ty Suzannah, nằm gần quốc lộ 1.
Một nhà máy chế biến cao su ở Công ty Suzannah, nằm gần quốc lộ 1.

 

Bỏ lại thành phố ở bên trái, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình bằng đường thuộc địa số 1 hướng về ranh giới Trung Kỳ. Đi ngang qua vài thửa ruộng, khi vừa ra khỏi Biên Hòa, ngay lập tức chúng ta đến vùng rừng non được các đồn điền cao su cắt đây đó qua ngã một cao nguyên dốc thoai thoải. Qua khỏi cơ sở bao la của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, chúng ta đột ngột tiến vào khu rừng lớn. Khu rừng này sừng sững như hai bức tường thành, ở mỗi bên của con đường, rừng cây to cao và tối sầm với vẻ bí hiểm do dây leo chằng chịt dưới tán rừng và tre nứa, lác đác chỉ có vài khoảng rừng trống đây đó...

Con đường vào nhà ga Trảng Bom.
Con đường vào nhà ga Trảng Bom.

 

Trong gần khoảng 25km, chúng ta đi mãi trong rừng. Tại Trảng Bom có công trường của Công ty B.I.F. Đất bắt đầu lượn sóng thấp theo từng đợt liên tiếp.

Phía bên kia một thung lũng sâu hơn được bao quanh bởi những cánh đồng cỏ xanh tươi, xinh đẹp trên nền tối màu sẫm của rừng. Phong cảnh này gợi nhớ lại một cách kỳ lạ một số thung lũng của vùng Jura, người ta tiến vào vùng đất đỏ và những đồn điền lớn: Suzannah, An Lộc trải dài trên hơn 12km, ở mỗi bên của con đường là những hàng cây cao su sâu hun hút, cây cọ, cây cà phê của đồn điền…

Ở Xuân Lộc (cách Biên Hòa 45km, cách Sài Gòn 80km), con đường rẽ về hướng Nam.

Người dân tưới cây bằng nước giếng ở Xuân Lộc.
Người dân tưới cây bằng nước giếng ở Xuân Lộc.

 

Chúng ta lại tiếp tục đi giữa rừng nhưng trước khi vào đó, người ta nhận thấy, ở trên vòm cây, bóng dáng sừng sững của núi Chứa Chan. Rừng ở đây rực rỡ, toàn là quần cư của cây bằng lăng, nhất là khi đi qua khu rừng dự phòng Bảo Liệt. Ở một khúc quanh của con đường, tầm nhìn người ta bị thu hút bởi  một rừng trống, mặt trước có một con suối đẹp chảy ngang qua với làn nước nhảy múa và cây cao hùng vĩ bên bờ; ở phía cuối, mõm phía Nam của núi Chứa Chan được che phủ từ đầu đến chân bởi cây xanh dày đặc nhất, xanh tươi nhất mà người ta có thể tưởng tượng. Tất cả tạo thành một bức tranh cân đối tuyệt mỹ nhất để cám dỗ ngọn bút chì của người họa sĩ hoặc ống kính của một nhiếp ảnh gia. 

Nhà của giám đốc  Công ty Cao su Xuân Lộc.
Nhà của giám đốc Công ty Cao su Xuân Lộc.

 

Sau khi bỏ lại, ở phía bên trái của chúng ta, con đường của cơ sở phái viên hành chánh ở núi Chứa Chan và ở Gia Ray, cũng như con đường được mở gần đây hướng về Võ Đắc, chúng ta lại đi sâu vào rừng trở lại. Bây giờ rất nhiều đồi được rừng che phủ đã lộ ra ở phía trên những rừng cây to; có những con suối nhỏ lưu thông khắp nơi, và những bụi cây cọ đầu tiên mọc xen lẫn với tre và dây leo thành rừng cây dày đặc; những chiếc lá hình cánh quạt khổng lồ, tuyệt đẹp, với màu xanh rực rỡ, nổi bật trên mớ hỗn độn chằng chịt của tầng dưới rừng. Vài khúc đường lượn quanh nữa, một con đường khá dốc, và ở cây số 108 + 645 cây cầu thứ nhì trên suối Gia Huynh.

Ba đến bốn giờ xe hơi đủ để làm cuộc hành trình rất thú vị đó với tốc độ vừa phải.

  Nguyễn Văn Phúc

Tin xem nhiều