Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo nghề nuôi ong Dú rừng

Bình Nguyên
19:00, 19/07/2024

Ong Dú là giống ong bản địa, đặc trưng của các nước nhiệt đới. Loài ong này có kích thước nhỏ như con muỗi nên có thể lấy mật ở những cây cỏ, cây dược liệu có hoa nhỏ li ti mà ong mật có kích thước lớn không thể lấy được. Đây là đặc sản mật ong thiên nhiên có dược tính cao, hiếm có khó tìm nên có giá bán rất cao.

Anh Nguyễn Anh Khoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông nghiệp Bách Hợp, xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh giới thiệu những khu trưng bày sản phẩm của nông trại. Ảnh: B.Nguyên

Anh Nguyễn Anh Khoa, người thanh niên trẻ lập nên Tổ hợp tác Nông nghiệp Bách Hợp (Nông trại Bách Hợp, tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) với mô hình khởi nghiệp xây dựng nông trại sinh thái vườn rừng theo hướng bền vững, tạo ra nhiều loại nông sản tự chế biến mang đậm bản sắc địa phương với quan điểm “Think Global, Eat Local”. Trong đó, mật ong Dú là một trong những đặc sản không đụng hàng của nông trại.

Tạo môi trường thiên nhiên cho ong Dú về làm tổ

Học chuyên ngành công nghệ sinh học nên anh Khoa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2012, anh đầu tư mô hình Trồng cây ăn trái và chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch tại huyện Xuân Lộc. Năm 2019, anh mua gần 3 hécta đất, đầu tư mở rộng một số mô hình sản xuất ở ấp Tân Phong, xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh.

Thời đó, vùng đất này còn khá hoang sơ, diện tích rừng còn nhiều, đặc trưng địa hình vùng đồi, đất đá nên làm nông nghiệp không thuận lợi bằng những vùng đất màu mỡ khác. Cây trồng trên vùng đất này sinh trưởng lâu hơn, năng suất không thể đua với những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Biến bất lợi thành thế mạnh, anh đầu tư mô hình vườn rừng theo hướng sinh thái, chọn làm các sản phẩm đặc sản ít đụng hàng, chất lượng tốt, mang lại giá trị cao.

Trong đó, mật ong Dú là đặc sản hiếm có được Nông trại Bách Hợp đầu tư. Không chỉ khu vực đất rừng xung quanh hoa cỏ dại mọc nhiều, ngay trong đất vườn ở Nông trại Bách Hợp vẫn giữ được môi trường thiên nhiên trong lành, đa đạng hoa cỏ dại cho ong về làm mật. Từ những tổ ong Dú đầu tiên, đến nay, anh Khoa dần gây dựng được khoảng 200 tổ ong Dú ở nông trại và đang tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới.

Anh Khoa chia sẻ: “Do đây là loài ong rừng nên không có giáo trình nào chỉ về kỹ thuật nuôi. Tôi tự mày mò tìm hiểu, làm những tổ sẵn trong vườn rừng để ong về sinh sống. Thời gian đầu, tôi thường bỏ thời gian theo hành trình con ong đi tìm mật, tìm hiểu tập tính của loài ong rừng này. Tuy để ong sinh trưởng trong môi trường thiên nhiên nhưng mình phải theo sát, khi cần thì che nắng, che mưa cho từng tổ ong, bảo vệ ong trước các loài thiên địch”.

Nhờ Nông trại Bách Hợp tạo được môi trường vườn rừng thiên nhiên nên gọi là nuôi nhưng mật ong Dú ở đây đảm bảo 100% nguyên chất từ thiên nhiên. Mật ong này có vị chua thanh đặc trưng, thơm mùi hoa cỏ, đặc biệt có hàm lượng dược tính cao. Ong Dú cho sản lượng mật rất ít. 1 tổ ong Dú để cả năm, khai thác 2-3 lần chỉ thu được gần 200ml mật nên sản lượng mật nông trại thu hoạch được khá ít, chỉ khoảng 50 lít mật/năm.

Ngoài nuôi ong Dú, Nông trại Bách Hợp còn nuôi ong ruồi thu mật. Dù với mật ong nuôi, sản phẩm của nông trại Bách Hợp vẫn rất đặc biệt vì là mật ong chín. Theo anh Khoa, khi con ong lấy mật từ hoa về làm ra mật, người nuôi thường cho thu hoạch ngay. Nhưng Nông trại Bách Hợp lại để mật trong tổ lâu hơn, chờ loài ong quạt cánh cho mật sánh đặc mới thu. Bởi mật ong chín có thể bảo quản được lâu, chất lượng cũng thơm ngon với độ dinh dưỡng cao hơn.

Đặc biệt, với con ong Dú, đặc thù của giống ong này là con ong lấy rất nhiều keo ong để kiến trúc nên tổ. Keo ong được biết đến là một hỗn hợp các chất cao phân tử từ thực vật, có dược tính cao giúp tăng đề kháng và sức khỏe cho người sử dụng. Mật ong Dú được trữ trong những túi mật cấu tạo từ keo ong và sáp ong nên cũng chứa thêm nhiều thành phần dược tính tương tự. Nhờ đó, đặc sản này đang được nông trại bán ra với giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/lít tùy thời điểm.

Gần 10 năm nay, anh Nguyễn Anh Khoa đã tham gia các kênh bán hàng online. Hiện ngoài kênh bán hàng cá nhân, anh đã xây dựng kênh bán hàng của Nông trại Bách Hợp với mong muốn đưa các đặc sản địa phương tiếp cận đến khách hàng khắp mọi miền đất nước.

Đầu tư chế biến đặc sản quê

Hơn 10 năm gắn bó với nông nghiệp, anh Khoa không ít lần đi tiên phong thử nghiệm những mô hình mới như: nuôi dê lấy sữa, trồng chanh dây xuất khẩu đi thị trường khó tính, trồng thanh long ruột đỏ... Dù phải trả giá rất nhiều để học những bài học mới nhưng anh vẫn luôn chọn cho mình hướng đi riêng vì không muốn làm nông theo phong trào.

Chính vì vậy, khi đầu tư nông trại ở Hàng Gòn, anh bỏ ra nhiều năm để sưu tầm và trồng thử nghiệm nhiều giống cây ăn trái đặc sản bản địa hoặc những giống gốc của Việt Nam hiện nay đang dần mai một trên thị trường. Cụ thể với cây sầu riêng, hiện nông trại có bộ sưu tập hơn 10 giống đặc sản bản địa như: chuồng bò, Sáu Hữu, Ri 5, sầu riêng hạt, Chín Hóa, lép Long Thành... Anh cũng trồng được khoảng 500 gốc cà phê mít (còn gọi là giống Cherry) có kích thước cây và lá khá giống với cây mít. Nét rất riêng của giống này là vị không quá đắng, chát, mùi thơm nhẹ của trái cây.

Tổ ong Dú.
Tổ ong Dú.

Theo anh Khoa: “Tôi bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc sưu tầm, trồng thử nghiệm các giống đặc sản ít có trên thị trường còn vì muốn góp phần bảo tồn được các giống bản địa của Việt Nam. Ngoài ra, tôi muốn để người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức sự đa dạng của các đặc sản địa phương”.

Kể về hành trình dài gắn với nghề nông, anh Khoa đúc kết: “Làm nông nghiệp mà không gắn với câu chuyện đầu tư chế biến, chủ động được cả khâu thương mại thì rất khó thành công bền vững. Chính vì vậy, ngay trước khi đầu tư nông trại ở Hàng Gòn, tôi đã xác định làm vườn đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái với trọng tâm là chế biến được các đặc sản thế mạnh của địa phương cung cấp ra thị trường”.

Năm 2024, Tổ hợp tác Nông nghiệp Bách Hợp được thành lập, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, giới thiệu ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản như: mật ong Dú, mật ong Du Mục, tinh dầu bưởi, tinh dầu sả, các loại cà phê chế biến. Tiệm cà phê Country Hill nằm trong khuôn viên nông trại vừa là nơi du khách, người tiêu dùng đến thưởng thức cà phê vừa là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của nông trại.

Các sản phẩm của nông trại đều được trồng, sơ chế, chế biến và đóng gói quy mô nhỏ tại nông trại. Sản phẩm mang nhiều nét đặc trưng, bản sắc của địa phương xã Hàng Gòn nói riêng, thành phố Long Khánh nói chung. Theo anh Khoa, Hàng Gòn là vùng trồng cà phê truyền thống, chủ yếu là giống Robusta sẻ xưa. Chính vì vậy, Nông trại Bách Hợp đang cung cấp ra thị trường loại đặc sản cà phê đồi không chỉ độc đáo vì chủ yếu sử dụng giống cà phê truyền thống mà còn tỉ mỉ ở khâu chế biến. Anh Khoa so sánh:  “Nông trại chúng tôi yêu cầu gắt gao từ khâu thu hái là chỉ tuyển lựa trái chín. Khi làm ra hạt cà phê lại tiếp tục được tuyển lựa để chỉ chọn những hạt ngon trước khi đem rang. Quá trình chế biến là rang xay mộc, không trộn, tẩm thêm bất kỳ gia vị hay thành phần nào khác. Từ hơn 7 năm trước, tôi đã bỏ tiền mua tên miền caphechin.com vì nghĩ đến việc sẽ xây dựng nhãn hàng, thương hiệu riêng cho nông trại về dòng sản phẩm cà phê chế biến”.

Khát vọng của chàng trai trẻ này là hợp tác được với những người con có tri thức, có tâm huyết lập nghiệp trên mảnh đất quê hương; đồng thời tạo môi trường tốt cho người trẻ khởi nghiệp ngay tại quê hương, cùng chung tay đóng góp xây dựng quê hương.

 

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều