Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiếc xe buýt bay khơi gợi tình yêu thương, trí tưởng tượng tuổi thơ

Cẩm Điệp
08:16, 19/07/2024

Tác phẩm Chiếc xe buýt bay của hai tác giả Mai Chi và Huỳnh Long, minh họa bởi Nguyễn Ngân, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành gửi gắm thông điệp đến độc giả độ tuổi nhi đồng (6-11 tuổi): “Hãy biết trân trọng những gì mình có và những người thương yêu xung quanh ta”.

Tác phẩm Chiếc xe buýt bay do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 7-2024.
Tác phẩm Chiếc xe buýt bay do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 7-2024.

Nhân vật chính trong Chiếc xe buýt bay là cậu bé hiếu động Khánh Cận học lớp 4, vốn thích bóng đá và đọc sách. Cậu làm quen với cô bé Mi có lúm đồng tiền, học lớp 3 và người anh của Mi là Bảo Mập.

Chiếc xe du hành

Tình cờ tìm thấy chiếc xe buýt màu vàng bỏ hoang nơi khu rừng nhỏ, Khánh Cận bất ngờ khi chiếc xe trông cũ kỹ này có thể giao tiếp với cậu bằng chiếc radio trong xe. Qua đó, chiếc xe tự xưng tên là Otto - “một người bạn thân thiện của con người” và vận hành bằng năng lượng mặt trời.

Ba người bạn nhỏ cật lực giúp Otto “sạc pin” để hồi sinh chiếc xe. Bất ngờ, Otto đưa cả ba bay lên trời xanh, cao như những cánh diều. Sau khi đã trở nên tin cậy, chiếc xe robot này đưa ba bạn trẻ vào cuộc phiêu lưu kỳ thú, kể cả xuyên không gian và thời gian để tới một thời điểm nào đó ở tương lai. Chính xác là ở thời điểm 200 năm sau của trái đất. Và địa điểm là “thành phố Z208”, nơi Otto được chế tạo ra bởi người đàn ông tên là Mr.Grandpa.

Tác giả Mai Chi (Võ Thị Mai Chi - trái) và Huỳnh Long (tức Huỳnh Bá Long - phải) cùng sinh năm 1984, từng đồng tác giả truyện tranh Khu rừng vui tưng bừng (Nhà xuất bản Phụ Nữ).

Qua lời Mr.Grandpa, Khánh Cận hiểu Otto có thể đưa hành khách trở về quá khứ hoặc đi đến tương lai như cỗ máy thời gian của Doraemon. Và trái đất trong tương lai xa không còn là nơi trú ngụ của con người do ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và thực phẩm…

Ý nghĩa của gia đình, tình bạn

Chuyến “bay vào tương lai” và trở lại hiện tại đã giúp Khánh Cận nhận ra những điều hạnh phúc đơn giản mà cậu đang được hưởng: “bữa cơm gia đình có đủ cả ba lẫn mẹ” bên bàn ăn. Từ đó, Khánh biết cảm thông và cảm thương đến hai anh em mồ côi Bảo và Mi thiếu thốn tình thương gia đình. Cậu bé cũng thấu hiểu hơn thông điệp từ bức thư cảm động của Mr.Grandpa để lại: “Hãy biết trân trọng những gì mình có”.

Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần, tác giả Huỳnh Long chia sẻ: “Thời đại hiện nay, các con trẻ sung sướng hơn thế hệ ba mẹ ở khoản vật chất, công nghệ. Thế nhưng, tình bạn hàng xóm, khu phố, dường như không hiện hữu. Các con thường có bạn online hơn và điều đó có thể khiến các con ít sự thấu cảm bởi sự xa cách trong tiếp xúc với con người thật của nhau. Với tôi, tuổi thơ không tình bạn là một tuổi thơ không trọn vẹn”.

Vì vậy, Huỳnh Long viết Chiếc xe buýt bay như lời “động viên các con chủ động kết bạn mới”, hướng bạn đọc nhí đến ý nghĩa của tình bạn và “biết quan tâm, yêu thương lẫn nhau”.

Làm thế nào để bạn nhỏ nào cũng may mắn như nhân vật Khánh Cận: tìm được một “chiếc xe buýt bay”, qua đó thấu hiểu tình yêu thương, khơi gợi trí tưởng tượng trong đời sống tuổi thơ?

- Tác giả HUỲNH LONG: Cuộc sống đô thị hiện nay đòi hỏi trẻ em dành nhiều thời gian cho lịch học dày đặc, kể cả trong kỳ nghỉ hè cũng tham gia học ngoại khóa, ngoại ngữ, lập trình… Có lẽ một câu chuyện như Chiếc xe buýt bay có phần hơi lãng mạn. Bởi thời nay trẻ em thường dùng thời gian rảnh để chơi game, hòa mình vào thế giới tưởng tượng trong game.

Dẫu vậy, tôi hy vọng bạn nhỏ sẽ bắt gặp những “chiếc xe buýt bay” kiểu khác trong đời sống nhiều màu sắc của mình. Một cách để trẻ em thấu hiểu tình yêu thương, khơi gợi trí tưởng tượng tốt lành còn là đọc sách. Tôi rất vui vì gần đây, tỷ lệ phụ huynh quan tâm đến việc đọc sách của trẻ em đã tăng lên đáng kể”.

 

Cẩm Điệp

Từ khóa:

xe buýt

tác phẩm

Tin xem nhiều