Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam: Chính sách nhân văn, thiết thực

Kim Liễu
11:37, 06/07/2024

Đồng Nai hiện có hơn 1,5 ngàn người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch. Hầu hết đang sinh sống trên lòng hồ Trị An thuộc các xã: Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), La Ngà (huyện Định Quán) và một số di dân tự do ở huyện Xuân Lộc. Hiện cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục xét cấp giấy chứng nhận căn cước cho các đối tượng này theo quy định Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024).

Ông Phạm Văn Chiến (ấp 3, xã La Ngà, huyện Định Quán) đang được thu thập mống mắt và các thông tin cá nhân để hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước. Ảnh: Đ.Tùng
Ông Phạm Văn Chiến (ấp 3, xã La Ngà, huyện Định Quán) đang được thu thập mống mắt và các thông tin cá nhân để hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước. Ảnh: Đ.Tùng

Với những người di dân tự do, đây thực sự là niềm vui lớn, bởi khi được chứng minh về nhân thân họ có thể yên tâm an cư lạc nghiệp, được hưởng các chính sách an sinh xã hội, tham gia bảo hiểm y tế, đi xin việc, mua tài sản, đăng ký sim điện thoại...

18 năm mới có giấy tờ tùy thân

Gia đình ông Phạm Văn Chiến (66 tuổi) mưu sinh ở Biển Hồ (hồ nước ngọt rộng lớn ở Campuchia), sau đó qua tỉnh Tây Ninh và rồi dạt về ở lòng hồ Trị An từ năm 2006 đến nay. Sống lênh đênh trên sông nước bằng nghề nuôi cá bè, ông và người con trai năm nay 35 tuổi không một mảnh giấy “lận lưng” chứng minh về nhân thân.

Ông Chiến kể, do chỉ sống trên sông, dạt đến nhiều nơi nên hai cha con ông rất xa lạ với con chữ. Năm 2018, bè bị lật, ông mất hết giấy tờ và mất luôn cả kế sinh nhai. Ông Chiến cùng con lên bờ sống nhờ nhà mẹ là bà Phạm Thị Mạnh (ngụ ấp 3, xã La Ngà, huyện Định Quán). Ông đã nhiều lần xin cấp giấy tờ tùy thân nhưng do không có hồ sơ gốc nên không được cơ quan chức năng giải quyết. Suốt 18 năm qua, do không còn bất kỳ giấy tờ tùy thân nào nên hai cha con ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Không mua được bảo hiểm y tế, mỗi lần bị bệnh, ông Chiến không dám đi khám vì sợ tốn nhiều tiền. Con trai ông do không có giấy tờ nên không thể xin việc làm ổn định, không thể đăng ký kết hôn…, anh bỏ nhà đi sống lang bạt, ai thuê gì làm nấy.

Mới đây, khi được Công an huyện Định Quán làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước, ông Chiến xúc động nói: “Tôi thấy rất vui, đây là điều mà tôi đã chờ đợi nhiều năm qua. Mừng nhất là con tôi cũng thuộc diện được cấp giấy, tôi vừa gọi cho con về để làm ngay. Cảm ơn công an, cảm ơn nhà nước nhiều lắm, có giấy tờ rồi là mình được công nhận, sẽ tự tin hơn, có thể an tâm sống hòa nhập với cộng đồng”.

Đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh:

Cần thiết, phù hợp

Luật Căn cước năm 2023 quy định, từ ngày 1-7-2024, người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận căn cước. Việc này là cần thiết, phù hợp và cũng không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Đồng thời, chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; tạo thuận lợi trong việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và giải quyết chế độ chính sách cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dư và 3 người con (sống trên làng bè thuộc ấp 5, xã La Ngà) cũng từ Campuchia đi vỏ lãi đến làng bè La Ngà sinh sống từ năm 2018. Lần lượt 3 người con của vợ chồng chị (8, 9, 11 tuổi) đều được cấp giấy khai sinh (không ghi quốc tịch) để đi học tại Trường tiểu học La Ngà. Riêng vợ chồng chị Dư không có giấy tờ gì chứng minh lai lịch nên không thể đăng ký tạm trú, không được cấp giấy tờ tùy thân…

 “Mấy ngày nay biết tin được cấp giấy chứng nhận căn cước, tôi mừng đến không ngủ được. Gần 30 năm từ lúc sinh ra cho đến giờ tôi mới có giấy tờ chứng minh bản thân mình” - chị Dư bộc bạch.

 “Quý hơn trúng vé số độc đắc”

Với những di dân tự do sống lênh đênh trên sông nước, được cấp giấy chứng nhận căn cước còn quý hơn trúng vé số độc đắc. “Gia đình tôi giờ đã có điều kiện lên bờ sinh sống rồi. Trước đây vì không có giấy tờ tùy thân nên không thể đăng ký thường trú, không mua được nhà, đất, phương tiện đi lại, thậm chí không thể mua sim điện thoại… Mỗi khi ra đường, sợ nhất là gặp cảnh sát giao thông, khi bị hỏi giấy tờ tùy thân, tôi chỉ ngậm ngùi nộp phạt” - ông Phạm Văn Giáp (ngụ ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) chia sẻ.

Lên làm giấy chứng nhận căn cước tại Công an huyện Định Quán cùng đợt với ông Giáp, bà Lê Thị Tuyết (cùng ngụ ấp 5, xã La Ngà) xúc động nói: “Điều tôi trông chờ bao lâu, nay mới thành sự thật, tôi thấy hạnh phúc quá. Không có mảnh giấy lận lưng, cuộc sống mưu sinh rất vất vả, muốn làm thuê làm mướn cũng khó vì chỉ có người quen biết dám thuê mình chứ người lạ ai dám. Từ giờ trở đi, tôi không lo nữa rồi, có thể tìm công việc ổn định mà làm”.

Tương tự, vợ chồng bà Võ Thị Thanh, 66 tuổi, sinh sống ở ấp 3, xã La Ngà từ năm 2016 với gia đình con gái đang làm công nhân. Cuộc sống chật vật, khó khăn, chồng bà Thanh bị tai biến, bệnh tuyến tiền liệt… Mỗi lần chồng nhập viện, bà phải vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa cho ông, giờ đang nợ tiền thuốc hơn 30 triệu đồng. Trong khi bệnh của ông phải uống thuốc thường xuyên mà điều kiện gia đình không thể đáp ứng.

“Được cấp giấy chứng nhận căn cước, tôi mua được thẻ bảo hiểm y tế cho chồng và cho mình để có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn” - bà Thanh bộc bạch. 

Niềm vui của người dân cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người gốc Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch hành chính, được hưởng các chính sách an sinh xã hội, tham gia bảo hiểm y tế, đi xin việc, mua tài sản, đăng ký sim điện thoại..., giấy chứng nhận căn cước giúp người được cấp chứng minh nhân thân, một điều tưởng chừng như đơn giản với mọi người nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng, sâu sắc đối với những con người có hoàn cảnh sống đặc biệt…

   Kim Liễu

 

 

Tin xem nhiều