Báo Đồng Nai điện tử
En

Tri ân công đức người đi mở cõi phương Nam

Nguyễn Trí Nghị
07:21, 29/06/2024

Thành phố Biên Hòa tổ chức Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh vào các ngày 20 và 21-6-2024 (nhằm ngày 15 và 16-5 âm lịch) tại di tích quốc gia Mộ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa).

Học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Cẩm Mỹ tham quan tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024.
Học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Cẩm Mỹ tham quan tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024.

Theo đó, UBND thành phố Biên Hòa phối hợp Ban Quý tế đền và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh với nhiều hoạt động vô cùng hấp dẫn. Ngoài các nghi thức lễ truyền thống như: lễ thượng kỳ, lễ thỉnh sanh, lễ tiên yết, lễ cúng tiền bối, lễ đàn cả…, còn diễn ra các hoạt động như: tổ chức phố ông đồ trưng bày và viết thư pháp; triển lãm không gian văn hóa ẩm thực xưa; chương trình đờn ca tài tử; bắn pháo sáng nghệ thuật; hội thi vẽ tranh về nhân vật lịch sử, cảnh đẹp vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai; diễu hành và dâng lễ vật cúng đức ông Nguyễn Hữu Cảnh.

Nguyễn Hữu Cảnh - người mở cõi phương Nam

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Ông là con thứ ba trong gia đình, cha là Tiết chế Chiêu võ hầu Nguyễn Hữu Dật, mẹ là Nguyễn Thị Thiện, hai anh của ông là Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, Trung Thắng hầu Nguyễn Hữu Trung đều là những bậc danh tướng của đương triều.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược vùng đất phía Nam và đặt bản doanh tại cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa). Gia Định thành thông chí cho biết: “Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị”.

Từ một vùng lưu dân sinh sống tự phát, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức sáp nhập, quản lý vùng đất mới, định hướng phát triển, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chính, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền…, tạo cơ sở cho việc phát triển xứ Đồng Nai - Gia Định.

Năm 1700, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trấn an vùng biên giới Tây Nam Bộ, trên đường trở về, Nguyễn Hữu Cảnh lâm bệnh nặng và qua đời tại Rạch Gầm (Mỹ Tho, Tiền Giang). Ghi nhận công lao to lớn của ông, các đời vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã 4 lần ban sắc phong Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Năm 1991, Mộ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai tri ân công đức người đi mở cõi

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh qua đời, trong quá trình di quan từ Tiền Giang về quê Quảng Bình, đoàn quân dừng chân tại cù lao Phố - Biên Hòa nơi ông đặt đại bản doanh năm xưa. Nhân dân Biên Hòa thương tiếc, ghi nhớ công lao đã rước vong linh ông đưa vào thờ tại đình Bình Kính tôn làm Thần Thành hoàng của làng, từ đó đình Bình Kính còn có tên gọi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, tại gian chánh điện, nhân dân địa phương thờ bộ áo mão và cân đai tương truyền của Nguyễn Hữu Cảnh sử dụng năm xưa.

Ở nơi đình quan Ông cách đình Bình Kính khoảng 50m, nhân dân lập mộ để tưởng vọng cho đến ngày nay.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, đồng thời nhằm ghi nhớ, tri ân và tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước, trong thời gian qua, Đồng Nai luôn quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện Dự án Mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó hạng mục tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được đúc bằng đồng cao 7,5m (kể cả phần bệ tượng) góp phần tạo điểm nhấn quan trọng trong tổng thể di tích, thu hút đông đảo người dân, nhất là các em học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

 

Hàng năm, vào các ngày 15 và 16-5 (âm lịch) chính quyền và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai tổ chức lễ giỗ Nguyễn Hữu Cảnh trang trọng theo nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân đến dâng hương, chiêm bái; qua đó góp phần phát huy có hiệu quả tiềm năng của di tích, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ.

Nguyễn Trí Nghị

Tin xem nhiều