Báo Đồng Nai điện tử
En

Trăn trở với “nghề” Tổng biên tập

Lâm Viên - Thanh Hải - Hải Yến
15:10, 21/06/2024

Là người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan báo chí, Tổng biên tập được ví như những “kiến trúc sư trưởng”, “nhạc trưởng” để dẫn dắt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh của cơ quan báo chí.

Sau đây là những tâm tình, định hướng và hoài bão của các Tổng biên tập về nghề báo nói chung và “nghề” tổng biên tập nói riêng.

 

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chụp hình lưu niệm với lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương tại hội thảo báo Đảng địa phương tổ chức tại Báo Đồng Nai
ngày 9-9-2023.
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chụp hình lưu niệm với lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương tại hội thảo báo Đảng địa phương tổ chức tại Báo Đồng Nai ngày 9-9-2023. Ảnh: HUY ANH
 

 

Tổng biên tập Báo Đồng Nai ĐÀO VĂN TUẤN:

Xây dựng Báo Đồng Nai thành cơ quan báo chí đa phương tiện, có mặt trên mọi nền tảng

Trên cương vị Tổng biên tập của một cơ quan báo Đảng địa phương, điều tôi tâm huyết và tập trung nhất là thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo từ Ban biên tập, đến các trưởng phòng, ban và toàn bộ cán bộ, viên chức, nhân viên cơ quan; từ đó thống nhất ý chí và hành động trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng, phát triển Báo Đồng Nai.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, nhu cầu thông tin của công chúng báo chí đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải tự làm mới mình để cho ra đời các tác phẩm báo chí hiện đại, có tác động tích cực trong xã hội, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của báo chí.

Hòa trong xu thế chuyển đổi mạnh mẽ đó, tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, tôi quan tâm cải tiến thường xuyên, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các sản phẩm báo chí để làm sao Báo Đồng Nai giữ được vai trò dẫn đắt, định hướng thông tin; xây dựng báo thành cơ quan báo chí đa phương tiện, có mặt trên mọi nền tảng, thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng.

 

 

Tổng biên tập Báo Hải Dương NGUYỄN QUÝ TRỌNG:

Nghề báo ngày càng được trân trọng

Tôi thấy vui vì nghề mình theo đuổi ngày càng được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Tiếng nói của tờ báo ngày càng được coi trọng, những vấn đề nêu ra được chỉ đạo xử lý, được sự đồng thuận của bạn đọc. Xã hội ngày càng đặt vị trí của người làm báo vào đúng nơi của nó, nơi của những cánh én báo tin vui hay cả những cánh chim báo bão.

Nhưng tôi cũng có không ít trăn trở. Tòa soạn ngày càng bị áp lực, thách thức nhiều hơn bởi cuộc cạnh tranh thông tin từ ngay trong ngành báo chí hay truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội. Mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng cần có những bước tiến mới, liên tục hoàn thiện để vươn lên làm chủ thông tin. Không chỉ thách thức làm ra thông tin bạn đọc cần, phù hợp với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền mà còn phải phân phối các thông tin đó trên cả báo chí và mạng xã hội. Tức là phải có tư duy của người sản xuất, người phân phối, người chăm sóc khách hàng sử dụng tác phẩm báo chí của mình.

Người làm quản lý hiện nay không chỉ phải lo cho chuyên môn, lo cho tờ báo có thông tin tốt, đúng định hướng, hấp dẫn, nhanh nhạy mà còn phải lo cơ chế, chính sách và kinh tế báo chí. Tức là phải liên tục phát triển tờ báo, liên tục xây dựng đội ngũ làm báo và liên tục tạo ra nguồn thu tốt cho cơ quan.

 

 

 

 

Tổng biên tập Báo Tây Ninh TRẦN THỊ MỸ LINH:

Nhiệm vụ trọng tâm -  đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp với xu thế phát triển của báo chí theo hướng hiện đại

Là cơ quan báo Đảng ở một địa phương biên giới, những năm qua, Báo Tây Ninh luôn cố gắng vượt lên trên những khó khăn về nhân sự do biên chế được phân bổ hàng năm ít trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều để hoàn thành tốt nhiệm chính trị được giao.

Xác định việc đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp với xu thế phát triển của báo chí theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu, thời gian qua, Ban biên tập báo tập trung chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp theo tinh thần “7 dám”: dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung. Song song đó, tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, phóng viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Zalo… khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị và tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo, chất lượng cao.

Trước sự thay đổi của công nghệ và yêu cầu phát triển của các cơ quan báo Đảng trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi Báo Tây Ninh phải thay đổi chất lượng trên cả 2 loại hình báo điện tử và báo in và nội dung trên các nền tảng số. Để làm được các yêu cầu trên, đội ngũ những người làm báo của Tây Ninh thời gian qua chú trọng vào việc thực hiện các bài viết chuyên sâu, khai thác sâu hơn vào đề tài, nội dung gắn với đời sống người dân, những vấn đề yêu cầu phát triển của xã hội để phục vụ tốt, đáp ứng yêu cầu bạn đọc.

 Khó khăn lớn nhất của Báo Tây Ninh hiện nay là, dù tập trung cho công tác phát triển nội dung của tờ báo để bắt kịp chuyển động, sự phát triển của xã hội và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nhưng việc áp dụng triệt để công nghệ vào quá trình sản xuất nội dung và đầu tư công nghệ chưa được nhiều. Đây cũng là một trong những bài toán cơ bản, trọng tâm mà Ban biên tập cần giải quyết trong thời gian tới.

 

 

 

 

Tổng biên tập Báo Khánh Hòa THÁI THỊ LỆ HẰNG:

Đem lại cho bạn đọc những sản phẩm báo chí chất lượng và phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số

Báo Khánh Hòa rất chú trọng đến việc chuyển đổi số. Năm 2023, Báo Khánh Hòa đứng thứ 3 khối báo chí địa phương về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí (do Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông công bố). Điều này cho thấy nỗ lực và cách đi đúng của tập thể Báo Khánh Hòa trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ mà yếu tố quan trọng trước tiên chính là thay đổi tư duy. Việc xây dựng hệ thống tòa soạn hội tụ hay ứng dụng công nghệ thông tin vào các sản phẩm báo chí số đều đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, tư duy của người lãnh đạo cũng như của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Điều này nhằm đưa tờ báo đến gần hơn với cộng đồng bằng cách làm cho tờ báo và các sản phẩm báo chí có mặt trên các nền tảng xã hội. Cùng với đó, tờ báo phải phát triển được những sản phẩm báo chí số hóa phù hợp với thời đại công nghệ số.

Cá nhân tôi cũng như Ban biên tập luôn xác định hướng đi này. Vì vậy, chúng tôi đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, thúc đẩy cán bộ, công nhân viên thực hiện theo định hướng phát triển về công nghệ số theo từng giai đoạn và làm bước nào phải chắc bước đó. Mục đích là để Báo Khánh Hòa có thể hòa vào sự sôi động chung của “làng báo”, trong bối cảnh mà tờ báo nào cũng muốn khẳng định mình, muốn đem lại cho bạn đọc những sản phẩm báo chí chất về chất lượng và phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số của từng thời kỳ.

 

 

Tổng biên tập Báo Long An PHÙNG TẤN TÚ:

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn

Nhằm chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Long An mới ra mắt chuyên mục Podcast Tên đất - Tên đường, phát sóng vào sáng thứ 4 hàng tuần. Chuyên mục nhẹ nhàng nhưng không kém phần thú vị, sâu lắng. Ê - kíp thực hiện chuyên mục đi tìm và kể lại những câu chuyện liên quan đến địa danh, di tích, tên đường trên địa bàn tỉnh. Chuyên mục mong muốn góp phần vào việc giúp mỗi người dân Long An thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về quê hương mình.

Trước đó 1 năm,  Báo Long An ra mắt podcast Truyện ngắn - Tản văn để phục vụ nhu cầu bạn đọc về văn hóa -  văn nghệ, lan truyền cảm hứng tích cực trong xã hội. Bên cạnh đó, podcast Điểm tin mỗi ngày giúp bạn đọc của báo nắm bắt tin tức trong và ngoài tỉnh một cách dễ dàng hơn. Và các chương trình đều nhận được phản hồi tích cực từ người nghe.

Chuyên mục podcast nêu trên là một trong số những nỗ lực của Báo Long An nhằm đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, bạn nghe báo.

Thực hiện phương châm xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và trong xu thế chuyển đổi số báo chí hiện nay, với cương vị Tổng biên tập, tôi cùng với các anh chị trong Ban biên tập đã quyết liệt chỉ đạo Báo Long An phát triển nội dung, đa dạng hóa hình thức thể hiện, đặc biệt trên Báo Long An điện tử với việc phát triển các thể loại: longform, infographics; về truyền hình thì tăng cường tin, clip truyền hình, điểm tin thời sự trong tuần; về phát thanh thì phát triển mạnh podcast nhằm đón đầu xu hướng nghe báo…

 

 

Tổng biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu TRƯƠNG ĐỨC NGHĨA:

Hòa vào dòng chảy nhưng không tan biến trong xu hướng

…Các cơ quan báo chí trước đây coi “đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc” là mục tiêu cơ bản. Bây giờ phải là hòa vào dòng chảy xu hướng và nhu cầu đọc của độc giả. Điều đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tích cực hơn trong việc nghiên cứu đối tượng công chúng, xác định rõ đối tượng công chúng đích và cuộn theo dòng chảy xu hướng.

Công nghệ số và các phần mềm quản lý tòa soạn hiện nay giúp ích rất nhiều cho các cơ quan báo chí nắm bắt xu hướng, nhu cầu đọc để hòa vào dòng chảy đó. Tuy nhiên, đòi hỏi cao của người làm báo là phải giữ vững niềm tin, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp, để không tan biến trong dòng chảy xu hướng. Không rẻ rúng thông tin, chạy theo những nhu cầu tầm thường, câu view, câu like.

Khi mạng xã hội xuất hiện và phát triển vũ bão, chính những người làm báo cũng khó tránh khỏi suy nghĩ, sức ảnh hưởng của báo chí sẽ suy giảm. Điều đó có trong một vài biểu hiện, chẳng hạn: lượng bạn đọc báo in giảm, hoạt động kinh tế báo chí bị ảnh hưởng. Nhưng rồi, mạng xã hội như một cơn bão thông tin, một phần đã tàn phá chính niềm tin của bạn đọc. 

Trong bối cảnh đó, với nguồn tin chuẩn mực, chính thống, uy tín, các cơ quan báo chí đã kéo bạn đọc về phía mình. Cho nên, có nhiều bản tin, dù xuất hiện muộn hơn mạng xã hội nhưng khi báo chí đăng tải, gây nên sự bùng nổ về lượng view. Bởi vì báo chí đã tồn tại như bản chất của nó, là niềm tin của bạn đọc. Những người làm báo nên tự hào vì bất cứ lúc nào, bạn đọc cũng chờ đợi nguồn tin của mình. Tự hào cũng để làm việc và suy nghĩ xứng đáng với sự chờ đợi đó.

 

 

Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước NGUYỄN THỊ MINH NHÂM:

Cảm nhận được nhiều niềm vui, thú vị của nghề báo

Năm 2019, tôi được Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước phân công sang nhận nhiệm vụ làm Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với tôi, vì nhiều lẽ: trước đó, tôi làm Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách quản lý mảng báo chí, chưa từng trực tiếp làm báo, cũng chưa từng đứng đầu một đơn vị sự nghiệp công lập; khi tôi nhận nhiệm vụ cũng là thời điểm Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước vừa hợp nhất với bộ máy nhân sự hơn 200 người, bộn bề những công việc lớn cần giải quyết, nhất là việc ổn định tư tưởng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, định hình mô hình hoạt động của một cơ quan báo chí đa phương tiện, chưa có tiền lệ… trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế báo chí và đại dịch Covid-19… 

Quãng thời gian này, bên cạnh những khó khăn, vất vả, tôi đã cảm nhận được nhiều niềm vui, thú vị của nghề báo. Thật hạnh phúc khi các sản phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước được công chúng đón nhận; khi các chương trình nhân đạo được mọi người tham gia ủng hộ, chia sẻ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn; khi các chương trình, sự kiện văn hóa - thể thao do chúng tôi tổ chức được nhân dân đón chờ, tham gia, hưởng ứng; khi đồng nghiệp của mình được đứng lên bục vinh quang nhận giải thưởng báo chí… Tất cả là động lực để tôi cùng các đồng nghiệp gắn bó với nghề. Đến nay, Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước đã đi vào ổn định, phát triển, dù vậy vẫn còn những khó khăn, phải tiếp tục cố gắng.

Tôi đã cùng tập thể Ban giám đốc - Ban biên tập chỉ đạo chú trọng đầu tư cho các sản phẩm để phục vụ tốt công tác thông tin tuyên truyền, giải trí và tham dự các cuộc thi báo chí. Quan điểm của cá nhân tôi, việc có giải thưởng báo chí là rất quan trọng, vì góp phần khẳng định uy tín, vị thế của cơ quan báo chí truyền thông. Việc tham gia và đoạt các giải thưởng báo chí cũng là nguồn khích lệ tinh thần để những người làm báo phát triển nghiệp vụ, theo đuổi đam mê nghề nghiệp.

Lâm Viên - Thanh Hải - Hải Yến (thực hiện)

Báo chí Đồng Nai trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp

Rất dễ nghĩ rằng tên gọi Báo Đồng Nai ra đời sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 và thành lập tỉnh Đồng Nai, vì trước đó không có đơn vị hành chính cấp tỉnh có tên gọi Đồng Nai. Nhưng hoàn toàn không phải.

Tên tờ báo Đồng Nai ra đời trước đó rất lâu, tận năm 1946 do Ty Thông tin Biên Hòa chủ trương. Lúc đó Báo Đồng Nai được in ronéo, mỗi kỳ 2 trang khổ 30x40cm, in từ 300-500 tờ/kỳ. Giấy stencil đưa đi in không được đánh máy như sau này vì máy đánh chữ không có cỡ lớn như vậy nên phải viết bằng bút nhọn. Người chuyên viết là ông Hoàng Thơ, sau năm 1975 còn cộng tác với Báo Đồng Nai. Các cây viết cho Báo Đồng Nai lúc đó là Dương Minh Cưu, Nguyễn Trạc, Tiêu Như Thủy, Hoàng Thơ…

Đồng thời với Báo Đồng Nai là tờ Tiếng Rừng do Chi đội 10, đơn vị cấp Trung đoàn lúc ấy chủ trương, cỡ như tập vở thông thường của học trò. Báo Tiếng Rừng có khi in 2 hoặc 4 trang, mỗi số in dưới 200 bản. Tuy số lượng ít nhưng báo có tác dụng phổ biến rất rộng vì người đọc hầu hết là người tham gia cách mạng chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, rất quý báo, xác định là phương tiện tuyên truyền, chuyền tay nhau đọc, phổ biến.

Bài thơ nổi tiếng Nhớ Bắc của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, là Chi đội trưởng Chi đội 10, được in trên Báo Tiếng Rừng, có 4 câu nhiều người thuộc: Ai về Bắc ta theo với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

 Trong kháng chiến thống Pháp trên địa bàn Đồng Nai còn có báo Tiền Đạo của Bộ Tư lệnh khu miền Đông.

Sau Cách mạng tháng Tám, bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các báo ra đời sau đó là Thông tin Biên Hòa, Thông tin Thủ Biên. Khi Đảng bộ Thủ Biên (Biên Hòa, Thủ Dầu Một) được thành lập, song song với Báo Thủ Biên, tạp chí Xây dựng của Đảng bộ được thành lập, có nội dung chính là xây dựng Đảng, vận động quần chúng, nhất là tuyên truyền kinh nghiệm đấu tranh trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954...

Từ khóa:

cơ quan báo chí

Tin xem nhiều