Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kinh tế sông

Phạm Tùng
07:40, 08/06/2024

Phát triển kinh tế sông với “hạt nhân” sông Đông Nai là một trong những định hướng phát triển mới của tỉnh trong thời gian tới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sông nước.

Hành lang sông Đồng Nai được định hướng phát triển trở thành hành lang xanh - sinh thái. Ảnh: tư liệu
Hành lang sông Đồng Nai được định hướng phát triển trở thành hành lang xanh - sinh thái. Ảnh: tư liệu

Việc khai thác, phát triển kinh tế ven sông Đồng Nai cũng được cụ thể hóa trong Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hành lang phát triển dọc sông Đồng Nai

Với chiều dài chảy qua địa phận Đồng Nai khoảng 200km, sông Đồng Nai có giá trị rất lớn đối với tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội.

Trong định hướng quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hành lang dọc theo sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang phát triển của tỉnh.

Theo đó, hành lang dọc theo sông Đồng Nai được xác định là trục vận tải hàng hải quốc gia, trục vận tải thủy nội địa, trục giao thông thủy đô thị - nông thôn, tuyến giao thông thủy du lịch, liên kết từ hồ Trị An đến ngã ba sông Soài Rạp - Lòng Tàu. Đồng thời, đây cũng là trục phát triển đô thị - nông thôn và các khu chức năng chất lượng cao, trục cảnh quan bộ mặt của tỉnh Đồng Nai, trục cung cấp tài nguyên nước, đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu cho các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai.

Theo Sở Xây dựng, để khai thác tiềm năng phát triển sông Đồng Nai, hệ thống mạng lưới giao thông dọc tuyến sông này sẽ được quy hoạch phát triển theo các phân đoạn sông Đồng Nai dã được đề xuất quy hoạch.

Theo liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, hành lang sông Đồng Nai là hành lang phát triển quan trọng bậc nhất của tỉnh là vì sông Đồng Nai thuộc trục hàng hải quốc tế (nhóm 5), quy tụ nhiều tuyến đường thủy nội địa, luồng lạch ăn sâu vào đất liền. Mặt khác, trong suốt tuyến từ Bắc xuống Nam, sông Đồng Nai là trục cảnh quan đô thị, nông thôn, thiên nhiên, là nét chính của bố cục không gian tỉnh, đồng thời cũng là trục động lực phát triển tuyến đô thị năng động của Vùng Đông Nam Bộ.

Sông Đồng Nai cũng là trục thiên nhiên quan trọng để cung cấp nước, điều hòa khí hậu, phát triển năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Đối với tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai còn là trục văn hóa tâm linh, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh.

Với những giá trị và tiềm năng đó, trong phương án phát triển tuyến sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh, liên danh đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án chia thành 5 phân đoạn để có quy hoạch khai thác phù hợp gồm: đoạn 1, đi qua địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán; đoạn 2 là hồ Trị An; đoạn 3, cánh Tây huyện Vĩnh Cửu; đoạn 4 là đoạn sông Đồng Nai qua địa bàn thành phố Biên Hòa và phía Bắc huyện Long Thành; khu vực huyện Nhơn Trạch sẽ là đoạn 5.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện chương trình phát triển kinh tế sông, trong đó trọng tâm sẽ là phát triển kinh tế dọc sông Đồng Nai.

Phát triển sông Đồng Nai trở thành hành lang xanh - sinh thái

Trong Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 5 vừa qua, cùng với sông Sài Gòn, sông Đồng Nai được định hướng phát triển trở thành hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối không gian đô thị và phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch liên tỉnh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan.

Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) đang được đầu tư xây dựng sẽ là một phần của hệ thống giao thông dọc sông Đồng Nai. Ảnh: tư liệu
Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) đang được đầu tư xây dựng sẽ là một phần của hệ thống giao thông dọc sông Đồng Nai. Ảnh: tư liệu

Theo đó, khu vực dọc sông Đồng Nai sẽ phát triển các khu du lịch sinh thái, các điểm du lịch văn hóa - lịch sử, kết hợp với cải thiện hạ tầng du lịch để thúc đẩy du lịch đường sông liên tỉnh, mang thương hiệu của vùng. Trong đó, việc phát triển đô thị sẽ được quản lý để phát triển với quy mô hợp lý, chú trọng bảo tồn các giá trị sinh thái, cảnh quan đặc trưng, không gian xanh của khu vực. Nâng cấp hạ tầng đường thủy, xây dựng các tuyến đường bộ ven sông, phát triển hạ tầng thủy lợi, chống ngập đô thị và phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tăng cường phục hồi, bảo vệ, cải thiện chất lượng nguồn nước.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, hành lang phát triển dọc sông Đồng Nai đã khẳng định hướng đi bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị của sông Đồng Nai. Quy hoạch sẽ đưa sông Đồng Nai trở thành một dòng sông có giá trị khu vực. “Chúng ta theo đuổi mục tiêu Net zero, phát triển xanh thì việc quy hoạch sông Đồng Nai trở thành hành lang xanh - sinh thái sẽ đem lại một giá trị lớn và Đồng Nai phải nâng cao giá trị này lên trong thời gian tới, đưa hành lang này trở thành một hành lang xanh - sinh thái quan trọng của Đồng Nai” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, các huyện, thành phố có sông phải chú trọng quy hoạch không gian xứng tầm, vừa giữ giá trị sinh thái vừa mang lại giá trị phát triển bền vững trong tương lai.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà cho rằng, việc phát triển phải đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan của sông Đồng Nai. Do đó, việc tỉnh định hướng phát triển chuỗi đô thị ven sông là phù hợp nhưng phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan của dòng sông.

 

Phạm Tùng

Tin xem nhiều