Báo Đồng Nai điện tử
En

Những vùng đặc sản trái cây đón du khách

Bình Nguyên
07:05, 08/06/2024

Đồng Nai có nhiều nơi nổi tiếng với các loại trái cây ngon như: chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ, sầu riêng (thành phố Long Khánh); vùng dâu An Phước, sầu riêng (huyện Long Thành), vùng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu)… Mùa trái cây rộ vào dịp hè nên nhiều du khách đã chọn Đồng Nai là điểm đến để nghỉ ngơi và thưởng thức đặc sản.

Vườn dâu tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh sẵn sàng đón du khách về thưởng thức trái cây hè. Ảnh: B.NGUYÊN

Các vùng cây ăn trái ngon của Đồng Nai được ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn cho năng suất, chất lượng cao, được xây dựng mã số vùng trồng để minh bạch về nguồn gốc, chất lượng. Sản phẩm trái cây Đồng Nai không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà gần đây xuất khẩu khá tốt. Nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển mô hình du lịch vườn thu hút du khách về vui chơi, giải trí và thưởng thức trái cây ngon, ẩm thực đồng quê vào dịp hè.

Vùng đất nhiều trái cây đặc sản

Đồng Nai là địa phương có diện tích trái cây ngon và đa dạng. Vài năm trở lại đây, nhiều loại cây ăn trái thành cây trồng chủ lực được phát triển mạnh khiến tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh. Tỉnh có nhiều loại đặc sản trái cây ngon có diện tích thuộc tốp đầu cả nước như: chôm chôm, sầu riêng, xoài, chuối...

Điều kiện thổ nhưỡng tại các huyện như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh đều phù hợp để trồng ra các đặc sản trái cây cho chất lượng ngon với sản lượng lớn. Hiện mỗi năm, tỉnh đang cung cấp ra thị trường hơn 152 ngàn tấn chôm chôm, gần 114,6 ngàn tấn xoài các loại; hơn 100 ngàn tấn bưởi, gần 74,5 ngàn tấn sầu riêng, hơn 79,4 ngàn tấn mít, hơn 18,6 ngàn tấn thanh long… Vài năm trở lại đây, những loại trái cây chủ lực trên tiếp tục tăng đều về sản lượng qua từng năm. Các loại đặc sản cây ăn trái đang đứng tốp đầu về hiệu quả kinh tế cao nên thu hút nông dân đầu tư, phát triển mạnh.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là nội dung được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm phát triển.

Nhiều vùng đặc sản trái cây ngon trên địa bàn tỉnh đã được sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Tỉnh đang đẩy mạnh nhân rộng diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng đạt chuẩn an toàn xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Năm 2023, Đồng Nai đã cấp mới 49 mã vùng trồng với diện tích gần 4,9 ngàn hécta. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 170 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 27 ngàn hécta. Các loại trái cây trên địa bàn tỉnh đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường như: Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, New Zealand...

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, thời gian qua, Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường trong nước cũng như khi tham gia thị trường xuất khẩu. Đến nay, khi đã phát triển được diện tích cây ăn trái lớn, tỉnh không chỉ chú trọng tăng diện tích mà còn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị qua việc xây dựng, nhân rộng các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, phát triển bền vững.

Đặc biệt, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai chú trọng thu hút các doanh nghiệp hợp tác với các hợp tác xã, nông dân phát triển những chuỗi liên kết từ sản xuất đến các khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ, chế biến… Đây là giải pháp căn cơ để mặt hàng trái cây tươi có đầu ra ổn định và phát triển thật sự bền vững.

Khai thác du lịch vườn

Dựa vào lợi thế các vùng đặc sản trái cây ngon, nhiều địa phương của tỉnh đang tập trung phát triển mô hình du lịch vườn, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân để hình thành nên những “làng du lịch vườn” thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách.

Hiện các vùng trồng đặc sản trái cây ngon trên địa bàn tỉnh đang rộn ràng vào mùa du lịch trái cây hè. Xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) là một trong những điểm hẹn lý tưởng với du khách gần xa về thưởng thức các loại đặc sản trái cây hè. Có thể nói, đây là mô hình điểm của tỉnh trong việc xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu.

Với xuất phát điểm từ đôi ba nhà vườn làm du lịch, đến nay, địa phương này đã thu hút được hơn 90 nhà vườn tham gia mô hình du lịch sinh thái vườn. Nhiều cơ sở du lịch tại địa phương này đã liên kết lại hình thành Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc để tổ chức các dịch vụ du lịch vườn ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Điều thú vị khi về vườn, du khách không chỉ thưởng thức đặc sản trái ngon và ẩm thực vùng quê mà còn được trải nghiệm cuộc sống nơi miệt vườn, tìm hiểu quy trình canh tác để tạo niềm tin được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng.  

Không chỉ thành phố Long Khánh mà các địa phương khác có lợi thế về phát triển cây ăn trái ngon như huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành… cũng đang phát triển mạnh mô hình du lịch vườn. Một số làng du lịch sinh thái được đầu tư bài bản, khai thác du lịch quanh năm chứ không chỉ giới hạn vào một mùa vụ nào trong năm.

Tiêu biểu là vùng đặc sản bưởi Tân Triều tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Nhiều nhà vườn trong vùng trồng bưởi gắn với phát triển du lịch sinh thái để tăng hiệu quả kinh tế cho những vườn đặc sản. Từ đôi bàn tay khéo léo, nhiều nông dân sử dụng trái bưởi ngon, an toàn hái từ vườn nhà làm ra các đặc sản độc đáo như: trà, mứt, chè, nem, rượu…

Nói về hiệu quả của mô hình du lịch vườn, ông Mai Tường Duy, chủ Cơ sở du lịch Cây Xanh Garden tại xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh chia sẻ: “Tôi đầu tư tiền tỷ để cải tạo vườn cây ăn trái gần 1 hécta thành mô hình du lịch sinh thái vườn. Nhà vườn chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để tạo môi trường trong lành, sản phẩm an toàn phục vụ du khách”. Với mô hình mới này, trái cây trong vườn được khai thác bán trực tiếp cho du khách không qua trung gian nên lợi nhuận của nhà vườn tăng lên.

 

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Bật mí cách làm quất tắc sấy cam thảo ngon tại nhà Tour Mỹ trọn gói