Hàng trăm năm qua, những “thùy tích” gốm Cây Mai trang trí trên mái đình Tân Lân vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, ánh lên vẻ đẹp trí tuệ của những nghệ nhân gốm Sài Gòn xưa, cùng góp phần tạo nên những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo ở vùng đất Trấn Biên.
Gốm trang trí trên mái đình Tân Lân, phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa ngày nay. Ảnh: Lò Văn Hợp |
Đình Tân Lân là cơ sở tín ngưỡng dân gian thờ Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên - người có công lớn trong việc mở mang, xây dựng và bảo vệ vùng đất Đồng Nai - Gia Định thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Cơ sở thờ tự được lập vào năm 1820 ở gần Thành Biên Hòa và gọi là miếu Tân Lân. Tồn tại đến năm 1906, miếu được dời về khu đất giáp bờ sông Đồng Nai (vị trí hiện nay, thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa).
Những lò gốm trang trí vang bóng một thời
Lò gốm Đồng Hòa nằm ở đường Mai Sơn gần đồn Cây Mai/Chợ Lớn, còn lò gốm Bửu Nguyên ở đường Lò Gốm/Chợ Lớn. Hai lò gốm phát triển mạnh nhất cả về chất lượng cũng như số lượng, sản xuất gốm trang trí và gốm thuộc lĩnh vực “công nghệ vũ miếu” để cung cấp cho thị trường toàn vùng Gia Định.
Mặc dù 2 lò sản xuất riêng lẻ, nhưng trường hơp mái đình Tân Lân có sự kết hợp các ngõa tích hãng/lò sản xuất: hàng tượng trang trí thứ nhất là do lò gốm Bửu Nguyên chế tác; hàng tượng trang trí thứ hai và ba là do lò gốm Đồng Hòa chế tác.
Những sản phẩm đặc biệt này được các vị trưởng lão trong Ban Quý tế lúc bấy giờ đặt hàng ở cả hai lò gốm, để phục vụ cho việc xây dựng lại miếu Tân Lân từ năm 1906-1908.
Hàm ý tiểu tượng/hí tượng trang trí mái đình
Nghệ thuật trang trí chạm khắc trong đình Tân Lân mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống người Việt và người Hoa thời kỳ khai phá, chinh phục vùng đất Trấn Biên. Trong đó, dấu ấn đặc sắc nhất là quần thể tiểu tượng gốm Cây Mai trang trí trên mái đình/sản phẩm tinh túy của các lò gốm người Hoa sản xuất ở Chợ Lớn/Sài Gòn vang bóng một thời.
Tiểu tượng/hí tượng trang trí ở đình, miếu đặc biệt chú trọng đến tổng quan sao cho có sự đăng đối và đạt được sự hoàn hảo nhất định theo chủng loại: tiểu tượng nhân vật - cổ lầu, tiểu tượng nhân vật - phong cảnh, module tiểu tượng hình khối hoa văn, tiểu tượng linh thú, chim muông, hoa lá.
Trang trí mái tiền đình Tân Lân gồm hai phần: hệ thống tiểu tượng mang tính chất nghi thức và mang tính chất nội dung cụ thể. Việc giải mã các đề tài này phải tốn nhiều công sức, có kiến thức am hiểu về điển tích, điển cố. Quan sát tổng thể mái đình cho thấy quần thể tiểu tượng trang trí theo chiều ngang ba hàng, trang trí theo chiều dọc hai hàng.
Đệ Nhất Tiến là hàng ngang thứ nhất, nằm ngay trên diềm mái tiền điện. Dãy này gồm 2 phần chính tích và tượng trang trí độc lập. Tượng chính tích gồm 11 khối hình vuông gắn xếp liền nhau thể hiện đề tài: Lục Quốc Đại Phong Tướng, Phố Đề Trang Sức và Khuôn Trang Sức.
Trên dãy Đệ Nhất Tiến còn có tượng trang trí độc lập, bổ sung cho kín dãy ngang mang đậm dấu ấn văn hóa phương Đông: tượng Bát tiên là những vị thần trong truyền thuyết Lão giáo, tượng trưng cho sự trường sinh bất lão, đại diện cho sự gắn kết cộng đồng trong công việc, cùng nhau vượt qua sóng gió đến thành đạt; tượng Lý ngư hóa long biểu trưng cho sự may mắn, thăng tiến và thành đạt trên con đường học vấn công danh, ngụ ý cầu mong cho con cháu học hành tấn tới, đỗ đạt làm quan; tượng ông Nhật và bà Nguyệt biểu trưng cho yếu tố âm và dương hòa hợp sinh ra muôn loài, vạn vật phát triển; tượng Phụng hàm thư là hiện thân của thánh nhân, người tài… Các tiểu tượng này đều thuộc lò gốm Bửu Nguyên chế tác, loại tượng này có tính chất “khuôn” giống nhau ở phần tạo dáng.
Đệ Nhị Tiến là hàng ngang thứ hai cách hàng thứ nhất khoảng 1,5m, cụm tượng chính tích gắn ở giữa gồm 7 khối hình vuông xếp liền nhau, dưới bệ tượng gắn biển chữ Hán đề “Đồng Hòa Diêu Tạo”. Bên phải và trái cụm tượng cũng gắn biển chữ Hán đề “Chợ Lớn Mai Sơn” và “Đồng Hòa Diêu Tạo”. Khối tượng trung tâm có minh văn chữ Hán đề “Sở Bang”, có thể đây là điển tích “Hán Sở Tranh Hùng” giống với đồ án trang trí tiểu tượng ở Phước An Hội Quán (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Nhân vật gồm có Hán Vương, Sở Vương, Tướng Soái, Phu nhân Tướng Soái, Nữ Tỳ, Phiếu Mẫu, Khán Chúng… Các nhân vật được tạo tác với những tư thế diễn khác nhau, khuôn mặt biểu cảm muôn vẻ vui tươi/nên còn gọi là hí tượng. Trên các vòng cửa lầu ốc đều trang trí thêm đề tài lưỡng long, cá chép vượt vũ môn… Màu sắc trang trí chủ đạo vẫn là màu xanh lá, xanh nước biển và màu vàng nhạt.
Phần trang trí biểu thức thường bố cục thành hàng ngang trên bờ nóc mái đình/hàng thứ ba, còn gọi là Đệ Tam Tiến với chính giữa là bộ tượng “lưỡng long tranh châu” (hai con rồng chầu vào bình hoa Phú Quý trên có trái châu). Kế tiếp là cặp tượng kỳ lân (lân đực vờn trái cầu, lân cái dạy dỗ lân con) và cặp tượng Phụng hàm thư (phượng ngậm cuốn thư), đầu góc bờ nóc trang trí thêm 2 con rùa/quy bơi dưới nước. Biểu ý của đồ án trang trí cầu chúc cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, học hành đỗ đạt, buôn bán phát tài, giàu sang phú quý đến với mọi nhà.
Cuối cùng là tiểu tượng trang trí theo chiều dọc 2 bên bờ mái Tiền điện. Đây cũng là hệ thống các tượng độc lập, theo thứ tự trên cùng là cặp Lý ngư hóa long rồi đến cặp Long phi và kết thúc là cặp Lân. Về mặt ý nghĩa, không ngoài khát vọng vươn lên hướng tới thành công của con người.
Tập hợp những sản phẩm gốm Cây Mai/Chợ Lớn trang trí kiến trúc mái Tiền điện đình Tân Lân là một quần thể tiểu tượng/thùy tích hoành tráng, đạt đến trình độ nghệ thuật hoàn mỹ. Sự xuất hiện của “Công nghệ vũ miếu” và sự tồn tại sống động trên kiến trúc đình miếu, hội quán ngày nay có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đặc biệt đối với sự phát triển vùng đất Nam Bộ.
Xuân Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin