Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội chia đều cho những chương trình giáo dục khác nhau

Minh Ngọc
07:14, 08/06/2024

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025 vừa diễn ra. Đây là kỳ thi có số thí sinh đăng ký thi đông nhất từ trước đến nay với trên 26 ngàn thí sinh thi vào 21 trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên chỉ có gần 11 ngàn thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập.

So với năm 2023, năm nay, số thí sinh dự thi vào lớp 10 tăng gần 1 ngàn em, do đó để cạnh tranh được 1 suất học trường công càng ngày càng khó khăn. Những thí sinh có học lực khá, trung bình, cơ hội vào trường công, nhất là những trường có tỷ lệ “chọi” cao như Trấn Biên, Ngô Quyền rất khó khăn. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn các phương án để học tiếp ngày càng được nhiều phụ huynh tính toán kỹ càng để giúp con yên tâm khi chẳng may không trúng tuyển trong kỳ thi này.

Phương án được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn là xét tuyển vào các trường tư thục trên địa bàn tỉnh hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương để tiếp tục con đường học tập của mình. Tuy nhiên, đây là lựa chọn của những gia đình có điều kiện kinh tế tương đối ổn định, vững vàng. Những gia đình cha mẹ làm công nhân hoặc lao động tự do, việc cho con vào học trường tư thục với mức học phí cao gấp nhiều lần trường công lập là điều không thể. Lựa chọn phổ biến nhất dành cho các em vẫn là học nghề hoặc học hệ giáo dục thường xuyên.

Nhiều năm nay, cứ đến mùa tuyển sinh vào lớp 10, một câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra là, vì sao tỉnh không xây dựng thêm trường THPT mới để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nhất là ở những địa bàn tập trung đông dân như thành phố Biên Hòa.

Đồng Nai là tỉnh được đánh giá có sự đầu tư khá lớn cho việc xây dựng trường, lớp. Trong đó, nhiều địa phương như huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khá cao. Tình hình thiếu trường lớp chủ yếu chỉ xảy ra ở thành phố Biên Hòa, do đây là trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất tỉnh, tập trung đông dân cư. Việc gia tăng dân số cơ học nhiều năm qua ở thành phố Biên Hòa được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến cho trường lớp không “chạy” theo kịp số tăng của học sinh hàng năm.

Học sinh tăng nhưng quỹ đất dành cho giáo dục ở thành phố Biên Hòa không còn nhiều, nhất là ở những phường nội ô hoặc tập trung đông công nhân lao động. Do đó, mặc dù đã có nhiều cố gắng xây mới cùng với cải tạo, sửa chữa trường lớp hiện hữu nhưng không ít trường ở Biên Hòa vẫn phải học dồn với sĩ số học sinh/lớp khá cao. Học sinh gia tăng hàng năm đã và đang kéo theo nhiều áp lực cho thành phố, rất khó để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến cho chỉ tiêu vào lớp 10 nhiều năm nay không tăng là do tỉnh đang hướng đến mục tiêu phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở đạt hiệu quả hơn nữa. Hiện tỷ lệ phân luồng này ở Đồng Nai đạt khoảng 30% và đang phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 50% trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn phù hợp với năng lực học tập của học sinh, nhất là những học sinh có học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn thì việc sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động vừa đỡ tốn chi phí đào tạo, sớm có việc làm đồng thời cơ hội học lên cao hơn rộng mở là hướng đi mà phụ huynh và học sinh cần tính toán, cân nhắc.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều