Báo Đồng Nai điện tử
En

“Câu view” & Kinh tế chú ý: mạng xã hội phải mang lại lợi ích cho chúng ta

Tiến Dũng - Trọng Trung
08:25, 21/06/2024

Tác phẩm “Câu view” & Kinh tế chú ý của nhà báo Đỗ Đình Tấn, do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 năm nay.

Tác phẩm “Câu view” & Kinh tế chú ý dày 288 trang.
Tác phẩm “Câu view” & Kinh tế chú ý dày 288 trang.

Tác phẩm “Câu view” & Kinh tế chú ý gồm 6 chương: Những nhà buôn chú ý; Mô hình thị trường sản phẩm kép; Kinh tế chú ý; Mua bán sự chú ý, cạnh tranh & lợi nhuận; Ai đã “giết” upworthy? Mồi nhử chuột? Facebook? Những tác hại của mạng xã hội và chương cuối gửi gắm nhiều tâm huyết của tác giả: Cùng hành động cho lợi ích tốt nhất của con người.

“Câu view” là gì và ai “câu view”?

“Câu view” & Kinh tế chú ý của nhà báo Đỗ Đình Tấn được viết dựa trên nhiều nguồn thông tin cập nhật tổng hợp và nghiên cứu sâu rộng, nhằm đưa ra và trả lời cho những câu hỏi lý thú, được nhiều người quan tâm hiện nay: “Câu view” là gì? Ai “câu view”? Vì sao phải “câu view”? “Câu view” để làm gì”?

Tác phẩm liên hệ đến “một nền kinh tế lại có thể vận hành chỉ bằng nguồn tài nguyên phi vật chất là sự chú ý của con người”, đó chính là kinh tế chú ý. Thuật ngữ này xuất phát từ thực tế ngày nay nội dung, dịch vụ, các ứng dụng hoặc nền tảng mà các mạng xã hội cung cấp miễn phí song đổi lại là việc người dùng (tức tất cả chúng ta) bị thu thập thông tin, hành vi tiêu dùng, mối quan tâm, thời gian “lang thang” lướt web và chú ý, chia sẻ những gì trong cuộc sống…

Từ đó, chúng ta trở thành đối tượng được các nhãn hàng, công ty quảng cáo nhắm đến một cách tinh vi để tìm kiếm lợi nhuận. Những tình huống và chiến lược mà các tổ chức hay cá nhân đẩy mạnh chiến lược quảng bá để thu hút sự chú ý của người con người trên mọi nền tảng xã hội được nêu cụ thể trong sách. “Các nền tảng mạng xã hội đều được thiết kế dựa trên công nghệ thuyết phục. Công nghệ này được tạo ra, chủ yếu là để làm thay đổi quan điểm, thái độ hoặc hành vi của người dùng nhằm đạt được những mục tiêu của nó” - sách viết.

 

Tác giả/dịch giả Đỗ Đình Tấn (Khắc Thành) nguyên là Trưởng ban Quốc tế Báo Tuổi Trẻ, làm việc tại Báo Tuổi Trẻ từ năm 1986-2013. Các tác phẩm đã xuất bản: Một nền báo chí phẳng (2014), Báo chí lương tâm (2016), Báo chí và mạng xã hội (2017), Truyền thông và kinh doanh (2019), Fake News & chống Fake News (2022), Người kể chuyện trên báo (2023), “Câu view” & Kinh tế chú ý (2024).

Lợi ích tốt nhất cho con người

Tác giả Đỗ Đình Tấn đưa ra quan điểm: “Chúng ta không thể chối bỏ những lợi ích mà thời đại thông tin và kinh tế chú ý mang lại. Thế nhưng, để chống lại những hậu quả tiêu cực mà nó gây ra, chúng ta phải xem xét lại những cách suy nghĩ trên một cách sâu sắc, cả những thói quen đã có và tìm ra những cách mới để kết nối với những gì là quan trọng đối với chúng ta”.

Cụ thể, tác giả nhấn mạnh mỗi người trong chúng ta cần suy nghĩ xem “có thể làm gì và làm như thế nào để trở thành một người tiêu thụ thông minh và có trách nhiệm”. Ở tầm vĩ mô, loài người cần phát triển công nghệ theo chiều “phù hợp với lợi ích tốt nhất của nhân loại”. Trước mắt, “tất cả chúng ta cần phải có tiếng nói và tác động đúng mực để thay đổi những gì không phù hợp nhằm giảm thiểu mối nguy hiểm của truyền thông xã hội; điều chỉnh mạng xã hội cho phù hợp với lợi ích tốt nhất, những nhu cầu và giá trị căn bản của con người”.

“Cái mà bạn trả tiền thì đó là sản phẩm. Cái mà bạn không phải trả tiền thì chính bạn là sản phẩm để bán” - nhà báo Đỗ Đình Tấn.

Trung Nghĩa

 

Tin xem nhiều