Bất đồng giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn nghề, chọn trường từ lâu đã không còn là chuyện nội bộ của mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm, rất cần tìm được giải pháp tạo ra tiếng nói chung để tránh xung đột.
Thực tế đã xảy ra không hiếm những câu chuyện đau lòng khi con muốn học ngành này nhưng cha mẹ lại bắt con học ngành khác. Có em vì không chịu được áp lực và sự kỳ vọng của cha mẹ đã tìm đến hướng giải quyết tiêu cực, thậm chí là tự tử, đánh cược mạng sống của mình. Cũng chỉ vì bất đồng quan điểm mà không khí nhiều gia đình trở nên căng thẳng, cha mẹ không nói chuyện được với con và con không cảm thấy thoải mái, tin tưởng để chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ với cha mẹ.
Học ngành gì, trường nào cho phù hợp với mỗi học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trước hết tự bản thân mỗi học sinh phải lượng được sức mình, biết năng lực mình đến đâu. Một học sinh có khả năng về các môn xã hội không thể chọn đăng ký và học những ngành thiên về khối tự nhiên. Mỗi ngành, nghề lại phù hợp với một loại tính cách khác nhau và điều này đòi hỏi học sinh cũng như phụ huynh phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để tránh mắc sai lầm. Chỉ khi xác định được bản thân thích gì, muốn gì và khả năng phù hợp nhất với những ngành nghề nào thì khi ấy, việc lựa chọn mới tránh được sai lầm đáng tiếc.
Phụ huynh cũng không nên vì kỳ vọng của bản thân mà ép con phải nghe theo sự sắp xếp của mình. Ngược lại, nên lắng nghe con trẻ, xem con mong muốn học ngành gì. Khi biết con chọn sai ngành, bình tĩnh cùng định hướng để con nhận ra ưu, khuyết điểm trong sự lựa chọn của mình. Cần cho con khoảng thời gian để con cân nhắc, suy nghĩ trước khi quyết định thay vì ra “mệnh lệnh” bắt con tuân thủ.
Những học sinh lớp 12 khi được cha mẹ góp ý về ngành nghề cũng nên lắng nghe, suy xét kỹ thay vì lựa chọn theo bạn bè, theo số đông, ở những ngành “thời thượng” nhưng lại không phù hợp với tính cách, năng lực bản thân. Nếu muốn bảo vệ quyết định của mình cũng nên giải thích để cho cha mẹ hiểu và đồng ý với sự lựa chọn của mình.
Thời gian để những học sinh lớp 12 suy nghĩ thay đổi các quyết định về nguyện vọng ngành nghề ở một số phương thức xét tuyển vẫn còn. Do đó, cả phụ huynh và học sinh vẫn có thể cùng bàn bạc, thống nhất nhằm hạn chế những xung đột, mâu thuẫn trong quyết định chọn ngành, chọn trường gây nên sự căng thẳng, bất hòa trong gia đình…
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin