Mùa khô năm nay thật khốc liệt. Biên Hòa nắng nóng rừng rực như cái chảo rang. Những cơn mưa tươi vui mát lành trốn biệt đâu mất, mặt trời chói lọi từ lúc hừng đông, nấn ná, đủng đỉnh chán chê mới chịu dời đi lúc cuối ngày, nhường chỗ cho bóng tối dịu dàng lan tỏa…
Đường Nguyễn Ái Quốc, thành phố Biên Hòa. Ảnh: HUY NGUYỄN |
Người nhà gọi điện vào, bảo sốt ruột vì thấy ti vi thông báo nhiệt độ Biên Hòa cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ. Tôi lý giải quấy quá rằng, vì thành phố có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, bê tông hóa và ít cây xanh nên luôn nóng hơn những vùng miền khác. Lại hỏi “hạ cánh” lần hai tôi có định về quê không, rằng ở quê bây giờ đời sống rất dễ chịu, nhiều món ăn ngon, phong cảnh đẹp… Tôi loanh quanh vòng vo rằng tôi đã quá yêu Biên Hòa và quen với vùng đất này nên chưa có ý định “hồi hương”…
Biên Hòa là thành phố đặc biệt. Bạn sẽ bắt gặp ở đó một nước Việt Nam thu nhỏ, với tất cả những đặc trưng, nét riêng của mỗi tỉnh, thành. Bạn sẽ không cảm thấy lạc lõng dù bạn nói giọng Bắc, Trung, Nam, giọng xứ Nghệ hay xứ nẫu. Thành phố này ở đâu ta cũng dễ dàng tìm được đồng hương, và chẳng khó khăn gì để ta được hưởng không khí thân thương như ở quê nhà. Bạn muốn ăn nem Thanh Hóa, tré Huế, chè trôi nước Hà Nội hay bánh tét nhân đậu dừa Tiền Giang, kể cả khi bạn muốn thưởng thức tô mì Quảng hay miến lươn xứ Nghệ, Biên Hòa sẽ cung ứng cho bạn, với gần đúng hương vị món ăn mà bạn từng quen khi còn ở nhà với mẹ. Tôi đã từng nhiều đêm trằn trọc, lắng nghe tiếng lộc cộc của xe mì gõ ngang qua nhà, tự hỏi, người bán mì gõ đến từ đâu, hôm nay người ấy đã bán được bao nhiêu tô mì cho khách lỡ độ đường hay người lao động làm việc về đêm? Có lẽ sự đa dạng của ẩm thực Biên Hòa là một trong những nét riêng khiến thành phố này được ưa chuộng, kể cả những người khó tính.
Số đông người Biên Hòa bây giờ còn nghèo, thu nhập chưa cao và còn chật vật với miếng cơm manh áo. Nhìn người chạy xe trên đường bạn sẽ thấy rõ điều đó. Hầu hết là người lao động, công nhân, thợ thủ công, nông dân, quần áo một màu đơn sơ, dáng vẻ tất bật, vội vàng. Dù vậy, buổi sáng và buổi tối rất nhiều người vẫn an nhàn ngồi nhâm nhi tách cà phê, “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất. Thi thoảng, ta lại bất ngờ vì không biết từ lúc nào, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, kiến trúc mới lạ đầy vẻ kiêu hãnh và điệu. Cây cầu Gành cũ kỹ do người Pháp xây dựng trên một trăm năm tuổi hàng ngày vẫn đón những chuyến tàu ngược xuôi, ra Bắc, vào Nam chuyên chở bao nhiêu tâm trạng, bao nhiêu nỗi niềm. Bên kia cầu là những làng gốm, làng cá bè và rất nhiều đình, miễu với lối kiến trúc pha trộn cả nét cổ kính lẫn nét tân kỳ. Tiếng chuông chùa buông vào thinh không mang lại cho bạn sự thanh tịnh, bình an trong tâm hồn, để bạn nạp lại năng lượng tiếp tục cho những hành trình mới.
Nhiều người chê Biên Hòa trần trụi, con đường trung tâm vừa hẹp, vừa không có cây xanh. Không có cây xanh quả là thiệt thòi. Nhưng Biên Hòa dễ thương cả khi không có hàng cây xòa bóng mát, giống như ai đó vẫn đẹp dù mang cái đầu trọc không có tóc. Biên Hòa có vô số điều bé nhỏ vụn vặt, vô số khoảnh khắc khiến bạn quên đi những khiếm khuyết của nó, và bạn sẽ thấy thành phố bình dân này thật đáng yêu, thật gợi cảm. Ở đây, những ngày cuối năm, sáng và đêm đều lành lạnh giống như miền Bắc khiến tôi cảm tưởng như mình đang ở nhà. Và đó cũng là điều tôi yêu ở thành phố phương Nam này.
Hôm đi xem triển lãm gốm Biên Hòa nhân sự kiện thành phố kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tôi mê mẩn những bình hoa, chậu, vật trang trí, bộ đồ trà, em bé, cô thiếu nữ… bằng chất liệu gốm nung, đa dạng mẫu mã, màu men và họa tiết… đẹp mê hồn. Chất dịu mát, óng ả của lớp men phủ bên ngoài khiến tôi ngưỡng mộ bàn tay tài hoa của người thợ gốm Biên Hòa. Chính họ đã biến thỏi đất sét vô tri thành những sản phẩm sống động như có linh hồn. Có lẽ trong lúc chấm men hay cúi xuống bàn xoay, người thợ gốm Biên Hòa không biết rằng họ đang tạo ra văn hóa, tạo ra những giá trị tinh thần và vật chất góp phần định danh vùng đất ven sông Đồng Nai.
Những ngày nắng nóng như đổ lửa, nếu đi dạo qua mặt tiền Quảng trường tỉnh, bạn sẽ thấy dưới bóng cây một nhóm thanh niên đang quây quần cắt tóc miễn phí cho người dân. Tôi không hỏi các bạn từ đâu đến, thuộc đơn vị hay địa phương nào, chỉ biết là các bạn tạo nên một hình ảnh đẹp và cảm động. Bên vỉa hè thi thoảng ai đó lại đặt một thùng nước lạnh với chiếc ca nhựa, đó là nước uống miễn phí cho khách đi đường giải nhiệt. Ca nước ấy không chỉ ngọt vì bạn đang trong cơn khát mà còn ngọt vì nghĩa tình không thể “cân đong đo đếm” của người Biên Hòa.
Một buổi tối mới đây, tôi và cô bạn văn của tôi dạo ra bờ sông Đồng Nai, khu vực đang giải tỏa, làm bờ kè. Gió đêm thổi lồng lộng. Một khúc bờ sông khá dài đất cát đang được san ủi nham nhở chưa ra hình thù. Nhưng tôi biết, chỉ một thời gian nữa bờ kè sẽ được xây dựng đẹp đẽ, khang trang, giống như đoạn sông chảy qua công viên chợ đêm. Thành phố sẽ đẹp hơn vì nhiều ngôi nhà thụt sâu trong hẻm giờ đã nhô ra mặt tiền sông hóng gió. Biết bao niềm vui, niềm hy vọng sẽ bừng nở bên dòng sông xinh đẹp này.
Tôi đã ở thành phố công nghiệp nóng bức chật chội hơn bốn mươi năm, đã thuộc như lòng bàn tay các địa danh trong tỉnh, có thể giới thiệu với khách phương xa tất cả những gì đẹp đẽ, kỳ diệu của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, từ sự đa dạng của văn hóa đến nét phong phú, sinh động trong tính cách. Tôi và hàng triệu người con xa xứ đã coi Biên Hòa là quê hương thứ hai, để rồi yêu quý, gắn bó máu thịt với nó, cùng vun đắp cho nó trở thành “nơi đáng sống” như người ta vẫn nói…
Hôm qua, Biên Hòa đã có cơn mưa vàng, mưa bạc đầu mùa. Thành phố sau mưa trở nên sạch sẽ, sáng bừng một sức sống mới…
Hoàng Ngọc Điệp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin