Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ tù chính trị ở Nhà lao Tân Hiệp ngày ấy:
Sống vĩ đại, chết vinh quang

Xuân Nam
07:20, 01/06/2024

“Tàn bạo nào ngăn được bất bình

Một dòng máu đỏ một niềm tin

Khảo tra không nhụt lòng gang thép

Lừa mị đâu mềm dạ sắt đinh

Máu lệ dẫu chan hòa ngục thất

Tâm hồn vẫn rực lửa bình minh

Con đường tranh đấu con đường sống

Mãi mãi bên nhau vẹn nghĩa tình”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những câu thơ của người tù cộng sản/nhà thơ yêu nước Dương Tử Giang vẫn vang vọng đâu đây, như nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên một địa điểm lịch sử ghi dấu tội ác của Mỹ - chính quyền Sài Gòn và những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của người tù chính trị, người yêu nước bị giam cầm tại Nhà lao Tân Hiệp ngày ấy.

Miếu thờ liệt sĩ tại di tích Nhà lao Tân Hiệp, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Ảnh: X.Nam
Miếu thờ liệt sĩ tại di tích Nhà lao Tân Hiệp, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Ảnh: X.Nam

Tinh thần đấu tranh bất khuất của các nữ tù chính trị

Theo tài liệu ghi lại: Ngày 1-10-1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa hàng trăm anh chị em tù chính trị, đa phần là phụ nữ từ Nhà tù Côn Đảo trở về Nhà lao Tân Hiệp. Chị em chưa kịp xuống xe, tên Tâm - quản đốc nhà tù đã cho bọn đồ tể ác ôn sử dụng roi mây và các thanh gỗ quất tới tấp vào một số người hết sức tàn độc. Đồng chí Mười Hai đang dìu đồng chí Quế Lan bị cụt chân xuống xe thì bị tên Cách - trưởng trại khu biệt lập số 2, đánh một cây gỗ vào đầu làm chị bị thương nặng, ngất xỉu.

Căm phẫn trước hành động man rợ đó, đồng chí Biên lấy hũ chao đựng muối ném mạnh vào đầu tên Cách và chị em xông lên quật ngã hắn, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo khủng bố”. Chúng liền huy động lực lượng cảnh sát đến đàn áp. Chị em ra đấu lý, dùng lời lẽ ôn tồn để thuyết phục với địch. Trước dũng khí đấu tranh của chị em, địch buộc phải tạm lùi bước và chúng lần lượt phân tán chị em vào các trại giam, suốt ba ngày không cho chị em ra ngoài tắm giặt. Chị em đã đấu tranh hô vang khẩu hiệu đòi địch mở cửa các phòng cho chị em tắm rửa, phản đối nhà tù cho tù nhân ăn gạo mốc, cá thối... Tất cả tù nhân đều hưởng ứng, không khí đấu tranh sôi động trong toàn trại giam và làm náo động ra bên ngoài.

Tháng 11-1970, bọn quản đốc Nhà lao Tân Hiệp ra lệnh đóng cửa các phòng giam chị em tù chính trị với lý do: “Thi hành kỷ luật bọn ngoan cố”, không cho mở cửa để đưa cơm cháo vào như thường lệ. Trên 400 tù nhân đứng lên đấu tranh đòi mở cửa, đòi cho ăn và chấm dứt đánh đập.

Ở trại E, lúc 16h ngày 26-11-1970, tên trung tá đại diện nha cải huấn đã tập trung bọn ác ôn trang bị đầy đủ lựu đạn cay, vôi bột, bom lân tinh ném vào các phòng giam; riêng phòng giam phụ nữ, chúng ném 24 trái chất nổ khiến 52 chị em ngất xỉu, phỏng toàn thân. Chúng xông vào lôi kéo chị em ra khỏi phòng giam, dùng dùi cui đánh đập hết sức tàn nhẫn, rồi phun nước sôi vào thân thể chị em. Cuộc đàn áp dã man này làm cho hơn 40 người bị chết và bị thương, hàng trăm người khác bị bỏng nặng…

Ngày 3-6 năm nay là dịp tưởng niệm 50 năm ngày nữ tù chính trị bị thảm sát tại Nhà lao Tân Hiệp (3-6-1974 - 3-6-2024).

Năm 1972, trước sự lên án mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế, lần lượt tù chính trị từ Nhà lao Tân Hiệp được đưa ra nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, nhưng Mỹ - Ngụy vẫn ngoan cố không thực hiện các điều khoản đã ký kết, tiếp tục hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, đánh phá cách mạng, khủng bố nhân dân miền Nam. Bắt bớ hàng ngàn đồng bào ta giam giữ trong các nhà tù và luân chuyển thường xuyên để tránh sự kiểm soát của Ủy ban Giám sát quốc tế và các ban liên hợp quân sự hai bên và bốn bên. Chúng đã đưa trở lại giam giữ ở Nhà lao Tân Hiệp hàng ngàn tù chính trị, phân tán tù nhân không trao trả cho cách mạng.

Thủ đoạn thâm độc nhất là vào đêm 3-6-1974, từ căn cứ quân đoàn 3, cách Nhà lao Tân Hiệp khoảng 2km, bọn Mỹ - Ngụy đã dùng pháo cối bắn trực tiếp vào khu vực nhà tù khiến cho 18 chị em nữ tù trúng đạn hy sinh tại chỗ và hơn 50 người khác bị thương. Đa số nữ tù chính trị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và quê quán chủ yếu ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Khánh Hòa...

Muôn đời tưởng nhớ công ơn các liệt sĩ

Xuất phát từ tâm nguyện của các cán bộ cựu tù chính trị tỉnh và được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dịp kỷ niệm 57 năm Ngày diễn ra cuộc nổi dậy phá Nhà lao Tân Hiệp của tù chính trị và những người yêu nước (2-12-1956 - 2-12-2013), một ngôi miếu được xây dựng bên trong di tích lịch sử Nhà lao Tân Hiệp để thờ các liệt sĩ nói chung, thờ 18 nữ liệt sĩ nói riêng đã hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp.

Ngôi miếu lúc đầu được xây với diện tích khoảng 1,6m2, mái lợp ngói vảy cá, nền lót gạch bông, tường xây gạch, sơn màu vàng. Bên trong miếu bài trí bàn thờ trên đặt bài vị, di ảnh của các liệt sĩ, quốc huy, cờ Đảng, cờ Tổ quốc và đầy đủ đồ thờ tự, tạo không gian thờ cúng đầy ắp tình đồng đội, nghĩa đồng bào.

Đến năm 2015, di tích lịch sử Nhà lao Tân Hiệp được trùng tu mở rộng, miếu thờ liệt sĩ được xây dựng mới ở bên phải nhà Trưng bày truyền thống với diện tích khoảng 20m2 theo lối kiến trúc miếu thờ dân gian Nam Bộ. Trên điện thờ treo bảng vị “Tổ quốc ghi công” khắc tên 37 liệt sĩ, hai bên treo câu đối “Sống Vĩ Đại”, “Chết Vinh Quang”, phía dưới là bàn thờ đặt lư hương và các đồ thờ tự.

Nhằm tri ân những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 623/QĐ-CTN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng Nhà lao Tân Hiệp.

Hàng năm, cứ đến ngày 3-6, Ban Liên lạc cựu tù chính trị tỉnh (nay là Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh) phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức lễ giỗ cho 18 nữ tù chính trị đã hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp

Xuân Nam

 

Từ khóa:

Nhà lao Tân Hiệp

Tin xem nhiều