Báo Đồng Nai điện tử
En

Mong đề xuất tăng lương cho giáo viên được thực thi

Kim Liễu
11:09, 25/05/2024

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến, trong đó đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cô và trò Trường mầm non Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) cùng biểu diễn trong tiết mục văn nghệ tại trường. Ảnh: K.Liễu
Cô và trò Trường mầm non Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) cùng biểu diễn trong tiết mục văn nghệ tại trường. Ảnh: K.Liễu

Dù còn nằm trên dự thảo nhưng thông tin về việc lương tăng cùng nhiều thay đổi tích cực từ chính sách hỗ trợ cho các nhà giáo đã đang mang tới niềm hy vọng cho rất nhiều thầy cô. Bởi chỉ khi thu nhập cao hơn thì các giáo viên mới yên tâm giảng dạy, tích cực cống hiến, không phải “chân trong, chân ngoài” trang trải cuộc sống.

Nhiều chính sách ưu đãi

Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD-ĐT đăng trên trang web của bộ, bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 13-5 đến ngày 13-7. Trong nội dung dự thảo, Bộ GD-ĐT một lần nữa nhắc lại về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, đặc biệt là tiền lương giáo viên.

Ngoài tiền lương, dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định về các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Theo Bộ GD-ĐT, quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị trung ương 8 (khóa XI) thông qua. Theo đó, thời gian tới, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Điều này hướng tới việc giúp các nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp, thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo, thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn…

Xem các thông tin đề xuất của Bộ GD-ĐT về các chính sách tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, một giáo viên về hưu ở huyện Thống Nhất chia sẻ: “Dù đã không còn giảng dạy nhưng tôi thấy rất phấn khởi với đề xuất tiền lương của nhà giáo cùng các chính sách ưu đã khác. Mong rằng đề xuất sớm được thông qua, giúp thu nhập của các giáo viên tăng thêm, không phải nặng gánh mưu sinh. Các thầy cô được tạo điều kiện tốt để yên tâm, gắn bó với nghề, có điều kiện tốt để trau dồi nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giảng dạy”.

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Nhà giáo cần được trả lương xứng đáng

Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò trung tâm trong công tác nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, sau nhiều năm cải cách tiền lương, đến nay nhà giáo cả nước vẫn chưa thể sống được bằng tiền lương và vẫn còn nhiều nhà giáo đang gặp khó khăn. Các trường từ mầm non cho đến phổ thông đang đứng trước thực trạng ngày càng khó tuyển dụng giáo viên, thậm chí là có tình trạng giáo viên và nhân viên ngành giáo dục nghỉ việc chuyển sang làm việc khác.

Chúng tôi rất vui mừng và hy vọng, vì lần này Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, trong đó đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu điều này thực sự trở thành hiện thực sẽ tạo thuận lợi rất lớn, có thể nói là đột phá trong việc nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho nhà giáo cả nước thực hiện tốt hơn nhiệm vụ dạy và học.

Bên cạnh đó, tạo đột phá trong cải cách tiền lương đối với nhà giáo còn tạo sức hút trong học sinh giỏi sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ đăng ký vào học các trường sự phạm. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Chúng tôi mong rằng, trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật Nhà giáo, cả xã hội, các bộ, ngành sẽ ủng hộ đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp để cùng nhau nâng cao đời sống nhà giáo.           

Công Nghĩa (ghi)

Giúp nhà giáo yên tâm cống hiến

Cùng ý kiến, cô Nguyễn Thùy Chi, giáo viên một trường trung học cơ sở tại huyện Trảng Bom, cho rằng lương giáo viên tăng sẽ giúp giữ chân các giáo viên gắn bó với nghề hơn. Thực tế, có nhiều thầy cô dù rất yêu nghề nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên đã không trụ được với nghề. “Với mức lương như bây giờ, rất khó để thu hút được nguồn nhân lực tốt cũng như giữ chân giáo viên trong ngành, nhất là giáo viên mầm non” - cô Chi bộc bạch.

Cũng theo cô Chi, khi trả lương cao thì giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý với nghề hơn. Thời gian qua, có không ít giáo viên phải làm nghề “tay trái” để mưu sinh vì đồng lương không thể nuôi sống bản thân, gia đình. Nếu nghề giáo được xếp lương cao nhất sẽ thu hút được nhiều người giỏi vào ngành sư phạm. Khi có giáo viên giỏi thì tất nhiên sẽ có nhiều thế hệ học trò giỏi, góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nhất trí cao với chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Phương Huyền, giáo viên mầm non tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), đề xuất khi xét lương nên tính quá trình công tác của giáo viên. Bởi lần xếp hạng lương trước đó, theo dự báo thì lương sẽ tăng đáng kể nhưng đến khi đưa vào thực tiễn thì lương của tôi lại quay lại bậc 1, tương đương với giáo viên mới vào nghề. Việc này làm cho tôi và nhiều đồng nghiệp cảm thấy chạnh lòng.

Theo cô Huyền, các chính sách theo lương của các nhà giáo cũng cần được xem xét thấu đáo. “Hiện nay giáo viên được hưởng phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên. Nhiều giáo viên có thâm niên giảng dạy cao đang hưởng mức thâm niêm 35% lương. Nếu quy định mới chỉ xét tăng lương mà không xét mức phụ cấp thì nhiều giáo viên sẽ thiệt thòi. Xếp lương cao nhưng cũng tránh cào bằng, thì việc tăng lương mới có ý nghĩa” - cô Huyền bộc bạch.

Kim Liễu

Tin xem nhiều